Các loại xe tập đi trên thị trường hiện nay có độ an toàn thấp, thường không kiểm soát được tốc độ nên dễ xảy ra tai nạn. Tiến sĩ Trịnh Quang Dũng, Phó trưởng khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đồng quan điểm: Trên thế giới, như mọi đồ dùng cho trẻ khác, xe tập đi được sản xuất theo các quy cách chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn, kết cấu vững, có bộ phận giảm trơn trượt, chống đổ ngã. Sản phẩm được bán ở Việt Nam thường không đạt yêu cầu này. Mặt khác, trẻ thường phải sống trong không gian hẹp, ở nhà tầng, đi mấy bước đã đến bậc thềm hay cầu thang, rất dễ lăn xuống.
Ngay cả khi không gây tai nạn cấp cứu, xe tập đi cũng có tác hại nghiêm trọng cho cơ thể trẻ về lâu dài. Hệ xương của trẻ dưới 1 tuổi rất mềm yếu, dễ thay đổi theo tác động bên ngoài. Tư thế của bé khi đứng trong xe lâu ngày sẽ dẫn đến biến dạng xương, gây dị tật chân vòng kiềng chữ O, chữ X.
Nhiều người cho con sử dụng xe với hy vọng trẻ sẽ biết đi sớm. Thực ra, theo tiến sĩ Dũng, nếu bắt trẻ đi khi hệ xương, gân, cơ, dây chằng chưa phát triển đủ để đáp ứng cho hoạt động này, hệ vận động của trẻ sẽ bị ảnh hưởng xấu, thậm chí biến dạng xương chân.
"Nhiều bà mẹ dựa vào câu thành ngữ 3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò tập đi và sốt ruột thúc trẻ tập đi sớm để đạt 'chỉ tiêu' này. Thực ra câu đó không hoàn toàn đúng. Mỗi đứa trẻ có một lịch trình sinh trưởng khác nhau, có thể sớm hoặc muộn, nhưng thông thường trẻ biết đi khi 12 tháng tuổi" - tiến sĩ Dũng nói. Theo ông, chỉ khi trẻ đã thực sự đứng vững, bố mẹ mới nên khuyến khích trẻ đi.
Mặt khác, theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải, dù vào thời điểm nào, chiếc xe kể trên cũng không hề giúp trẻ biết đi sớm hơn, thậm chí việc di chuyển được mà không cần cố gắng sẽ càng khiến trẻ lười tập đi thực sự khi đến lúc. Ông Hải cho rằng, dù không ngồi xe thì khi đủ tuổi, đủ sức, trẻ vẫn biết đi như thường.
Quan điểm trên cũng thống nhất với kết quả một nghiên cứu của Anh: Những trẻ dùng xe tập đi sẽ chậm biết đứng, biết đi hơn bạn bè đồng lứa không dùng thiết bị này. Nguyên nhân là trẻ đã quen di chuyển mà không cần nâng toàn bộ trọng lượng cơ thể, lâu ngày khiến cơ - xương không lớn mạnh được như bình thường. Hệ thần kinh cũng bị tước mất những thông tin cảm giác cần có để trẻ học đi hiệu quả.
Do những tác hại đó, một số nước tiên tiến đã cấm sử dụng xe tập đi cho trẻ em. Ở Việt Nam hiện không có lệnh cấm này, và theo ông Nguyễn Huy Quang, Phó vụ trưởng vụ Pháp Chế, Bộ Y tế, các vật dụng cho trẻ em như xe tập đi không thuộc phạm vi quản lý của ngành. Bộ Y tế chỉ quản lý các thiết bị, dụng cụ dùng trong điều trị. Ở nhiều nước, khi một thứ đồ gia dụng được phát hiện là ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đe dọa sự an toàn của người sử dụng, ngành y tế sẽ có các khuyến cáo hoặc đề nghị ra lệnh cấm. Tuy nhiên, ông Quang cho biết ở Việt Nam hiện chưa có tiền lệ nào về việc này, cũng không có quy trình để áp lệnh cấm cho một thiết bị gia dụng với lý do liên quan đến sức khỏe. "
+ Xem thêm:
MUỐN TRẺ NHANH BIẾT ĐI KHÔNG NÊN DÙNG XE TẬP ĐI
LỊCH PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG VẬN ĐỘNG CỦA BÉ TỪ 0-5 TUỔI