Mẹo Trị Táo Bón Cho Bé

  5727

Khi bị táo bón, bé sẽ cảm thấy khó chịu, hay khóc, tuy nhiên bạn không phải quá lo lắng. Dưới đây là một số mẹo nhỏ giúp “trị” được chứng táo bón cho bé.

Khi bị táo bón, bé sẽ cảm thấy khó chịu, hay khóc, tuy nhiên bạn không phải quá lo lắng, vì chỉ cần một vài thay đổi nhỏ trong chế độ ăn uống hay sinh hoạt thường ngày đã có thể làm giảm bớt cảm giác khó chịu này. Dưới đây là một số mẹo nhỏ giúp “trị” được chứng táo bón và bé lại cảm thấy thoải mái, vui vẻ. 

1. Chú ý đến chế độ hoạt động của ruột 

Khi bé bắt đầu chuyển sang ăn thức ăn rắn, cần cho trẻ ăn thức ăn có chứa chất xơ tự nhiên xay nhỏ (rau xanh, các loại củ, ngũ cốc…) Nhưng cũng nên tránh không cung cấp quá nhiều chất xơ trong bữa ăn của trẻ, bé cần được bổ sung nhiều dưỡng chất khác chứ không chỉ đơn thuần là chất xơ. Bé đang được nuôi bằng sữa mẹ có xu hướng đi tiêu bình thường và nhiều hơn. Và việc thay đổi đột ngột chế độ ăn của bé sang ăn dặm có thể là một trong những nguyên nhân khiến bé dễ bị táo bón do ruột chưa được làm quen với việc tiêu hóa thức ăn cứng. Bạn cần tham khảo những công thức nấu món ăn cứng cho bé, và cần thay đổi thói quen ăn uống của bé từ từ để cơ thể bé có thời gian để thích ứng. 

Các bé ở tuổi chập chững biết đi, bắt đầu có thể tự mình khám phá nhiều trò chơi và chỗ chơi có thể gặp trường hợp đôi khi vì quá ham chơi mà không muốn ngồi bô, bạn cần tập cho bé thói quen thường xuyên đi vệ sinh để giúp cho quá trình hoạt động của bộ máy tiêu hóa, ruột non, ruột già được vận hành tốt, tránh tình trạng “tắc nghẽn” gây khó chịu. 


2. Khi bé “kén cá chọn canh” 

Nhiều đứa trẻ rất khó tính trong việc ăn uống từ khi tuổi còn nhỏ, và các bậc phụ huynh thì luôn cố gắng chiều theo ý con. Nhưng nếu bé giống như hầu hết các đứa trẻ khác, không thích ăn rau xanh, thì sẽ dễ bị táo bón. Gặp trường hợp này bạn đừng bỏ cuộc, hãy cố gắng thêm chất xơ tự nhiên vào bữa ăn của con bằng những món rau trộn trái cây và có thể cho bé ăn những món ngũ cốc mà bé thích nhưng cần là loại ngũ cốc nguyên hạt. Hoặc khi làm bánh, sữa chua cho con, thay vì cho trái cây khô (nho khô, mận khô…), bạn có thể cho vào đó trái cây tươi, tất nhiên có cả mận tươi trong đó vì mận được coi là loại thực phẩm giúp nhuận tràng. 

Khi được gửi mẫu giáo hoặc nhà trẻ, danh sách những món ăn của bé lại được cộng thêm nhiều món ăn vặt khác, và việc cung cấp đầy đủ lượng chất xơ cho cơ thể mỗi ngày vẫn cần được chú ý, thậm chí còn nhiều hơn. Trong độ tuổi từ 4 – 8 tuổi, bé cần 25g chất xơ mỗi ngày. Những bữa ăn nhẹ hoặc ăn xế ở trường cần được bổ sung nhiều thực phẩm có chất xơ như trái cây hoặc bánh mì được làm từ bột mì chứ không phải bánh mì trắng. 

3. Tập cho con thói quen vận động 

Trẻ em ngày nay rất nhiều bé thay vì vận động cơ thể bằng nhiều trò chơi thì lại thích dành nhiều thời gian ở trong nhà, ngồi trước TV để xem phim hoạt hình hoặc chơi game điện tử. Bạn hãy tập cho bé thói quen vận động thường xuyên, sau giờ học căng thẳng nên khuyến khích bé chơi trò chơi kết hợp với thể thao như đi xe đạp, đá bóng, đi bộ hoặc đơn giản là nhảy dây. 

Ngoài ra, hãy tập cho con thói quen uống nhiều nước, chủ yếu là nước lọc và một ít nước trái cây để xua tan cơn khát và bảo đảm nhu cầu nước của cơ thể, nhất là sau khi vận động. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể phục vụ vài món ăn nhẹ cho bé như bỏng ngô, các loại hạt là nguồn cung cấp chất xơ tự nhiên tốt. 

4. Chất xơ với tuổi thiếu niên 

Đến tuổi thiếu niên, vấn đề cân nặng trở nên quan trọng hơn trong mắt con, chúng tự đưa ra những hạn định cho lượng thức ăn nạp vào cơ thể, vì thế cơ thể có nguy cơ thiếu chất xơ. Theo nhu cầu bình thường thì một thiếu niên cần lượng chất xơ chứa trong 1 – 2 chén trái cây và rau mỗi ngày. Một số loại chất xơ được bổ sung vào trong các loại nước trái cây hoặc yaourt không có tác dụng chữa trị chứng táo bón. Với những em gái ở lứa tuổi thiếu niên, việc bổ sung chất sắt cũng làm tăng nguy cơ bị táo bón. 


5. Ưu tiên điều trị theo cách thức tự nhiên 

Bổ sung chất xơ tự nhiên vào khẩu phần ăn hàng ngày cho con, khuyến khích bé vận động và tập thể dục đều rồi sau đó dành nhiều thời gian trong nhà vệ sinh và để cho “mẹ thiên nhiên” thực hiện nốt phần việc còn lại là cách chữa trị chứng táo bón được nhiều bác sĩ khuyên. Về căn bản táo bón không gây hại cho sức khỏe của bé. Tuy nhiên, khi bé bị táo bón lâu, hiện tượng cứ tiếp tục từ 2 – 3 tuần thì nên đưa bé đi khám chứ không nên tự ý cho bé sử dụng thuốc nhuận tràng, nếu cần dùng thuốc thì phải có sự hướng dẫn của bác sĩ.

+ Xem thêm:

TRẺ BỊ TÁO BÓN MẸ PHẢI LÀM SAO?

14 CÁCH TRỊ TÁO BÓN NHANH CHO TRẺ HIỆU NGHIỆM


Nguồn bài viết: wtt
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: