Cơ thể con người là một “cỗ máy” cực kỳ thông minh. Cỗ máy này được trang bị một hệ thống phòng vệ - cảnh báo. Hệ thống này sẽ được kích hoạt khi phát hiện có sự xâm nhập của các loại virus (siêu vi), vi khuẩn, mà dấu hiệu của nó ta thường gọi là sốt.
Sốt là một triệu chứng, không phải bệnh lý! Sốt có nhiệm vụ khởi động hệ miễn dịch của cơ thể nhằm tạo đề kháng chống lại sự xâm nhập bất hợp pháp của các loại siêu vi, vi khuẩn và sự gia tăng nhiệt độ của cơ thể được xem là một dấu hiệu cảnh báo. Hầu hết các cơn sốt (từ 37,8 đến 40°C) mà trẻ mắc phải đều không nguy hiểm, do đó việc “chặn” sốt không mang ý nghĩa gì với bé ngoại trừ việc trấn an tinh thần cha mẹ của bé.
Trước đây tại Mỹ, họ cũng chỉ định thuốc hạ sốt cho các bé sau khi chích ngừa. Tuy nhiên, sau đó họ làm thống kê thì thấy rằng các bé này có kháng thể ít hơn so với các bé không uống thuốc hạ sốt sau khi chích ngừa. Thêm vào đó, vì kháng thể của các bé này ít nên thời gian các kháng thể này giảm xuống dưới ngưỡng bảo vệ cơ thể cũng sớm hơn so với các bé khác, dẫn đến chu kỳ bệnh đến sớm hơn.
Sốt có nhiệm vụ khởi động hệ miễn dịch của cơ thể nhằm tạo đề kháng chống lại sự xâm nhập bất hợp pháp của các loại siêu vi, vi khuẩn. (Ảnh minh họa)
Trẻ nhỏ được cho là bị sốt nếu:
- Nhiệt độ đo bên trong hậu môn cao hơn 38°C.
- Nhiệt độ ở nách cao hơn 37,5°C.
- Nhiệt độ ở miệng cao hơn 37,8°C. (Cách đo này đôi khi được cho là không chính xác vì môi trường miệng ẩm ướt, có thể bị thay đổi giữa buổi sáng và chiều, hoặc do đồ ăn uống).
- Nhiệt độ ở tai cao hơn 38°C (Cách đo này không đáng tin cậy với các bé dưới 6 tháng tuổi).
- Nhiệt độ đo bằng núm vú giả cao hơn 37,8°C. (Nhiệt kế núm vú sẽ chính xác hơn với trẻ trên 3 tháng tuổi).
Nhiệt độ có thể tăng nhẹ do vận động, mặc quần áo dày, tắm nước nóng /lạnh hoặc thời tiết nóng. Nếu nghi ngờ một dấu hiệu nào đó tác động đến nhiệt độ cơ thể của trẻ, hãy kiểm tra lại nhiệt độ 30 phút/lần. Kiểm tra sốt bằng tay cũng là cách xác định sốt ở trẻ vì khi đó bạn sẽ cảm nhận độ nóng ở trẻ rõ hơn, nhưng nếu bạn dự định đưa trẻ đến bác sĩ thì hãy sử dụng nhiệt kế để có số liệu cụ thể.
Theo thống kê phần lớn nguyên nhân sốt là từ bệnh do siêu vi như cảm lạnh, cảm cúm. Một vài nguyên nhân khác do vi khuẩn như viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A, nhiễm trùng đường tiểu. Đặc biệt, mọc răng không phải là nguyên nhân gây sốt. Hầu hết các cơn sốt do siêu vi sẽ kéo dài khoảng hai đến ba ngày. Sốt là một triệu chứng cảnh báo chung, vì vậy để phân biệt sốt do bệnh lý gì gây ra thì cần phải dựa trên các triệu chứng khác. Nói, chung, nhiệt độ sốt cao /thấp không quyết định mức độ nặng/ nhẹ của bệnh lý bé mắc phải mà chính là hành vi cư xử của trẻ mới nói lên được bé bị bệnh nặng hay không. Nếu trẻ sốt cao nhưng phản ứng vẫn linh hoạt, vui chơi bình thường thì bạn có thể tiếp tục theo dõi bé tại nhà. Ngược lại nếu nhiệt độ sốt không cao nhưng bé lại mệt mỏi, quấy khóc khó chịu, hoặc lừ đừ thì bạn nên cho bé đi khám.
Nếu muốn chăm sóc trẻ sốt thật tốt, ba mẹ nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước và mặc quần áo thoáng mát. Nước trong cơ thể có thể mất đi trong các cơn sốt do sự đổ mồ hôi. Còn quần áo nên hạn chế tối đa vì hầu hết nhiệt độ sẽ thoát qua da. Việc trùm mền, mặc đồ cho trẻ quá dày vì có thể là nguyên nhân khiến sốt cao hơn. Nếu trẻ thấy lạnh hoặc run rẩy bạn nên đắp cho trẻ một chiếc khăn mỏng.
Vì sốt là một phản ứng tự vệ giúp cơ thể bé chống lại nhiễm khuẩn, nên không nhất thiết bé phải uống hạ sốt vào lúc sốt. Nếu bé sốt trên 39°C và rất quấy thì có thể dùng thuốc hạ sốt để giúp bé giảm bớt khó chịu (nếu bé sốt mà không quấy thì không cần uống thuốc hạ sốt). Các loại thuốc hạ sốt bắt đầu có tác dụng sau 30 phút và kéo dài 2 giờ sau khi uống. Nếu con bạn đang ngủ thì không nên đánh thức trẻ dậy để cho uống thuốc. Nếu trẻ ói ngay sau khi uống thì bạn nên tạm thời tiếp tục theo dõi hành vi bé để quyết định nên cho bé uống lại hay không. Nếu trẻ ói sau khi uống khoảng 30 phút thì bạn không cần cho uống lại.
Vì sốt là một phản ứng tự vệ giúp cơ thể bé chống lại nhiễm khuẩn, nên không nhất thiết bé phải uống hạ sốt vào lúc sốt. (Ảnh minh họa)
Đa phần các phụ huynh chỉ lưu tâm đến nhiệt độ và tìm mọi cách để hạ sốtthay vì quan sát hành vi và biểu hiện của bé. Như phương pháp lau mát được “lưu truyền” chỉ có tác dụng giảm nhiệt độ bề mặt da chứ không thể hạ sốt – nhiệt độ từ bên trong cơ thể. Bên cạnh đó, việc lau mát có thể làm bé cảm thấy lạnh và khó chịu hơn vì bề mặt da bị giảm nhiệt đột ngột. Hiện nay có thêm “phương pháp” cao dán hạ sốt, nhưng thiết nghĩ việc lau mát toàn thân không có tác dụng thì việc chỉ làm mát vùng trán hiệu quả cũng không nhiều. Đấy là chưa kể đến tác dụng phụ của nó là gây ra bệnh “viêm màng túi” ở phụ huynh. Bên cạnh đó, cũng nhiều phụ huynh hiểu sai về việc tắm nước lạnh là để trẻ hạ sốt trong khi mục đích chính chỉ đơn giản là vệ sinh thân thể cho bé. Đặc biệt lưu ý: không dùng nước pha rượu (dù loãng) để lau mình, tắm rửa vì trẻ sẽ hít phải hơi rượu và dẫn đến hôn mê.
Bạn nên đưa trẻ đến trung tâm y tế ngay lập tức nếu có một trong những yếu tố sau:
- Trẻ có biểu hiện rất đừ (sốt thường đi cùng với nhức đầu, chóng mặt, cứng gáy, thở khó khăn, nổi hồng ban hoặc không chịu uống nước)
- Sốt cao trên 40°C và tình hình không cải thiện sau 2h uống thuốc hạ sốt
- Bé dưới 3 tháng tuổi
Bạn nên đưa trẻ đến trung tâm y tế trong vòng 24h nếu có một trong những yếu tố sau:
- Con bạn từ 3-6 tháng tuổi (trừ khi sốt do chích ngừa)
- Sốt hơn 24 giờ mà không mà không có nguyên nhân hoặc không có vị trí nhiễm bệnh rõ ràng và con bạn nhỏ hơn 2 tuổi.
- Sốt kéo dài hơn 3 ngày
- Hết sốt khoảng 24 giờ nhưng sau đó lại bị lại.
Lưu ý: Các bác sĩ luôn khuyến cáo rằng dưới 21 tuổi không được dùng aspirin điều trị sốt.
+ Xem thêm:
TRẺ SỐT VIRUT UỐNG KHÁNG SINH CÓ THỂ GÂY BIẾN CHỨNG NẶNG