Kem là món khoái khẩu của trẻ trong những ngày hè nóng nực. Nhưng ăn không đúng cách sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ trẻ.
Không ăn kem bán dạo ngoài đường phố
Không khó để bắt gặp những hàng kem dạo, kem ốc quế hay kem đá tự chế biến bán rong trên đường phố. Trẻ nhỏ luôn bị hấp dẫn bởi chúng. Tuy nhiên, mẹ nên hạn chế cho con ăn những loại kem này.
Chưa cần nói đến nguyên liệu và qui trình sản xuất kem có đảm bảo vệ sinh hay không nhưng nếu kem được bán rong, không được bảo quản trong môi trường đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thì rất dễ bị dính bụi bẩn và các vi khuẩn như tả, lỵ, thương hàn từ không khí ô nhiễm ngoài đường phố.
Ngoài ra, kem bán dạo thường chỉ bảo quản bằng đá lạnh chứ không có tủ đông, cách làm này thậm chí dễ dẫn đến hiện tượng ô nhiễm ngược từ nước đá tan ra.
Kem là món khoái khẩu của trẻ nhỏ, nhất là trong những ngày hè nóng nực. Tuy nhiên nếu ăn không đúng cách có thể ảnh hưởng sức khoẻ. (ảnh minh hoạ)
Không ăn quá nhiều kem một lúc
Đường dùng để làm kem chủ yếu là đường tinh luyện, ăn nhiều không tốt cho cơ thể. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, trung bình mỗi người mỗi ngày chỉ nên ăn khoảng 30g đường tinh luyện. Vì thế, nếu một đứa trẻ được cho ăn vài hộp kem, rồi sữa, nước ngọt và các thực phẩm chứa đường khác trong cùng 1 ngày thì hiển nhiên là lượng đường đứa trẻ “dung nạp” chắc chắn sẽ vượt qua con số 30g.
Nhiệt độ của kem cũng rất thấp, trên dưới 0 độ C, trong khi nhiệt độ trung bình của cơ thể là 37 độ C nên khi kem được đưa vào cơ thể, ruột và thành dạ dày sẽ co lại theo phản ứng tự nhiên, khiến cho dịch vị được tiết ra ít hơn, làm chậm quá trình tiêu hóa. Ăn nhiều kem trong một lúc còn có thể gây đau bụng, rối loạn tiêu hóa.
Không cho con ăn kem lúc đói
Ăn kem không thể giúp no bụng. Thậm chí ăn kem khi đói còn rất dễ bị đau dạ dày, thậm chí có biểu hiện đau bụng, buồn nôn. Nếu trẻ đói bụng mà chỉ đòi “ăn kem mới no”, mẹ cũng đừng bao giờ tin vào câu nói đó.
Không cho trẻ dưới 4 tuổi ăn kem
Nhiều cha mẹ quá háo hức muốn cho con được nếm thử vị ngon của món ăn tuyệt diệu nhất thế giới này. Tuy nhiên, hãy kìm lại mong muốn ấy, ít nhất cho đến khi trẻ được 3,4 tuổi. Trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi hệ miễn dịch còn yếu, một miếng kem lạnh trôi tuột qua họng cũng có thể khiến bé bị viêm họng. Kem lạnh cũng không hề tốt một chút nào cho những chiếc răng mới nhú của con.
Ngoài ra, kem thường trơn và có kích thước khá lớn, lại cứng nên chúng có thể mặc kẹt trong cổ họng và khiến con đối mặt với nguy cơ ngạt thở.
Không ăn kem thay uống sữa
Kể cả là sữa chua đông lạnh hay kem tự làm cũng đều không thể thay thế được sữa uống hàng ngày cho con. Đó là do khi mẹ tự làm kem, dù làm bằng sữa bò tươi nhưng nó cũng đã trải qua quá trình chế biến và bảo quản lạnh, các chất dinh dưỡng trong sữa không còn tồn tại ở dạng nguyên thể. Ngoài ra sữa bò còn được trộn cùng vani, kem tươi, nước cốt dừa và nhiều loại nguyên liệu khác để tạo thành hợp chất không giống ban đầu.
Do vậy, 100ml kem tươi cũng không thể tương đương với 100ml sữa bò tươi cho con uống.
+ Xem thêm:
9 MÓN ĂN CHẾ BIẾN TỪ RAU BỔ SUNG DINH DƯỠNG CHO BÉ
TIPS: MÁCH MẸ 5 MÓN ĂN DẶM TỪ TRÁI CÂY CHO BÉ