Đổ Mồ Hôi Trộm Ở Trẻ Sơ Sinh

  1252

Mồ hôi trộm đổ vào ban đêm dù thời tiết lạnh là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ bị viêm đường hô hấp, viêm phổi.

Theo Ths.BS. Trần Thu Nguyệt – Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, đối tượng trẻ dưới 1 tuổi hoặc 2, 3 4 tuổi hay xuất hiện tình trạng ra mồ hôi khi ngủ. Sở dĩ hiện tượng này thường xuất phát từ hai khả năng, một là do bệnh lý, hai là do tình trạng sinh lý bình thường của trẻ.

Mồ hôi trộm bệnh lý

Tình trạng trẻ ra mồ hôi trộm do bệnh lý phổ biến còi xương do thiếu vitamin D, các bệnh nhiễm khuẩn như viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản… Nếu hiện tượng này kéo dài và liên tục sẽ làm cơ thể trẻ dễ bị suy kiệt.

Ngoài ra còn một số bệnh khác như sinh non, thiếu cân, các trẻ đang trong thời kỳ điều trị bệnh lý viêm nhiễm khi kết thúc quá trình điều trị đến giai đoạn phục hồi cũng rất hay ra mồ hôi trộm.

Dấu hiệu: Với một đứa trẻ ra mồ hôi do bệnh lý, ra mồ hôi sẽ đi kèm với các dấu hiệu của bệnh. Ví dụ, nếu như trẻ đang có tình trạng nhiễm khuẩn hô hấp thì trẻ có triệu chứng sốt, ho, khó thở. Những trẻ bị còi xương sẽ đi kèm các dấu hiệu khác như quấy khóc, hay cáu kỉnh, ăn uống kém, nhỏ hơn so với các bé khác.

Ngoài ra trẻ còn tiềm ẩn các nguy cơ cần cảnh báo như trẻ bị nhiễm lao hay mắc dị tật bẩm sinh cũng có thể gây nên tình trạng ra mồ hôi trộm bệnh lý. Nếu bé có nhiều dấu hiệu khác xuất hiện, các mẹ nên cho trẻ đi khám bác sĩ để được xử lý kịp thời.

Mồ hôi trộm sinh lý

Trẻ bị đổ mồ hôi trộm là vì sự trao đổi chất ở trẻ nhỏ diễn ra mạnh hơn người lớn, nếu tăng thêm một chút hưng phấn và kích thích thì sẽ ra mồ hôi trộm để tỏa nhiệt trong cơ thể. Đây cũng là sự điều chỉnh giữ cho nhiệt độ cơ thể luôn hằng định. Mồ hôi sinh lý thường ra nhiều ở đầu và cổ, thường phát sinh vào lúc đi ngủ khoảng 30 phút và khoảng 60 phút sau thì không còn nữa. Mồ hôi trộm sinh lý thường không gây ảnh hưởng đáng ngại đối với sức khỏe của trẻ, các mẹ đừng quá lo lắng.

Dấu hiệu: Với một đứa trẻ ra mồ hôi do sinh lý, trẻ vẫn ăn, ngủ, chơi bình thường

Nguyên nhân khác

Thông thường, các bà mẹ có thói quen ủ ấm trẻ quá mức, chính việc làm này dẫn đến việc ra mồ hôi trộm ở con mình khi ngủ ban đêm.

Một yếu tố khách quan làm ảnh hưởng đến trẻ nhỏ chính là phòng ngủ không được thông thoáng, các mẹ thường đóng kín cửa sổ, bị quá bí, không đủ nhiệt độ cần thiết khiến trẻ ra mồ hôi trộm.Đối tượng dưới một tuổi hoặc 2, 3 4 tuổi hay xuất hiện tình trạng ra mồ hôi khi ngủ (Ảnh minh họa)

Điều trị chứng mồ hôi trộm ở trẻ

Để điều trị chứng mồ hôi trộm ở trẻ, bác sĩ Trần Thu Nguyệt gợi ý cho cha mẹ những biện pháp sau:

- Các mẹ cần loại bỏ thói quen ủ ấm trẻ quá mức, cần căn cứ vào tuổi và đặc điểm sinh lý của trẻ để xác định điều kiện nhiệt độ phù hợp cho trẻ. Đối với trẻ sơ sinh và dưới 1 tuổi, nếu trẻ đi ngủ có quần, áo, mũ, gang tay thì trẻ có thể chịu được nhiệt độ dao động trong khoảng 28 – 29 độ C. Đối với các trẻ từ 1 – 5 tuổi thì nhiệt độ 26 – 27 độ C là thích hợp cho các bé, nhiệt độ trong phòng không nên chênh lệch quá nhiều so với nhiệt độ bên ngoài.

- Giữ cho cơ thể trẻ luôn mát mẻ: Nếu để trẻ ngủ trong phòng điều hòa, các mẹ cần mặc cho trẻ những bộ quần áo chất liệu thông thoáng, thấm hút mồ hôi tốt như cotton, tránh đặc biệt việc quấn khăn vào cổ cho trẻ. Nên dùng chăn mỏng để đắp cho các con. Khi trẻ có các bệnh lý kèm theo, mẹ cần cho trẻ đi khám bác sĩ, điều trị kịp thời.

- Dinh dưỡng hợp lý: Thông thường, ban ngày các mẹ cho bé sinh hoạt một chế độ lành mạnh ví dụ như giữ mát cho trẻ, các bé được chơi ở nơi thoáng mát, bé ăn đầy đủ các loại rau, vitamin, bột sắn dây hoặc một số thảo dược cũng sẽ giúp cho trẻ giữ được độ thoáng mát về ban đêm, hạn chế tình trạng ra mồ hôi khi ngủ.

- Không cho trẻ ăn quá nhiều thức ăn có tính nóng như dầu mỡ, thịt bò, tôm, cua, cá biển... hoặc các loại trái cây như mít, sầu riêng, xoài… Các thức ăn này nhiều năng lượng, sinh nhiệt nhiều trong quá trình chuyển hóa, dễ làm cho cơ thể trẻ ra nhiều mồ hôi, có thể gây ngứa hoặc thậm chí nổi mụn ngoài da.

- Bổ sung vitamin D: Vitamin D hơi đặc biệt hơn so với các loại vitamin khác, tức là không dễ dàng hấp thu thức ăn, việc tận dụng ánh nắng mặt trời là cách bổ sung vitamin D “rẻ tiền và hiệu quả nhất” dành cho trẻ. Cha mẹ nên cho trẻ tắm nắng mỗi buổi sáng, trước 10 giờ với thời gian tắm nắng nên tăng dần từ 10 đến 30 phút. Để cho da trẻ tiếp xúc với ánh nắng càng nhiều càng tốt, không cho mắt trẻ tiếp xúc thẳng với ánh sáng mặt trời.Tận dụng ánh nắng mặt trời là cách bổ sung vitamin D “rẻ tiền và hiệu quả nhất” dành cho trẻ nhằm hạn chế ra mồ hôi trộm khi ngủ (Ảnh minh họa)

Trên thực tế, nhiều mẹ tự ý bổ sung vitamin D cho con để tránh ra mồ hôi khi ngủ, Tuy nhiên, Vitamin cũng là một loại thuốc, chính vì thế, các mẹ không nên tự ý sử dụng cho trẻ theo cảm nhận thông thường được. Trong đó, vitamin D cần bổ sung theo đúng liều lượng mà bác sĩ chỉ định.

Nếu phát hiện những bất thường về hiện tượng ra mồ hôi trộm của trẻ (mồ hôi trộm bệnh lý), kèm theo một số triệu chứng khác ở trẻ như bị sốt thường xuyên, tinh thần sa sút, đầu tóc lưa thưa, chậm mọc răng, thóp đầu chậm liền, chậm biết bò, chậm biết đi… phụ huynh cần đưa trẻ đến khám bác sĩ để trẻ được kiểm tra, chữa trị kịp thời.

Hiện Tượng Đổ Mồ Hôi Trộm Khi Ngủ Ở Trẻ Sơ Sinh

Bé Bị Đổ Mồ Hôi Trộm Phải Làm Sao ?


Nguồn bài viết: eva
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: