8 Dấu Hiệu Nguy Hiểm Ở Trẻ Mẹ Tuyệt Đối Lưu Ý

  19836

Có những dấu hiệu báo động về tình hình sức khỏe của bé mà bạn vô tình bỏ qua. Đừng để mình hối hận vì không kịp nắm bắt thông điệp của bé nhé!

1. Lờ đờ, lười vận động

Khi không được khỏe, các nhóc thuờng kém nhanh nhẹn hơn hẳn. Có vẻ lúc nào cũng lờ đờ và buồn ngủ, không phản ứng với những thứ xung quanh. Một vài bé thậm chí thỉnh thoảng còn khóc.

2. Nổi ban bầm tím trên diện rộng, ban hình vòng cung hoặc những nốt đỏ li ti không biến mất khi ấn tay sâu trên da.

Bất kỳ những vết ban như vậy xuất hiện trên da với diện rộng mà không giải thích được nguyên nhân cần được thăm khám bác sĩ ngay lập tức. Nó có thể là dấu hiệu của bệnh Lyme hoặc những rối loạn về máu. Càng nguy hiểm hơn nếu con của bạn xuất hiện kèm thêm các triệu chứng khác như hôn mê, kích động hoặc khó thở.

3. Đau bụng ở phía dưới bên phải (hố chậu phải)

Mặc dù vị trí của đau do viêm ruột thừa thường là đau ở vùng hố chậu phải nhưng đôi khi nó cũng đau xung quanh rốn rồi di chuyển xuống phía dưới. “Với những virut dạ dày thông thường, các triệu chứng thường thấy là sốt, đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy. Với viêm ruột thừa đôi khi cũng thấy xuất hiện các triệu chứng tương tự. Ban đầu là tiêu chảy, sau đó là đau bụng, nôn mửa, đau và sốt” – Bác sĩ Ari Brown – bác sĩ gia đình tại Austin cho biết. Nếu bạn thấy xuất hiện những dấu hiệu này hãy đưa bé đến bác sĩ một cách nhanh nhất. Viêm ruột thừa nếu để lâu sẽ rất nguy hiểm, phát hiện và điều trị sớm sẽ đem lại hiệu quả cao.

4. Thở lõm ngực

Nếu nhóc nhà bạn có dấu hiệu thở gấp, thở rút lõm ngực kèm theo tiếng khò khè, bạn nên đưa bé đến bệnh viện ngay.

Nghiêm trọng hơn, nếu như môi bé chuyển dần sang tím tái hoặc có dấu hiệu ngưng thở, bạn phải thực hiện sơ cứu cho con và gọi cấp cứu.

5. Thay đổi trên da

Da trẻ sơ sinh thường có màu hồng. Vì vậy, nếu thấy da của con đột nhiên chuyển sang màu khác, mẹ nên cẩn thận nhé! Sau khi sinh khoảng một tuần, nếu thấy da bé vẫn có màu vàng, mẹ nên đưa con đến bác sĩ. Đây có thể là dấu hiệu của bệnh vàng da rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, mẹ nên để ý xem rốn của bé đỏ hoặc chảy máu không nhé!

6. Thay đổi trong chế độ ăn hoặc vệ sinh

Đã đến giờ ăn nhưng bé vẫn không “buồn ngó ngàng” gì hoặc cả ngày rồi nhưng bạn vẫn chưa thấy con “xả nước cứu thân”? Một dấu hiệu nguy hiểm mẹ không được bỏ qua đâu đấy. Đặc biệt, nếu tình trạng trên đi kèm với nôn mửa hoặc trong nước tiểu có máu, bạn phải nhanh chóng đưa bé đến bác sĩ.

7. Xuất hiện nốt ruồi mới hoặc thay đổi so với ban đầu

Hãy ghi nhớ vị trí của các nốt ruồi trên cơ thể của con bạn từ khi con mới được sinh ra, bởi vì những nổt ruồi này có nguy cơ cao trở thành ác tính. Hãy để ý các nốt ruồi trên cơ thế của con 1 tháng một lần vào lúc tắm. Hãy gọi cho bác sĩ của bạn nếu phát hiện ra các dấu hiệu bất thường như: thay đổi kích thước, hình dạng, thay đổi màu sắc… Tất cả những dấu hiệu này đều tiềm tàng khả năng của một bệnh ung thư da.

8. Sốt

Trẻ con thuờng xuyên bị sốt và những cơn sốt này hầu hết đều là kết quả của sự tấn công của virut. Lúc này, bé chỉ cần nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ. Mẹ không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu nhóc nhà bạn sốt trên 39 độ, mọi chuyện sẽ khác hẳn đấy nhé! Bạn nên đưa con đến bác sĩ để nhanh chóng tìm ra nguyên nhân gây bệnh và có cách xử lý kịp thời. Sốt cao và liên tục trong thời gian dài có thể làm con bị co giật hoặc biến chứng não.

+ Xem thêm:

TRẺ BỊ SỐT CÓ LỢI CHỨ KHÔNG NGUY HIỂM NHƯ MẸ NGHĨ

TRẺ SƠ SINH CÓ THỂ NGUY HIỂM TÍNH MẠNG VÌ MẸ CHO UỐNG NƯỚC


Nguồn bài viết: yeutre
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: