Mách Mẹ Món Ăn Trị Mồ Hôi Trộm Cho trẻ

  11714

Theo y học cổ truyền, mồ hôi trộm là do chân âm hư yếu, cơ thể không giữ được tân dịch, nhiệt thịnh gây ra nóng trong.

Mồ hôi trộm là hiện tượng ra mồ hôi không liên quan đến nhiệt độ môi trường mà thời tiết nóng hay lạnh vẫn ra mồ hôi và chỉ khi ngủ mới bị. 

Mồ hôi trộm là hiện tượng ra mồ hôi không liên quan đến nhiệt độ môi trường mà thời tiết nóng hay lạnh vẫn ra mồ hôi và chỉ khi ngủ mới bị. Mồ hôi trộm xuất hiện ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính nhưng tỷ lệ mắc nhiều ở trẻ em.

Theo y học cổ truyền, mồ hôi trộm là do chân âm hư yếu, cơ thể không giữ được tân dịch, nhiệt thịnh gây ra nóng trong. Chúng tôi xin giới thiệu một số món ăn, nước uống để các bậc phụ huynh tham khảo và áp dụng chữa cho con em mình.

Cháo gốc hẹ: 

Gốc hẹ 30g, gạo 50g, thịt lợn nạc 50g, gia vị vừa đủ. Gốc hẹ chọn phần thân sát củ, rửa sạch giã nhỏ lọc lấy 200ml nước đặc. Thịt lợn nạc băm nhỏ ướp bột gia vị xào chín. Gạo xay thành bột, cho vào nước gốc hẹ quấy đều, đun trên lửa nhỏ, khi cháo chín cho thịt lợn, bột ngọt vào đảo đều, cháo sôi lên là được. Cho trẻ ăn ngày 1 lần, cần ăn liền 2 – 3 ngày, nếu trẻ nhỏ chưa ăn được thì lọc lấy nước cho uống.

Cháo chạch:

 Cá chạch đồng 100g, gạo 50g, dầu thực vật, bột ngọt, gia vị vừa đủ.

Cá chạch làm sạch, bỏ đầu, nội tạng, đuôi, đem hấp cách thủy cho chín, gỡ lấy thịt, ướp bột gia vị, xào bằng dầu thực vật. Xương chạch giã nhỏ lọc lấy 200ml nước ngọt. Gạo xay thành bột cho vào nước lọc, xương chạch quấy đều đun trên lửa nhỏ. Khi cháo chín cho thịt chạch và gia vị vào đảo đều. Cháo sôi lại là được. Ăn 1 lần trong ngày lúc đói, cần ăn liền 3 ngày.

Cháo cá quả: 

Cá quả 1 con (200g), gạo 50g, ngũ vị 2g, gia vị vừa đủ.

Cá quả làm sạch, bỏ nội tạng, đem hấp cách thủy, gỡ lấy thịt nạc, ướp bột gia vị. Xương cá giã nhỏ lọc lấy 200ml nước ngọt. Gạo, ngũ vị xay thành bột mịn, cho vào nước lọc xương cá quấy đều đun trên lửa nhỏ, khi cháo chín, cho gia vị, thịt cá vào quấy đều, cháo sôi lại là được. Ăn ngày 1 lần lúc đói, cần ăn liền 3 – 5 ngày.

Cháo trai: 

Trai đồng 5 con loại vừa, lá dâu non 30g, gạo nếp 50g, gạo tẻ 50g, dầu thực vật, bột gia vị vừa đủ.

Pha nước muối loãng ngâm trai, sau 1 giờ vớt ra rửa sạch, cho vào nồi luộc, nhặt lấy ruột trai và lọc lấy nước trong. Ruột trai bỏ hết phần đất, thái nhỏ ướp gia vị, dùng dầu thực vật xào cho thơm. Lá dâu non rửa sạch thái nhỏ, gạo tẻ, gạo nếp xay thành bột mịn, cho thêm nước vào nước luộc trai, cho bột gạo vào quấy đều, đun nhỏ lửa, khi cháo chín cho trai, lá dâu, nêm vừa gia vị, cháo sôi lại là được. Ngày ăn 2 lần lúc đói, cần ăn liền trong 4 - 5 ngày

Cháo sò, hến: 

Sò biển 100g, hến 100g, gạo 50g, rễ cây hẹ 3g, gia vị vừa đủ. Sò, hến đem rửa sạch, hấp cách thủy rồi bỏ vỏ, ruột thái nhỏ, uớp bột gia vị. Rễ cây hẹ rửa sạch giã nhỏ lọc lấy 200ml nước. Gạo xay nhỏ mịn cho vào nước rễ cây hẹ quấy đều, đun nhỏ lửa. Khi cháo chín cho sò biển và hến vào đảo đều, cháo sôi lại là được. Ăn ngày 1 lần lúc đói. Cần ăn liền 3 – 5 ngày.

Canh lá dâu: 

Lá dâu non 50g, thịt lợn nạc 100g, bột ngọt, gia vị vừa đủ. Lá dâu non rửa sạch thái nhỏ, thịt lợn nạc băm nhỏ ướp bột gia vị, xào chín, thêm 200ml nước đun sôi, cho lá dâu đảo đều, canh sôi lại cho bột ngọt là được. Ăn ngày 1 lần với cơm, ăn liền 5 ngày.


Lá dâu.

Nước đậu đen: 

Đậu đen 50g, long nhãn 15g, táo tàu 5 quả. Đậu đen đem rang chín, cho vào nồi cùng long nhãn, táo tàu, thêm 300ml nước đun nhỏ lửa, khi còn 200ml chắt lấy nước, chia làm 4 lần uống trong ngày. Cần uống liền 3 ngày.

Nước mộc nhĩ

Mộc nhĩ 20g, táo tàu 5 quả. Mộc nhĩ rửa sạch cùng táo tàu cho vào nồi thêm 300ml nước đun sôi kỹ chắt lấy 150ml, chia 3 lần uống trong ngày. Cần uống liền 5 ngày.

+ Xem thêm:

CÁCH TRỊ DỨT ĐIỂM MỒ HÔI TRỘM Ở TRẺ NHỎ

7 BÍ QUYẾT TRỊ ĐỔ MỒ HÔI TRỘM Ở TRẺ


Nguồn bài viết: suckhoedoisong.vn
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: