Có đến 85% bệnh nhân viêm họng là do virus gây nên, và với virus thì kháng sinh không những không có tác dụng mà đôi khi còn làm bệnh trầm trọng thêm, TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết.
Làm bệnh nặng thêm
Chị Lan Anh ở Hà Đông, Hà Tây đang chăm con gái năm tuổi ở Khoa Nhi. Bệnh viện Bạch Mai than thở, “tại cái cô bán thuốc ở đầu phố mà con bé khốn khổ thế này”. Khi hỏi ra, tôi mới vỡ lẽ, chị thấy con khò khè, sốt và thỉnh thoảng ho về đêm nên đã tìm ra hiệu thuốc đầu phố kể bệnh.
Bác sỹ đang khám cho một bệnh nhi bị nhiễm trùng hô hấp tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thái Hằng.
Người chủ quầy thuốc bán cho chị tất tật năm loại thuốc, nào giảm sốt, chống viêm, giảm ho, kháng sinh và thuốc bổ rồi bảo chị về cho con uống. Chị Lan Anh cho bé uống hai ngày, chẳng thấy cháu đỡ, mà con chị người cứ lả đi vì mệt.
“Hôm mới ốm, cháu còn ăn được mỗi bữa lưng cơm, sau hai ngày uống thuốc, cháo nó cũng chả ăn nữa. Tôi cứ thấy cháu lả đi, gọi bác sỹ đến nhà, bác sỹ nói, cháu bị hạ đường huyết. Tôi sợ quá, ôm cháu đến đây ngay”, chị kể.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong câu chuyện phiếm trước phòng khám của TS Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh, chúng tôi cũng được nghe nhiều lời kể tội vì cho con uống thuốc mà chẳng có tác dụng gì của các ông bố bà mẹ trẻ.
Chị Bích, ở phố Khâm Thiên, Hà Nội kể: “Con bé nhà tôi ho sặc sụa cả ngày, nhưng uống bao nhiêu kháng sinh, thuốc cẳt ho cũng chẳng có tác dụng gì”. Vif sốt ruột chị mới đem con đến viện.
TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, tự ý cho con uống thuốc, tự ý dùng kháng sinh mỗi khi thấy trẻ khò khè, ho là hiện tượng phổ biến trong cách chăm con của các phụ huynh hiện nay. Họ cứ nghĩ là, ho là một hiện tượng của viêm nhiễm, thế là dùng kháng sinh.
Còn BS Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương thì liên tục cảnh báo, đại đa số dân ta mắc bệnh lạm dụng kháng sinh, kể cả bác sỹ.
Ho thế nào mới uống kháng sinh?
Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, khoảng gần một tuần này, bệnh nhân đến khám và điều trị về sốt do virus tăng trở lại. “Cứ kiểu thời tiết thay đổi thất thường thế này, bệnh nhân sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới”
Có thể nói, bệnh sốt virus ngày càng có dấu hiệu gia tăng, nguyên nhân một phần do thời tiết, phần khác có thể nói, sức đề kháng của con người ngày càng yếu hơn so với trước đây, nên sức chống chọi với những thay đổi thời tiết không tốt nữa, TS Dũng nhận xét.
Cụ thể, sau mỗi đợt “trở trời”,bệnh nhân đến khám bao giờ cũng tăng đột biến. Các bệnh gặp chủ yếu là bệnh về đường hô hấp, nhiễm trùng đường hô hấp.
TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, theo các nghiên cứu trên thế giới đã công bố, chỉ có 15% bệnh nhân có triệu chứng ho là nhiễm khuẩn và cần dùng đến kháng sinh. 85% bệnh nhân còn lại mắc ho là do virus hoặc các nguyên nhân khác.
Trong khi đó, nếu bệnh do virus gây nên, uống kháng sinh không có tác dụng gì. Vì cho đến nay, virus chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Kháng sinh chỉ có tác dụng với vi khuẩn và trong các trường hợp chống nhiễm trùng.
Tuy nhiên, TS Dũng cũng cho biết, phân biệt bệnh do virus hay vi khuẩn gây nên không dễ đối với người thường, thậm chí cũng khó khăn với bác sỹ. Nhưng có một số các đặc điểm tương đối sau, nếu chú ý, phụ huynh có thể tự tránh cho con em mình được
Thời gian giao mùa hiện nay, sốt siêu vi (virus) đang rộ lên vì độ ẩm tương đối thấp và thời tiết cũng thay đổi thất thường. Sốt virus thường có một trong các biểu hiện sau:
- Đột ngột sốt cao, khi sốt có mệt nhưng hết sốt trẻ lại như khỏe mạnh bình thường.
- Có thể kèm theo các nốt ban đỏ.
- Một số trẻ bị chảy nước mũi sau 2-3 sốt, nhưng nước mũi thường trong, có ho nhưng không nhiều.
- Trẻ lớn, biết cảm giác, thường kêu đau mình mẩy.
Khi virus tấn công mạnh vào đường hô hấp có thể dẫn đến nhiễm khuẩn hô hấp. Khi đó, bệnh nhân có thể bị ho rất dữ dội, nhưng kể cả trong trường hợp đó cũng không được dùng kháng sinh.
TS Dũng cho biết, trong thời gian qua, nhiều bệnh nhân đến nhập viện trong tình trạng ho rũ rượi. Nhưng đa số bệnh nhân nào đã dùng kháng sinh trước khi nhập viện, thời gian điều trị thường kéo dài lâu hơn bệnh nhân chưa dùng kháng sinh.
Nhiễm khuẩn hô hấp cũng có thể có biểu hiện sốt cao nhưng sốt không phải là biểu hiện đặc hiệu. Và trong trường hợp này, TS Dũng khuyên, bệnh nhân vẫn chỉ nên dùng thuốc giảm ho, hạ sốt. Khi chưa biết chắc chắc có nhiễm khuẩn không thì nhất định không dùng kháng sinh.
Vẫn theo TS Dũng, chỉ có 10-20% các trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp có thêm các biến chứng do nhiễm khuẩn. Và chỉ trong trường hợp chắc chắn có nhiễm khuẩn mới nên uống kháng sinh. Nhưng khi đó, tốt nhất là xác định được loại vi khuẩn gây nhiễm khuẩn và dùng ngay kháng sinh đặc hiệu tiêu diệt vi khuẩn đó.
Việc này ở các bệnh viện tuyến trung ương không khó, nhưng các bệnh viện tuyến dưới khó khăn hơn vì không có phương tiện xác định. Lúc này cần đến kinh nghiệm của người thầy thuốc.
Tuy nhiên, các bậc phụ huỵnh thì nhớ, không phải con cứ ho là cho uống kháng sinh. Vì việc lạm dụng kháng sinh ngoài các tác dụng phụ từng được nhắc đến rất nhiều như diệt vi khuẩn có lợi, không diệt được vi khuẩn có hại còn gây mệt mỏi, chán ăn cho trẻ. Trẻ ốm, đây là khoảng thời gian cần khôi phục lại sức lực, sức đề kháng mà cơ thể lại bị kháng sinh làm cho suy yếu thì rất nguy hiểm
Đấy là chưa kể, có đến 15% trẻ uống kháng sinh mắc tiêu chảy vì các tác dụng phụ của thuốc gây nên. Vì thế, nếu không muốn mắc thêm bệnh, hãy cẩn thận khi dùng thuốc.
BS Lộc cũng khuyên, khi trẻ ho, sốt, tốt nhất chỉ nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt và giảm ho.
+ Xem thêm:
LÀM GÌ KHI TRẺ SƠ SINH BỊ BẸP ĐẦU
CÁC LÝ DO MẸ KHÔNG NÊN CHO CON BÚ NẰM