Để Trẻ Sơ Sinh Không Bị Bẹp Đầu

  7469

Nguyên nhân chính gây ra chứng bẹp đầu là do cha mẹ đặt bé nằm không đúng tư thế, không cho bé xoay đầu đều cả hai bên.

Viện Hàn lâm nhi khoa Mỹ cho biết có khoảng 13% trẻ sơ sinh khỏe mạnh có những dấu hiệu bẹp đầu hay còn gọi là hội chứng đầu phẳng.

1. Hội chứng đầu phẳng là gì?

Hội chứng đầu phẳng (Plagio-Cephaly) hay hiện tượng đầu bằng là do trẻ sơ sinh thường nằm nhiều ở một bên dẫn đến vết lõm giống như đầu bị dẹt. Nguyên nhân là vì xương của trẻ sơ sinh còn khá mềm. Trẻ sinh thiếu tháng sẽ dễ mắc phải hội chứng này hơn bởi xương mềm dẻo hơn nhiều so với trẻ sinh đủ tháng.

Một nghiên cứu được tiến hành tại trường đại học Mount Royal ở Calgary, Canada đã cho thấy kết quả đáng ngạc nhiên. Trong số 440 trẻ sơ sinh được theo dõi thì gần một nửa số trẻ mắc phải hội chứng này: 78% trẻ bị ở mức độ nhẹ, 19% bị ở mức độ vừa phải và 3% được phân loại là trường hợp ngiêm trọng. 

 

13% trẻ sơ sinh khỏe mạnh có những dấu hiệu của hội chứng đầu phẳng. (Ảnh minh họa)

2. Nguyên nhân gây ra hội chứng đầu phẳng

Nguyên nhân chính gây ra hội chứng này là do cha mẹ đặt bé nằm không đúng tư thế, không cho bé xoay đầu đều cả hai bên. 

Ngoài tư thế nằm thì những yếu tố từ trong bụng mẹ hoặc yếu tố dinh dưỡng cũng là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị hội chứng đầu phẳng. Bé bị mắc hội chứng đầu phẳng từ trong bụng mẹ là do thiếu nước ối. Trường hợp sinh đôi hoặc sinh ba dễ có nguy cơ mắc hội chứng này hơn. Mặt khác, chế độ dinh dưỡng không hợp lý dẫn đến thiếu canxi cũng có thể gây ra hội chứng này.

3. Biến chứng của hội chứng phẳng đầu là gì?

Hội chứng đầu phẳng không chỉ đơn giản là một khiếm khuyết về thể chất. Trẻ sơ sinh mắc phải hội chứng này có thể bị tật vẹo cổ - một chứng bệnh mà Thư viện y học quốc gia Hoa kỳ mô tả giống như cổ bị xoắn, đầu nghiêng về  bên này thì cằm nghiêng về bên kia. 

Dấu hiệu để nhận biết tật vẹo cổ là đầu hoạt động khó khăn và cổ bị sưng lên. Bên cạnh đó, hội chứng đầu phẳng khiến đầu trẻ quá dẹt gây ảnh hưởng đối với sự phát triển của hộp sọ. 

4. Một số cách ngăn chặn hội chứng đầu phẳng

Dưới đây là  một số cách đơn giản cha mẹ có thể làm để ngăn chặn hội chứng đầu phẳng cho con:

- Liệu pháp “tummy time” có nghĩa là bạn nên cho bé nằm sấp mỗi ngày. Bạn nên kết hợp cả nằm sấp và nằm ngửa cho bé. Một em bé nên dành ít nhất 30 – 60 phút mỗi ngày để nằm sấp, có thể áp dụng cho bé ngay sau khi sinh. Điều này sẽ giúp bé phát triển cổ, vai và các cơ bắp. 

Mẹ nên đổi tư thế ngủ thường xuyên cho bé để tránh hiện tượng bẹp đầu. (Ảnh minh họa)

- Viện Y tế quốc tế khuyến cáo các mẹ nên thay đổi hướng nằm trong nôi của bé mỗi tuần. Họ nói rằng sự thay đổi này sẽ khuyến khích các em bé có thể quay đầu nhìn theo mọi hướng, giúp bé linh hoạt hơn và khám phá được nhiều điều mới mẻ hơn ngay khi còn nằm trong nôi.

- Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý và đầy đủ cho bé. Chú ý bổ sung đầy đủ vitamin D, tắm nắng ngay từ khi bé mới được sinh ra. 

- Nên kê gối mềm và tròn cho bé khi ngủ. Với bé mới sinh, các mẹ nên thay đổi tư thế ngủ cho bé 1 – 2 lần trong mỗi giấc ngủ.

- Khi cho bé bú, các mẹ nên bế bé ở trên tay và thay đổi bên thường xuyên. Điều này vừa giúp bé không bị sặc khi bú mà còn giúp ngăn ngừa hội chứng đầu phẳng cho bé.

- Đội mũ cho bé: Đây là phương pháp rất phổ biến ở Anh và Mỹ.  Người ta sẽ mua những chiếc mũ vừa khít cho bé đội để tránh hiện tượng biến dạng hộp sọ khi ngủ. Nhưng theo nghiên cứu thì đây chỉ là giải pháp tình thế. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng khá bất tiện vì thời gian đội mũ kéo dài ít nhất 23 giờ mỗi ngày và kéo dài trong nhiều tháng liền. Nó sẽ khiến bé cảm thấy thực sự khó chịu và vướng víu.

+ Xem thêm;

LÀM GÌ KHI TRẺ SƠ SINH BỊ BẸP ĐẦU

LÀM GÌ KHI BÉ BỊ VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP


Nguồn bài viết: afamily
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: