Nhiễm giun là một trong nhiều nguyên nhân gây bệnh lý đường tiêu hóa ở trẻ em. Hệ quả là trẻ sẽ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy kéo dài, gây suy dinh dưỡng , thiếu máu. Có trẻ nhiễm giun có thể biểu hiện ở cơ quan khác như giun vào phổi gây ho kéo dài, ở ruột gây tắc ruột, giun có thể chui vào ống mật gây tắc mật vàng da, giun ký sinh ở các bộ phận khác như tai, cơ, não, gan,.. gây nhiều bệnh lý nặng nề có thể tử vong.
Giun là loại ký sinh trùng sống bám vào cơ thể, chủ yếu là ở ruột. Thường ở những vùng có chiến tranh , nền kinh tế kém phát triển, hoặc ở những nơi có tập tục vệ sinh ăn uống không sạch sẽ , tỉ lệ nhiễm giun rất cao. Có nhiều loại giun , giun tóc , giun móc, giun đũa, sán lá, ....Riêng ở nước ta tỉ lệ này chưa có thống kê chính xác, nhưng tỉ mắc bệnh giun đũa cũng khá cao, ở thành phố chủ yếu nhiễm do giun đũa, ở nông thôn do tình trạng đi chân đất, tỉ lệ nhiễm giun móc cao, gây thiếu máu, suy dinh dưỡng. Người lớn nhiễm giun đũa thường là do ăn rau sống có lẫn trứng giun, thức ăn bị phơi nhiễm do bụi và ruồi, nhặng, gián... Trẻ bị nhiễm do ăn thức ăn hoặc nguồn nước bị nhiễm , hoặc nuốt phải trứng giun trên nền đất khi cầm nắm và ngậm đồ chơi nhiễm bẩn.
Dùng thuốc tẩy giun là một việc làm rất cần thiết. Thuốc trị giun đường ruột là thuốc có tác dụng tẩy sạch, hoặc làm giảm đáng kể số lượng giun ra khỏi ruột.
Thuốc tẩy giun là một loại thuốc dễ sử dụng và tương đối an toàn và chỉ nên bắt đầu tẩy giun định kỳ khi trẻ được 2 tuổi trở lên. Trong trường hợp trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, nếu phát hiện hoặc nghi ngờ nhiễm giun thì nên đưa trẻ đi khám và làm xét nghiệm tầm soát, và khi đã có bằng chứng chính xác của nhiễm giun thì trẻ sẽ được điều trị theo sự hướng dẫn của Bs.
Một số thuốc tẩy giun thường được Bs khuyên dùng:
Mebendazole tiêu diệt giun bằng cách gây thoái hóa cấu trúc ruột giun, làm rối loạn chức năng tiêu hóa của giun. Thuốc có dạng viên hàm lượng 500 mg, các bà mẹ chỉ cần cho bé uống một liều duy nhất. Đối với loại hàm lượng 100 mg mỗi viên, mẹ cho uống 2 viên mỗi ngày vào buổi sáng và buổi tối, uống trong 3 ngày liên tiếp.
Albendazole có tác dụng diệt trứng, ấu trùng và giun trưởng thành bằng cách làm giun mất năng lượng, bị bất động và tiêu diệt từ từ. Sau đó, xác giun sẽ được thải ra ngoài qua nhu động ruột. Thuốc có dạng viên nén 200 mg và 400 mg. Khi dùng loại này, mẹ sẽ cho uống một lần duy nhất 1 viên 400 mg. Đối với viên có hàm lượng 200 mg, mẹ cho uống 2 viên cùng lúc
Pyrantel - Thuốc làm tê liệt thần kinh các loại giun, giun sẽ bị thải ra ngoài qua phân. Thuốc được trình bày dưới dạng viên nén 125 mg và 250 mg, liều dùng là 10 mg cho mỗi kilogram cân nặng, uống 1 liều duy nhất.
Lưu ý khi uống thuốc tẩy giun, trẻ không cần nhịn đói hay ăn kiêng, cũng không phải dùng thuốc xổ.
Phản ứng phụ có thể gặp:
- Đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, không cần lo ngại, sẽ nhanh chóng khỏi.
-Dị ứng , phát ban, nổi mẫn ngứa, có thể hết khi dùng thuốc điều trị triệu chứng.
Điều quan trọng là phải phòng bệnh để tránh bội nhiễm, tái nhiễm giun.
Phòng ngừa:
- Rửa tay sạch sẽ khi ăn.
- Ăn thức ăn chế biến sạch sẽ, nấu kỹ và bảo quản tốt.
-Diệt ruồi và dán, vì chúng có thể bám vào phân hay thức ăn nhiễm trứng giun và bò hay đậu lên thức ăn sạch.
-Rửa sạch sẽ đồ chơi, không để trẻ bò lê dưới đất.
- Mang giày dép, không đi chân đất khi ra vườn.
- Xử lý chất thải tốt. Như đi tiêu đúng nơi quy định.
Tuy nhiên những việc trên rất khó vì có thể do nguồn nước , do môi trường, thói quen sống... Cho nên việc tẩy giun định kỳ mỗi 4-6 tháng là rất cần thiết để ngừa bệnh.
+ Xem thêm:
DẤU HIỆU TRẺ NHIỄM GIUN TRONG NGƯỜI
SAI LẦM CỦA CÁC MẸ KHI TẨY GIUN CHO CON