Sự Thật Kinh Hoàng Đằng Sau Những Hộp Sữa - Phần 5

  12912

Mặc dù ngày nay việc quảng cáo sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh đã có những giới hạn nghiêm ngặt hơn, nhưng bấy lâu nay nhờ chiêu bài quảng cáo và khuyến mãi mà các hãng sữa đã định nghĩa lại vấn đề nuôi dưỡng trẻ sơ sinh.

Thất bại của nhân viên y tế

Những bác sĩ, y tá và nữ hộ sinh trẻ tuổi ngày nào đã là những người tiên phong cho việc sinh nở có sự can thiệp y tế thì ngày nay cũng là những người quản lý các dịch vụ y tế. Vì vậy, có lẽ là không ngạc nhiên khi các bệnh viện hiện đại căn bản cũng chẳng có gì khác so với với những người đi trước. Họ có thể có nhiều TV và đầu máy CD, phòng ốc đẹp hơn, thuốc thang có thể phức tạp hơn, nhưng các nguyên tắc và mục tiêu căn bản của việc sinh nở có sự can thiệp của y tế thay đổi rất ít trong 40 năm qua – và sự ảnh hưởng đến việc nuôi con bằng sữa mẹ vẫn còn thê thảm.

Trong nhiều trường hợp, quan điểm của bác sĩ về việc nuôi dưỡng trẻ sơ sinh thường dựa trên kinh nghiệm dày dạn của họ. Chẳng hạn, các khảo sát cho thấy rằng yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự hiệu quả và chính xác từ lời khuyên của bác sĩ về việc cho con bú sữa mẹ nằm ở chỗ là bản thân bác sĩ đó, hay vợ của bác sĩ đó có cho con bú hay không.  Tương tự như vậy, nữ hộ sinh, y tá tá hay bác sĩ đã cho con bú sữa công thức thì thường không phải là người khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ một cách hiệu quả.

Đáng lo ngại hơn, những người có chuyên môn trong ngành y này có thể kéo dài những ngộ nhận về việc nuôi con bằng sữa mẹ dẫn đến sự thất bại. Tại vài bệnh viện, ngay từ đầu người ta vẫn khuyên các bà mẹ hạn chế thời gian cho con bú trực tiếp tại mỗi ngực để “luyện” cho đầu vú, hoặc khuyên rằng bé đã bú đủ sữa “cần” ở 10 phút đầu tiên rồi và việc mút vú sau thời gian này là không cần thiết. Một số mẹ vẫn được khuyên cần phải duy trì lịch bú mỗi bốn tiếng một lần.  Số liệu từ Văn phòng Dữ liệu Quốc gia Anh Quốc cho thấy các bé vẫn được bú dặm thêm sữa công thức. Vào năm 2002, gần 30% trẻ ở các bệnh viện Anh được nhân viên bệnh viện cho bú sữa công thức và gần 20% trẻ bị cách ly mẹ ở vài thời điểm khi ở bệnh viện.

Những lời khuyên liên tục không phù hợp từ những người có chuyên môn trong ngành y là một lý do dẫn đến việc năm 1991, Quỹ Nhi Đồng LHQ (UNICEF) đã khởi đầu chương trình Bệnh Viện Thân Thiện với Trẻ Em (Baby Friendly Hospital Iniative – BFHI) – một hệ thống chứng nhận cho các bệnh viện hội đủ các tiêu chuẩn nhất định để hỗ trợ thành công việc nuôi con bằng sữa mẹ. Các tiêu chuẩn này gồm có:

Huấn luyện các nhân viên y tế biết cách hỗ trợ việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Giúp các bà mẹ bắt đầu cho con bú trong vòng một giờ sau khi snh;
Không cho trẻ sơ sinh bất kỳ thức ăn hoặc thức uống nào ngoài sữa mẹ; ngoại trừ có lý do y tế; và
Bệnh viện không chấp nhận các sản phẩm miễn phí hoặc chiết khấu cao từ các công ty sữa công thức.

Về nguyên tắc, đây là một bước quan trọng trong việc khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, và các nghiên cứu cho thấy những phụ nữ sinh con trong các Bệnh Viện Thân Thiện với Trẻ Em nuôi con bằng sữa mẹ lâu hơn. Ví dụ, tại Scotland, nơi có khoảng 50% các bệnh viện được chứng nhận Thân thiện với Trẻ em, tỉ lệ bắt đầu cho con bú đã tăng đáng kể vào những năm gần đây. Ở Cuba, nơi có 49 cơ sở trên tổng số 56 bệnh viện và cơ sơ phụ sản được công nhận Thân thiện với Trẻ em, tỉ lệ cho con bú mẹ hoàn toàn đến bốn tháng gần như gấp ba trong sáu năm – từ 25% năm 1990 tăng lên 72% năm 1996. Con số này cũng tương tự tại Bangladesh, Brazil và Trung Quốc.

Thật không may là, việc quan tâm để có chứng nhận BFHI lại không phổ biến lắm. Tại Anh, chỉ có 43 bệnh viện (đại diện cho 16% số bệnh viện) đã đạt được chứng nhận này – và không có bệnh viện nào ở London cả. Trong số khoảng 16,000 bệnh viện trên thế giới được công nhận là bệnh viện Thân thiện với Trẻ em, chỉ có 32 bệnh viện là ở Mỹ.  Hơn nữa là, mặc dù các bệnh viện Thân Thiện với Trẻ em có tỉ lệ cho con bú mẹ ban đầu thuộc loại cao, nhưng vẫn không thể đảm bảo rằng người mẹ đó sẽ tiếp tục cho con bú sau khi quay trở về với cộng đồng. Thậm chí trong số những người sinh con tại bệnh viện Thân thiện với Trẻ em, con số những người cho con bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng cũng thấp đến mức không thể chấp nhận được.

Ảnh hưởng của Quảng cáo

Các bệnh viện BFHI đối mặt với một nhiệm vụ khá chán nản trong việc đánh bại sự thiếu hiểu biết của những người có chuyên môn, các bà mẹ và công chúng trên diện rộng. Họ cũng đang tham gia vào một trận chiến gian nan khi giới truyền thông thỏa thuận ngầm với nhau rằng thông qua việc xoa dịu sự ray rứt của các bà mẹ vì lỡ cho con bú bình và họ dùng cách gây ảnh hưởng hơn là thông qua việc quảng cáo, họ xác định lại rằng sữa công thức là một lựa chọn có thể chấp nhận được.

Mặc dù ngày nay việc quảng cáo sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh đã có những giới hạn nghiêm ngặt hơn, nhưng bấy lâu nay nhờ chiêu bài quảng cáo và khuyến mãi mà các hãng sữa đã định nghĩa lại vấn đề nuôi dưỡng trẻ sơ sinh về cả lĩnh vực khoa học (chẳng hạn như cung cấp cho bác sĩ biểu đồ tăng trưởng tiêu chuẩn dành cho trẻ bú bình) lẫn khung cảnh xã hội rộng lớn hơn của nó, điều chỉnh lại nhận thức về cái gì phù hợp và cái gì không phù hợp.

Kết quả là, khi thiếu đi những buổi gặp gỡ của những phụ nữ trong cộng đồng để chia sẻ với nhau về chuyện bầu bí, sinh nở và làm mẹ, những lựa chọn của phụ nữ ngày nay bị ảnh hưởng trực tiếp nhiều hơn từ các tờ rơi thương mại và quảng cáo hơn bất kỳ những điều nào khác.

Các hãng sữa dành cho trẻ em tiêu tốn triệu triệu đô la để đưa ra các chiến lược tiếp thị để làm cho sản phẩm của họ luôn ở hàng đầu trong nhận thức của công chúng. Tại Anh, các công ty sữa chi ra ít nhất 12 triệu bảng mỗi năm để in các ấn phẩm, tờ rơi và các khuyến mãi khác, thường ở dưới chiêu bài các “tài liệu giáo dục.” Có nghĩa là họ tốn khoảng 20 bảng Anh cho mỗi đứa trẻ ra đời (để khuyến khích nuôi con bằng sữa công thức). Trái lại, mỗi năm chính phủ Anh chỉ trả khoảng 14 pence trên mỗi đứa trẻ để khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Đó là một sự không cân xứng lặp lại trên thế giới – và không chỉ đấu trường của việc nuôi dưỡng trẻ sơ sinh. Quỹ dành cho quảng cáo của Ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu trị giá 40 tỉ đô la, một con số còn lớn hơn Tổng sản phẩm Quốc Nội (GDP) của 70% quốc gia trên thế giới. Cứ mỗi đô la mà WHO bỏ ra để phòng chống các bệnh tật do chế độ ăn uống của các nước Phương Tây gây ra, thì ngành công nghiệp thực phẩm lại chi ra hơn $500 để khuyến khích các chế độ ăn uống đó.

Vì không thể trực tiếp quảng cáo sữa công thức cho các bà mẹ (chẳng hạn như ở các tạp chí dành cho mẹ và bé và trực tiếp qua các tờ rơi quảng cáo), hoặc phát các mẫu thử miễn phí ở các bệnh viện hay phòng khám, các hãng sữa công thức bắt đầu tấn công các outlets khác, chẳng hạn như các câu lạc bộ mẹ và bé, các trang internet có mục đích giúp các bà mẹ bận rộn tìm được những thông tin họ cần về việc nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Thỉnh thoảng họ dựa vào các chiêu bài lừa gạt.

Các nhà sản xuất được phép quảng cáo cho cha mẹ sữa dặm thêm, phù hợp cho trẻ trên sáu tháng. Nhưng thỉnh thoảng những quảng cáo này lại đăng hình của một em bé nhỏ hơn 6 tháng nhiều, ngụ ý nói rằng sản phẩm cũng phù hợp cho trẻ sơ sinh.

Không nên coi thường tác động của những khuyến mại kiểu này. Một nghiên cứu năm 2005 của NCT/UNICEF tại Anh cho thấy 1/3 các mẹ tại Anh xem quảng cáo sữa công thức sáu tháng trước đó tin rằng sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh cũng tốt như hoặc thậm chí tốt hơn sữa mẹ. Việc tiết lộ này thật ngạc nhiên/ choáng váng bởi vì việc quảng cáo sữa công thức cho các bà mẹ đã bị cấm nhiều năm ở một số nước trong đó có Anh.

Để đi đường vòng các quy định chống lại việc quảng cáo trực tiếp cho cha mẹ, các hãng sữa sử dụng các chiến thuật tâm lý đánh vào những lo lắng tự nhiên của cha mẹ về sức khỏe của con mình. Chẳng hạn như nhiều loại sữa công thức hiện nay được hiểu và bán như là các biện pháp giải quyết cho các vấn đề về “sức khỏe” của trẻ sơ sinh chẳng hạn như bất dung nạp lactose, hoặc không tiêu hóa hoàn toàn và “háu đói” – mặc dù nhiều trong số những vấn đề này có thể gây ra do việc cho bé bú sữa công thức làm từ sữa bò quá sớm.

Khoảng cách kinh tế xã hội giữa những người mẹ cho con bú cũng bị hãng sữa khai thác, chẳng hạn như việc nhắm vào những phụ nữ có thu nhập thấp (thông qua quảng cáo cũng như các chương trình phúc lợi xã hội) đã đem lại cho họ rất nhiều lợi nhuận. Khi được tiếp cận với cơ hội đem lại cho con những gì tốt nhất mà khoa học có thể đem lại, nhiều người mẹ có thu nhập thấp đã tìm đến sữa công thức một cách rất tự nhiên. Điều này đặc biệt đúng nếu họ nhận được các mẫu thử miễn phí, như trường hợp ở các nước đang phát triển hiện nay vẫn còn.

Nhưng bản chất cung – cầu của sữa mẹ nằm ở chỗ, một khi người mẹ nhận những mẫu thử này và cho con mình uống sữa công thức thì nguồn sữa của mình sẽ nhanh chóng cạn dần. Thật đáng buồn, sau khi đã cho con uống hết những mẫu thử này và cũng đã dùng hết những phiếu giảm giá, họ nhận ra rằng mình không còn sản xuất được sữa nữa và không có lựa chọn nào khác ngoài việc bỏ ra hàng đống tiền để tiếp tục mua sữa công thức cho con.

Thậm chí khi các công ty sữa “khuyến khích” cho con bú mẹ, họ trồng một hạt giống mà Mary Smale gọi là “hạt giống có điều kiện” mà không bao giờ nảy mầm. “Nhiều năm trước đây, các hãng sữa từng in ra những tờ rơi để lòe kiểu như vậy cho phụ nữ, khuyến khích họ cho con bú và trấn an họ rằng em bé chỉ cần thêm một ít calories một ngày mà thôi. Bạn không thể bắt lỗi cách dùng từ của họ, nhưng hình ảnh kèm theo lại là những thứ như yogurt phải là của Mark & Spencer và nguyên con cá có cả đầu, và bánh mì nguyên cám – nhưng không phải là loại bánh mì nguyên cám mà bạn mua ở tiệm bánh mì ở góc phố mà là loại bánh mì bạn phải mua ở các tiệm chuyên biệt. [Ngụ ý rằng chỉ có sản phẩm của họ mới có được những tiêu chuẩn như vậy_ND]

Thông điệp ẩn chứa rõ ràng là chỉ có tầng lớp trung lưu mới có một thai kỳ khỏe mạnh và một nguồn sữa mẹ dồi dào, và rằng bất kỳ phụ nữ nào không thuộc tầng lớp này sẽ phải phụ thuộc vào những nguồn khác để cung cấp cho con.

Lướt nhanh qua bất kỳ một tạp chí Thai sản hoặc túi tặng miễn phí cho các bà bầu có tên là ‘Bounty” – cuốn sách mỏng màu mè chứa thông tin và những sản phẩm thử miễn phí – có thể thấy rằng những thông điệp hình ảnh tinh vi này, gồm có những bức hình lộng lẫy của các loạt hạt đậu, những tô muesli được sắp xếp một cách nghệ thuật, những ổ bánh mì nướng thủ công và những góc phô mai ngon miệng, những trái xoài, nho và kiwi ngoại lai, và rau củ tươi được sắp xếp khéo léo, vẫn còn thông dụng.

+ Xem thêm:

+ SỰ THẬT KINH HOÀNG ĐẰNG SAU NHỮNG HỘP SỮA - PHẦN 1

SỰ THẬT KINH HOÀNG ĐẰNG SAU NHỮNG HỘP SỮA - PHẦN 2

SỰ THẬT KINH HOÀNG ĐẰNG SAU NHỮNG HỘP SỮA - PHẦN 3

SỰ THẬT KINH HOÀNG ĐẰNG SAU NHỮNG HỘP SỮA - PHẦN 4

SỰ THẬT KINH HOÀNG ĐẰNG SAU NHỮNG HỘP SỮA - PHẦN 5

SỰ THẬT KINH HOÀNG ĐẰNG SAU NHỮNG HỘP SỮA - PHẦN 6

SỰ THẬT KINH HOÀNG ĐẰNG SAU NHỮNG HỘP SỮA - PHẦN CUỐI


Nguồn bài viết: Webcuame
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: