Những năm đầu đời là cột mốc phát triển quan trọng về chiều cao, cân nặng và trí não của trẻ nhỏ. Chính vì thế, cha mẹ nên theo dõi các mốc phát triển của con đều đặn, nếu phát hiện có gì bất thường hãy đưa các bé đến gặp bác sĩ nhi khoa để có chẩn đoán chính xác.
Mới đây, một phóng sự của Hàn Quốc đã đưa tin về một bé gái bị thiếu hormone tăng trưởng. Từ khi sinh ra, cô bé luôn nhỏ hơn so với các bạn và đến khi đi mẫu giáo, khoảng cách chiều cao so với bạn bè càng trở nên rõ rệt. Khi chụp xương cổ tay mới phát hiện bé bị phát triển chậm hơn 2 đến 3 tuổi so với các bạn đồng trang lứa. Hiện tại cô bé đã điều trị hormone được khoảng một năm.Bé gái người Hàn Quốc này bị thiếu hormone tăng trưởng, khi đi khám mới phát hiện bé bị chậm phát triển 2-3 năm so với bạn bè đồng trang lứa.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ như: suy dinh dưỡng, bị các bệnh lý dị tật bẩm sinh, còi xương, thiếu máu, thiếu hormone tăng trưởng... Trong đó thiếu hormone tăng trưởng là nguyên nhân hàng đầu gây ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ.Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh, Khoa Nội Tiết - Chuyển hóa - Di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương, hormone tăng trưởng rất cần thiết để trẻ phát triển chiều cao. Nếu thiếu hormone tăng trưởng trẻ sẽ chậm phát triển, tăng nguy cơ gẫy xương và các bệnh về tim mạch.
Trẻ bị thiếu hormone tăng trưởng có thể có chiều cao bình thường lúc sinh, nhưng tốc độ tăng trưởng chiều cao sẽ giảm dần theo thời gian. Các bé thường không tăng quá 4cm trong một năm khi từ 2 tuổi trở lên.
Trên thực tế, trẻ nhỏ từ lúc mới sinh cho đến trước tuổi dậy thì đều có nguy cơ bị thiếu hormone tăng trưởng. Tốt nhất, cha mẹ nên đo chiều cao cho trẻ 3 tháng/lần. Cha mẹ đặc biệt lưu ý nếu mỗi năm trẻ không cao quá 4cm thì hãy đưa bé đi khám kịp thời vì rất có thể các bé đã bị chậm phát triển chiều cao.
Đối với những trẻ bị thiếu hormone tăng trưởng có thể điều trị bằng cách trực tiếp tiêm hormone cho trẻ mỗi ngày. Việc điều trị nên được diễn ra sớm, tốt nhất là trong khoảng độ tuổi 4-13, trước khi các sụn xương của trẻ đóng lại. Nếu tiêm hormone sau thời điểm các sụn xương của trẻ đã đóng lại thì việc điều trị không có tác dụng.
Cha mẹ có thể tham khảo bảng chỉ số chiều cao cân nặng cho trẻ của WHO dưới đây để tham khảo chiều cao, cân nặng trung bình theo độ tuổi của con mình:
– TB: Đạt chuẩn trung bình.
– Dưới -2SD: Trẻ bị suy dinh dưỡng thiếu cân.
– Trên +2SD: Thừa cân béo phì (theo cột cân nặng) hoặc rất cao (theo cột chiều cao).Bảng chiều cao cân nặng của trẻ sơ sinh cho đến 10 tuổi của WHO năm 2019.
Ngoài ra, để trẻ phát triển chiều cao tối ưu, cha mẹ hãy thiết lập một chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh cho trẻ nhỏ:
1. Cho trẻ đi ngủ trước 9h tối
Đi ngủ sớm là một cách hiệu quả giúp các bé phát triển chiều cao (Ảnh minh họa).
9-10h tối là thời điểm hormone tăng trưởng tiết ra nhiều nhất. Chính vì thế cha mẹ nên tập cho con thói quen đi ngủ lúc 8h30 phút tối, đến 9h sẽ là lúc bé ngủ sâu - đây là thời điểm giấc ngủ có ích trong việc tác động đến chiều cao của trẻ.
2. Chế độ dinh dưỡng cân bằng
Ngoài uống sữa, cha mẹ hãy cho con ăn đa dạng các loại thực phẩm khác nhau (Ảnh minh họa).
Ngoài việc cho con uống sữa và ăn nhiều thực phẩm có chứa canxi. Cha mẹ lưu ý nên cho bé ăn đa dạng các loại thực phẩm: thịt cá, rau xanh, trái cây. Nếu có thể, cha mẹ hãy bày biện đồ ăn đẹp mắt để kích thích trẻ ăn uống ngon miệng hơn. Hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị... vì không tốt cho sức khỏe của các bé.
3. Tập thể dục, chơi thể thao
Tập thể thao vừa giúp trẻ khỏe mạnh, vừa giúp bé tăng trưởng chiều cao (Ảnh minh họa).
Bơi lội, cầu lông, bóng đá, nhảy dây, chạy bộ, đạp xe... đều là những môn thể thao giúp phát triển chiều cao ở trẻ. Cha mẹ hãy khuyến khích con chơi thể thao nhiều hơn và cuối tuần hãy tổ chức các buổi dã ngoại ngoài trời để trẻ vừa được vận động, vừa gần gũi với thiên nhiên.