Giấc ngủ là một phần rất quan trọng trong sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ. Có nhiều em bé hầu như giành cả ngày để ngủ, không chịu dậy ăn khiến bố mẹ vô cùng lo lắng và băn khoăn trẻ sơ sinh ngủ nhiều, ăn ít có sao không?
Thời gian ngủ của trẻ
Có trẻ ngủ nhiều, có trẻ ngủ ít hơn hẳn. Vì thế trước tiên chúng ta sẽ tìm hiểu về thời gian ngủ trung bình của trẻ trong một ngày.
- Trẻ sơ sinh (đến 8 tuần tuổi): 16 đến 18 giờ, mỗi giấc ngủ từ 2 đến 4 giờ.
- Trẻ từ 2 tháng đến 6 tháng : 14 đến 16 giờ.
- Trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi: 14 giờ.
- Trẻ 1 đến 3 tuổi: 10 đến 13 giờ.
- Trẻ 3 đến 5 tuổi: 10 đến 12 giờ.
Nhiều phụ huynh hay thắc mắc, trẻ sơ sinh ngủ nhiều có tốt không?
Thực tế, giấc ngủ giúp ích rất nhiều cho sức khỏe của trẻ. Ngủ tốt và đủ là yếu tố quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ miễn dịch, trí nhớ, việc học hỏi, các hoạt động trao đổi chất để lớn lên của cơ thể.
Đặc điểm giấc ngủ của trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh có giấc ngủ khác hẳn với người lớn. Chu kì ngủ của trẻ ngắn hơn so với người lớn, chỉ khoảng từ 20 đến 50 phút. Trong mỗi chu kì ngủ sẽ có 2 giai đoạn là giai đoạn ngủ sâu (non- REM) và giai đoạn ngủ động (REM). Giai đoạn ngủ động của trẻ rất nhiều, chiếm đến 50% thời gian chu kì ngủ.
Như vậy, mỗi chu kì ngủ em bé sẽ có 10 đến 15 phút ngủ sâu, sau đó là 10 đến 15 phút ngủ động. Một giấc ngủ của em bé kéo dài từ 2 đến 4 giờ sẽ bao gồm nhiều chu kì ngủ liên tiếp như thế.
Trong giai đoạn ngủ động em bé dễ giật mình, dễ thức giấc khi có tiếng động mạnh hay ọ ọe vặn vẹo người. Điều này làm chúng ta cảm thấy em bé dường như khó ngủ, không ngủ được, lo lắng em bé ngủ không sâu giấc như vậy có sao không, có thiếu chất gì không, có ảnh hưởng đến sức khỏe không?
Đây là một sự hiểu lầm trong giấc ngủ của em bé. Pha ngủ động này rất tốt và cần thiết giúp não bộ của trẻ phát triển tối ưu nhất. Bên cạnh đó, nó còn có ý nghĩa sinh tồn. Pha ngủ động sẽ giúp trẻ dễ thức giấc hơn và khóc để báo hiệu khi cơ thể có những nhu cầu hay cảnh báo về sức khỏe như đói quá, nóng bức, lạnh quá hạ thân nhiệt hay bị đau. Điều này sẽ giúp bố mẹ nhanh chóng phát hiện để có thể xử trí kịp thời.
Em bé sơ sinh rất ham ngủ, có thể ngủ quên ăn và nhiều mẹ cho rằng bé ngủ sâu giấc không nên làm phiền. Ảnh minh họa
Trong tháng đầu sơ sinh, khoảng thời gian thức giữa hai giấc ngủ của em bé trung bình là từ 30 phút đến 1 giờ. Do nhu cầu của các bé là khác nhau, nên có bé thời gian thức sẽ ít hơn làm các giấc ngủ như liên tiếp nhau, làm chúng ta thấy trẻ sơ sinh ngủ nhiều.
Lúc này nên chú ý trò chuyện với bé nhiều hơn, và nên cho bé bú sữa vào khoảng thời gian này. Một số bé thì thời gian thức lại dài hơn, sau đó khó quay lại giấc ngủ, thời gian ngủ trong ngày chỉ khoảng 12 đến 14 giờ.
Nhưng nhớ là chúng ta không nên định lượng giấc ngủ của con nhiều hay ít bằng các so với một đứa trẻ khác. Trẻ ngủ đủ theo nhu cầu riêng của trẻ thì sẽ khỏe mạnh, vui vẻ mà ít cáu gắt khó chịu. Trường hợp con bạn ngủ ít hơn 10 giờ một ngày chúng ta sẽ cần thăm khám bác sĩ trực tiếp để tìm nguyên nhân.
Khi nào cần đánh thức bé dậy cho ăn?
Những em bé sơ sinh thường bú rất nhiều và ngủ cũng rất nhiều. Có những lúc bé ngủ có vẻ ngon quá, có nên đánh thức bé dậy không? Đêm bé ngủ xuyên đêm không dậy bú, liệu có nên đánh thức bé dậy để bú đêm không? Câu trả lời sẽ tùy thuộc vào tình hình thực tế giấc ngủ của em bé.
Trong vòng một tháng đầu, bạn cần cho bé bú bất cứ lúc nào bé đói nhưng thông thường là từ 1,5 giờ đến 2 giờ vào ban ngày và 3,5 đến 4 giờ vào ban đêm cho một cữ bú, từ 8-12 cữ trong vòng 24 giờ một ngày.
Trung bình một em bé sơ sinh sẽ cần được cung cấp 600ml sữa mỗi ngày (hai tuần đầu ít hơn từ 300 đến 400ml). Trẻ sơ sinh ngủ nhiều, có thể ngủ quên ăn và nhiều mẹ cho rằng bé ngủ sâu giấc không nên làm phiền. Nhưng mẹ cần biết dạ dày bé rất nhỏ nên bé sẽ nhanh đói thường xuyên.
Như vậy trong tháng đầu tiên, ban ngày nếu bé ngủ quá 2 giờ đến 3 giờ thì cần đánh thức bé dậy cho bú, và ban đêm là từ 4 giờ đến 5 giờ. Qua tháng đầu sơ sinh chúng ta sẽ không cần đánh thức bé dậy bú vào ban đêm nữa nếu thấy lượng sữa ban ngày bé bú đã đầy đủ và việc đi tiêu, đi tiểu, tăng cân của bé bình thường.
Thông thường qua 3 tháng tuổi, hầu hết các em bé sẽ nhận đủ năng lượng vào ban ngày nên có thể ngủ 5 giờ đến 6 giờ vào ban đêm. Và lí tưởng là bước tiếp theo bạn sẽ tập luyện cho em bé ăn vào ban ngày và ngủ xuyên đêm khi bé được 6 tháng tuổi.
Làm thế nào để bé có giấc ngủ tốt?
- Tập cho bé phân biệt giấc ngủ ngày đêm. Ban ngày khi bé thức thì trò chuyện với bé, nhưng ban đêm thì không.
- Buổi tối bắt đầu cho bé đi ngủ lúc 7- 8 giờ tối, mặc dù ban đầu việc này sẽ khó khăn.
- Bé thường giật mình tỉnh giấc vào giai đoạn ngủ động (REM), bạn không dỗ bé ngay, để giúp bé tự tìm cách ngủ lại.
- Đặt bé xuống khi bé chưa ngủ sâu giấc hoàn toàn, tức là khoảng 2/3 thời gian của pha ngủ sâu, khi ru bé được chừng 7- 10 phút. Bạn bế bé quá lâu, khi đặt xuống thường rơi vào pha ngủ động bé sẽ chịu ngủ mà ọ ọe đòi dậy ngay.
- Không tập thói quen cho bú đi ngủ, để bé không bị phụ thuộc. Nếu quen bé sẽ đòi bú để ngủ mặc dù không đói.
- Tạo thói quen nhất quán giữa các ngày ví dụ như trước khi ngủ bạn tắm hay đọc truyện cho bé nghe.
- Cuối cùng là bạn phải nhớ không giao tiếp bằng mắt khi ru bé ngủ, đặc biệt là ban đêm. Khi ru ngủ mà bạn nhìn vào mắt bé bé sẽ hứng thú “trò chuyện” với mẹ mà không chịu ngủ.
Bí Quyết Giúp Trẻ Sơ Sinh Ngủ Ngon