Mẹ Nhàn Nhã Nhờ Kiên Nhẫn Dạy Con Từ 8 Tuần Tuổi

  9545

Hy vọng ngày càng nhiều bà mẹ biết về E.A.S.Y, để cuộc sống những ngày đầu mới làm quen với nhau trở nên ngọt ngào

Bé Miso, con của chị Thùy Liên, từng khó ngủ, dễ giật mình nhưng nay đã tươi như hoa vào buổi sáng thức dậy.

Chị Thùy Liên có hai con nhỏ, bé Hạt Tiêu 5 tuổi và bé Miso gần 6 tháng tuổi. Sau thời gian nghỉ sinh, chị đã yên tâm đi làm trở lại.

Dưới đây là chia sẻ của chị về phương pháp giúp bé đi vào quỹ đạo sinh hoạt điều độ:

Giai đoạn sau khi sinh Miso, mình khá stress vì con ăn ngủ không đúng giờ. Lúc mới sinh, Miso ngủ suốt ngày nhưng đêm hay dậy và khó ngủ lại. Có đợt, cứ đến giờ chập choạng tối, mình căng thẳng kinh khủng vì nghĩ tới đêm dài trước mắt với việc thiếu ngủ triền miên. Gần hai tháng, con còn có kiểu gắt ngủ, cứ vào giấc là khóc cả tiếng không nín. Mình nói về thời kỳ này để cho mọi người thấy, Miso không thuộc dạng "em bé thiên thần" hay "ngoan bẩm sinh" như nhiều người mô tả. Con khó ngủ, khó dỗ giấc, dễ giật mình.

Lúc đó, mình tình cờ đọc được một bài viết về E.A.S.Y của Tracy Hogg trong cuốn Baby Whisperer. Cuốn sách ấy đã giúp mình có được những ngày bình yên bên Miso. Mọi thứ trở về đúng quỹ đạo và mình chưa bao giờ cảm thấy nhàn nhã đến thế. 19h tối Miso đi ngủ, 7h sáng hôm sau tỉnh dậy với gương mặt tươi như hoa, nằm ê a trong cũi chờ mẹ vào bế.

E.A.S.Y là viết tắt của một chuỗi các hoạt động gồm Eat - Activity - Sleep - và Your Time (Ăn - Hoạt động - Ngủ - Thời gian của mẹ). Một ngày của con sẽ cuộn gọn theo chu kỳ của các hoạt động này. Con ngủ dậy lúc 7h sáng sẽ ăn, sau đó được vận động như tắm nắng, chơi với mẹ hoặc tập lẫy, chơi mệt con sẽ ngủ và lúc con ngủ là toàn bộ thời gian của mẹ.

Mình luyện E.A.S.Y cho Miso lúc con 8 tuần tuổi và con theo E.A.S.Y 4 giờ. Tức là, cứ 4 tiếng một lần con lặp lại chu trình Ăn, Chơi, Vận động. Cụ thể, lịch sinh hoạt một ngày của Miso như sau:

- 7h sáng: Ngủ dậy, sau khi vệ sinh thì ăn sáng ngay.

- 7h45-8h30: Sau khi ăn xong, con được cho đi tắm nắng và chơi cùng mẹ.

- 9h-11h: Chơi mệt, con ngủ 2 tiếng.

- 11h: Ăn trưa.

- 11h30-12h30: Chơi.

- 13h-15h: Ngủ trưa.

- 15h: Ăn chiều.

-15h-16h30: Chơi.

- 17h-17h30: Ngủ giấc ngắn buổi chiều.

- 18h30: Tắm và bắt đầu chuẩn bị chu trình ngủ đêm.

- 19h: Ăn giấc tối và đi ngủ đến sáng.

23h đêm mẹ vẫn nhét bình vào miệng cho con ti đêm, để tích trữ năng lượng, ngủ ngon đến sáng, con không tỉnh dậy.

Ưu điểm của việc đưa con vào nếp sinh hoạt là mẹ chủ động được các công việc trong ngày. Lúc con ngủ, mẹ có thể tranh thủ ngủ hoặc nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa. Đến giờ con chuẩn bị dậy thì mẹ đi chuẩn bị sữa và vào phòng chờ con dậy. Thỉnh thoảng liều để con ngủ, mẹ đi chợ. Giờ nào con tỉnh thì cố gắng chơi với con. Điều tuyệt vời nhất là giấc đêm con ngủ ngoan, mẹ có nhiều thời gian cho anh Hạt Tiêu, đọc sách, xem phim và khi đi làm không bị mệt mỏi.

Ngoài ra, E.A.S.Y còn rèn cho con thói quen ăn ngủ đúng giờ, biết chờ đợi, biết cảm giác đói và no.

Khi con đã sinh hoạt theo một chu trình nhất định, mẹ dễ dàng đọc hiểu được những tín hiệu của con. "Cuộc hội thoại" giữa mẹ và trẻ sơ sinh nhiều khi trở nên khó khăn, bởi bé chỉ biết dùng tiếng khóc để nói chuyện, còn mẹ thì quá lạ lẫm với ngôn ngữ ấy. Khi có E.A.S.Y, mẹ sẽ hiểu rõ tiếng khóc của con lúc ấy là buồn ngủ, là đói hay khó chịu... Nhờ mẹ hiểu và đáp ứng được nhu cầu của con, bé sẽ cảm thấy thoải mái, không quấy khóc.

"Em bé thiên thần" có thể trở thành khó tính, cáu gắt nếu mẹ không hiểu và đáp ứng nhu cầu của con. Ngược lại, em bé quấy khóc có thể trở thành "thiên thần" nếu người mẹ thực sự hiểu thế giới của con.

Hy vọng ngày càng nhiều bà mẹ biết về E.A.S.Y, để cuộc sống những ngày đầu mới làm quen với nhau trở nên ngọt ngào

+ Xem thêm:

13 CÁCH DỖ CON KHÓC HIỆU QUẢ

5 MẸO HAY GIÚP MẸ LUYỆN BÉ NGỦ THÀNH CÔNG


Nguồn bài viết: vnexpress
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: