Dịch Tay Chân Miệng Tăng Mạnh Trong Tháng 9

  3619

Trong các ca TCM đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, có hai ca nặng có biến chứng, phải thở máy nằm phòng chăm sóc đặc biệt.

“Chỉ trong vòng 2 tuần qua, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng (TCM) nhập viện đã tăng gấp đôi. Dự báo bệnh sẽ còn tăng nữa và có thể kéo dài đến tháng 12”, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cảnh báo.


Bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng đã tăng nhanh trong hai tuần qua - Ảnh: Nguyên Mi 

Trẻ nhập viện tăng nhanh

Hôm nay (18.9), bác sĩ Khanh cho biết hiện có gần 60 trẻ bị TCM đang được điều trị nội trú tại khoa. Đặc biệt, những ngày đầu tuần, số bệnh nhi TCM nằm viện lên đến 80 ca/ngày. Trong khi, vào tháng 6, 7, số ca TCM phải nằm viện tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 chỉ ở mức 30-40 ca/ngày. Số trẻ mắc bệnh TCM nhập viện đã tăng gấp đôi trong vòng 2 tuần qua.

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), lượng trẻ đến khám với các dấu hiệu bệnh TCM cũng đang tăng nhanh. Theo thống kê của Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2, chỉ từ đầu tháng 9 đến ngày 9.9, số bệnh nhi TCM nhập viện là 131 ca, đạt hơn một nửa số bệnh nhi nhập viện của cả tháng 8 (242 ca) và hơn tổng số bệnh nhi nhập viện của cả tháng 7 (126 ca).
Theo bác sĩ Khanh, bệnh TCM đang tăng nhanh do đang bước vào mùa dịch của bệnh này. Mỗi năm, bệnh TCM sẽ có hai lần đỉnh dịch rơi vào tháng 3, 4 và tháng 9, 10. Đây là những thời điểm thời tiết thuận lợi cho vi-rút gây bệnh phát triển. Đặc biệt, tháng 9 là lúc trẻ tập trung đi học lại nên cũng dễ bị lây lan bệnh. Dự báo, mùa dịch TCM sẽ có thể kéo dài tới tháng 12.

Nhiều ca nặng do chủ quan

Trong các ca TCM đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, có hai ca nặng có biến chứng, phải thở máy nằm phòng chăm sóc đặc biệt. Một bệnh nhi mới 15 tháng tuổi (ngụ Q.11, TP.HCM) nhập viện trong tình trạng sốt cao, ói nhiều và mệt lả. Bé được điều trị tích cực đã ba ngày nay. Tuy nhiên, do bệnh đã qua biến chứng nên bệnh nhi vẫn đang bị cao huyết áp, giật mình, chới với và đang phải thở máy, dùng thuốc đặc trị đắt tiền.

Bác sĩ Khanh cho biết, thường các trường hợp nặng do người nhà lơ là, chủ quan cho trẻ đến khám và nhập viện trễ. Khi thấy trẻ có dấu hiệu lở miệng, sốt nhẹ, người nhà đã bỏ qua, cho tới khi bệnh chuyển biến nặng hơn và diễn tiến quá nhanh thì mới nhập viện trong tình trạng nặng.

“Bệnh TCM giai đoạn đầu dễ bị chẩn đoán nhầm là viêm họng, viêm màng não hay sốt siêu vi”, bác sĩ Khanh nói.

Cụ thể, bác sĩ Khanh cho biết: Bệnh có biểu hiện ban đầu là sốt. Có trẻ có nốt lở miệng, sốt khóc quấy thì dễ nhận biết là bệnh TCM. Tuy nhiên, có trẻ lại có biểu hiện rất “kín đáo” hơn như chỉ nổi vài mụn nước nhỏ xíu ở lòng bàn tay, bàn chân. Vì vậy, người nhà cần lưu ý chăm sóc, quan sát trẻ để phát hiện sớm trẻ mắc TCM.

“Đặc biệt chú ý với trường hợp trẻ sốt cao, kéo dài trên 2 ngày, khó hạ sốt, nôn ói nhiều. Với trẻ có tình trạng giật mình, chới với, run chi… nhất là ở trẻ đã được chẩn đoán mắc TCM, nếu trong 30 phút mà bị giật mình tới 2-3 lần thì cần đưa đi bệnh viện ngay. Đây là những triệu chứng nhận biết nguy cơ của bệnh TCM biến chứng”, bác sĩ Khanh cảnh báo.

Ngoài ra, có một số trẻ bị nặng sẽ có biểu hiện run tay chân, đi đứng không vững, loạng choạng, thở khó, không thở được, da nổi bông vân, tay chân lạnh. 

Theo bác sĩ Khanh, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh TCM biến chứng có thể để lại di chứng nặng nề là viêm não hay chậm phát triển trí tuệ. Trẻ dưới 3 tuổi khi mắc bệnh TCM thì bệnh cũng thường diễn tiến nhanh và nặng hơn.


Các nốt đỏ trên bàn tay là biểu hiện đặc trưng của bệnh TCM - Ảnh: Nguyên Mi  

Cách phòng bệnh TCM

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), khuyến cáo:
Bệnh TCM lây theo đường tiêu hóa từ người mang vi-rút sang người lành, nhất là trong khâu trực tiếp chăm sóc trẻ. Bàn tay người chăm sóc trẻ, tay trẻ hay vật dụng, đồ chơi dơ dơ, bị nhiễm vi-rút sẽ theo đường miệng vào cơ thể trẻ (cơ thể lúc cho ăn, ẵm bồng, chơi đồ chơi…). Bệnh cũng có thể lây qua nước miếng văng, bắn vào nhau khi nói chuyện, hôn hít. Đặc biệt, thói quen mớm cơm cho trẻ cũng là nguyên nhân gây lây bệnh từ người lớn sang trẻ rất cần được chú ý.

Vi-rút lây bệnh TCM có thể sống tương đối lâu ở tay nắm cửa, đồ chơi, bàn học, đồ dùng ăn uống.
Cách phòng bệnh tốt nhất là rửa tay bằng xà phòng thường xuyên cho trẻ và cả người chăm trẻ. Đồng thời, rửa sạch đồ chơi, đồ dùng ăn uống của trẻ, thường xuyên lau chùi, khử trùng sàn nhà, vật dụng tiếp xúc với trẻ.

Nếu trẻ bị bệnh phải nghỉ học ít nhất 10 ngày, báo với nhà trường để trường vệ sinh lớp học, tránh lây bệnh cho trẻ khác.

+ Xem thêm:

BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA VÀ CHĂM SÓC BÉ BỊ TAY CHÂN MIỆNG

PHÒNG NGỪA TAY CHÂN MIỆNG CHO TRẺ KHI ĐI HỌC


Nguồn bài viết: thanhnien
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: