Để Con Không Bị Viêm Phế Quản Trong Mùa Đông Mẹ Nhớ Tắm Đúng Cách Nhé

  4861

Vào mùa đông trẻ có thể nhập viện do viêm phổi, viêm phế quản, cảm cúm...nguyên nhân xuất phát từ cơ thể chưa thích nghi kịp với sự thay đổi nhiệt độ.

Mùa đông có nhiệt độ thấp, phụ huynh phải lưu ý việc tắm cho trẻ làm sao để giữ sức khỏe nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh.

Những ngày trời chuyển rét sâu, rét đậm, rét hại cũng là lúc phụ huynh lo ngay ngáy vấn đề sức khỏe của trẻ. Bởi chỉ cần một chút lơ là, trẻ có thể nhập viện do viêm phổi, viêm phế quản, cảm cúm...nguyên nhân xuất phát từ cơ thể chưa thích nghi kịp với sự thay đổi nhiệt độ. Mặt khác, cơ địa của trẻ mà đặc biệt là hệ miễn dịch còn yếu.

Chị Phượng (Quan Nhân, Hà Nội) chưa hết mệt mỏi sau mấy đêm trông con trong bệnh viện. Gia đình chị vẫn giữ thói quen tắm hàng ngày cho con dù trời lạnh. Ngày thứ 5, nhiệt độ xuống còn 10 độ C, chị tắm cho con nhưng bé thích nằm trong chậu nước vùng vẫy vì nước ấm nên kéo dài hơn 15 phút so với thường lệ. Trước đây chị quan tâm đến gió lùa có thể khiến trẻ nhiễm lạnh nhưng do thông gió bị hỏng nên phòng tắm càng lạnh hơn. 

"Tôi cứ nghĩ là không sao vì cháu quen với việc tắm nhưng sau khi tắm xong bé lại chạy ngay sang nhà hàng xóm chơi, không quàng khăn, mặc áo ấm chỉ mặc áo len mỏng. Tối hôm đó, bé sốt cao gần 40 độ C, hạ sốt xong lại tiếp tục sốt. Cả đêm cứ lặp đi lặp lại như vậy, sáng dậy cả hai vợ chồng vội gọi xe đưa con đi vào viện mới biết bé bị viêm phổi", chị Phượng cho biết.

Ngày cuối tuần đi sinh nhật người bạn về muộn, vợ chồng anh Đức (Mỹ Đình, Hà Nội) tắm cho con lúc 22h. Thường vào giờ đó bé đã đi ngủ nhưng do 3-4 ngày chưa tắm nên vợ chồng anh Đức đành phải chấp nhận dù biết có thể bé bị lạnh. Theo lời anh Đức, khi bắt đầu dội nước ấm vào người, bé kêu lạnh nhưng sau đó rất thích thú vẫy vùng trong bồn tắm nước nóng. Vợ chồng anh Đức chỉ muốn cho bé tắm 5-10 phút để thay quần áo nhưng bé lại muốn tắm lâu hơn.

"Có lẽ do tắm muộn quá mà sáng hôm sau con nhà tôi bị viêm họng, sưng amidan, người ngây ngấy sốt phải đưa đi khám bác sĩ và dùng thuốc điều trị. Đến nay viêm họng đã đỡ nhưng vẫn còn mệt. Mấy hôm rồi bé không chơi đùa cùng ai chỉ nằm trên giường", anh Đức nói.


Tắm sao cho đúng?

Trao đổi với chúng tôi bác sĩ Nguyễn Nam (Chuyên khoa Sức khỏe Nhi) cho hay, việc tắm quá nhiều trong mùa đông là không nên nhưng cũng không có nghĩa là 1-2 tuần mới tắm cho trẻ một lần. "Căn cứ vào tình hình sức khỏe, thể trạng của bé để có thời gian tắm hợp lý. Có thể 2-3 ngày tắm cho trẻ một lần không cần và cũng không nên tắm nhiều lần trong tuần hay tắm hàng ngày", bác sĩ nói.

Nếu lo sợ trẻ ốm mà không tắm trong nhiều ngày sẽ rất nguy hiểm. Bởi quá trình mặc quần áo có thể ra mồ hôi, các vi khuẩn có cơ hội phát triển. Nếu kéo dài thời gian không tắm, chúng sẽ sinh sôi, gây bệnh ngoài da hoặc các căn bệnh khác.

"Mùa đông trời lạnh nên phải chú ý tắm cho bé nhanh hơn, không dầm nước lâu. Thời gian tắm cho bé khoảng 10h-10h30' sáng hoặc 14-15h chiều. Không tắm cho bé sau 16h chiều hoặc tối. Vì đây là thời điểm mà nhiệt độ bắt đầu hạ thấp. Phụ huynh phải tắm cho bé nước ấm, tuy nhiên không nóng quá có thể ảnh hưởng đến làn da bé. Có thể kiểm tra nhiệt độ nước bằng cùi tay hoặc con vịt nhựa", bác sĩ Nam nói.

Mức nhiệt độ nước tắm của bé khoản 33 độ C đến 35 độ C. Khi kiểm tra mức nhiệt phải ở mức ấm với người lớn vì có thể là như vậy đã hơi nóng với trẻ. Trước khi tắm phải chuẩn bị sẵn quần áo, khăn tắm, để tắm song sẽ lau khô cơ thể ngay. Tránh tình trạng sau khi tắm, phụ huynh mới lục đục đi tìm quần áo có thể khiến trẻ nhiễm lạnh.

Nơi tắm cho trẻ phải kín gió, đóng cửa ấm áp, không có gió lùa. Mặt khác, thời gian tắm chỉ nên kéo dài không quá 7 phút. Khi tắm, phụ huynh phải rửa mặt, mũi cho trẻ đầu tiên. Bởi nếu bạn tắm các bộ phận khác rồi mới vệ sinh mắt, mũi có thể bị nước bẩn bám vào gây bệnh đau mắt, viêm mũi. Dùng khăn mềm để tắm cho trẻ, tránh khăn xô cứng có thể gây hại làn da. Không để nước hắt vào mắt trẻ và mua loại mũ chuyên dụng gội đầu có vành để nước không làm mắt trẻ bị đỏ. Sau khi tắm phải vệ sinh tai bằng bông chuyên dụng.

Sau khi tắm xong, bạn phải ôm trẻ một lúc để lấy lại mức nhiệt và quấn chăn một chút hoặc để trẻ ngồi trong phòng kín 15-20 phút rồi mới đi ra ngoài.

+ Xem thêm:

CÁCH PHÒNG NGỪA VÀ CHỮA TRỊ BỆNH VIÊM PHẾ QUẢN Ở TRẺ

8 TRƯỜNG HỢP TẮM CON LÀ HẠI CHẾT CON


Nguồn bài viết: emdep
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: