11 Bí Kíp Dạy Con Nói Như Sáo Mẹ Cần Biết

  15756

Để dạy con dưới 1 tuổi nói như sáo, các mẹ không nên bỏ qua bộ bí kíp này

Thật hạnh phúc sau bao ngày chờ đợi con đã chào đời và thoắt cái đã biết gọi “mẹ ơi!”, “con yêu mẹ!” dù chưa được 1 tuổi.

Người bạn có con lớn hơn con tôi vài tháng tuổi, một lần đưa con đến nhà đã ngạc nhiên vô cùng khi nghe bé nhà tôi nói những lời đó trong khi con bạn cố lắm vẫn chỉ “ba ba”, “bà bà”. Và bạn hỏi bí quyết. Thật ra tôi chẳng có bí quyết gì cao siêu cả, chỉ là làm theo bản năng người mẹ thôi. Dù vậy tôi cũng đã thành công với cách của mình, chia sẻ cùng các mẹ bí quyết dạy con nói của tôi nhé.
1. Nói chuyện với con mỗi ngày dù con chưa thể hiểu

Ngay từ khi con còn trong bụng, tôi đã đọc sách, kể chuyện, cho con nghe nhạc thường xuyên. Sau khi con chào đời, ngoài những lúc con ngủ, còn lại tôi đều dành thời gian nói chuyện với con, tôi nói với con hầu như không biết mệt mỏi và nói về tất cả những chủ đề quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày.
Thật ngạc nhiên, sau 2 tháng lặp đi lặp lại điều này, con tôi đã bắt đầu biết hóng chuyện, mỗi lần tôi nói bé lại tròn môi “o, e” như muốn nói theo.

2. Để con tự nói chuyện một mình, nghe nhạc, nghe truyện

Khi con được 3 tháng, tôi bắt đầu bước thứ 2 trong kế hoạch dạy con nói của mình. Ngoài “mặt đối mặt” nói chuyện với con mỗi ngày, tôi còn mở nhạc cho nghe hay những câu chuyện kể dành cho trẻ bằng đĩa để con nằm một mình và lắng nghe. Theo dõi các phản ứng, tôi thấy con có đáp lại những âm thanh đó bằng tiếng ê, a và thỉnh thoảng phá lên cười phấn khích.

3. Trò chuyện với gương soi

3 tháng tuổi con cũng đã biết lật, tôi kê tấm gương thật chắc chắn ngay giường để mỗi khi con thức dậy, lật và nhìn vào gương soi rồi nói chuyện với “người lạ” khi không có mẹ bên cạnh. Qua các tài liệu tôi được biết đây là một cách phát triển năng lực giao tiếp rất hiệu quả đối với trẻ nhỏ, quả thật mỗi ngày tiếp xúc với gương phản ứng của con linh hoạt hơn hẳn, miệng cũng nói rất nhiều với “người lạ” trong gương.

4. Cho con xem tranh ảnh các đồ vật, con vật quen thuộc và đố con

Khi con bước sang tháng thứ 4, tôi bắt đầu trò chuyện với con như một người bạn, nghĩa là tôi hỏi và để con trả lời bằng ngôn ngữ của mình. Ví dụ, tôi giả tiếng con chó kêu, mèo kêu, heo kêu.. cho con nghe và lặp đi lặp lại để con có phản xạ ghi nhớ xong rồi hỏi: “Con chó kêu sao ha?”… Con đã phản ứng lại bằng tiếng gừ gừ…

 5. Dạy con nói đi nói lại những từ đơn giản

5 tháng tuổi, tôi bắt đầu dạy con nói những từ đơn giản như “ba ba”, “má má”, “bà bà”… Với những từ này tôi kiên nhẫn tập đi tập lại cho con hầu như mỗi ngày. Cứ như thế, sau chừng một tuần, con đã có thể nói rõ “ba ba”, “má má”, “bà bà”… mỗi khi thấy bóng dáng ai đó trong nhà.

6. Dạy con hát

Vừa kết hợp dạy con nói, tôi kết hợp dạy con hát những bài thiếu nhi với giai điệu dễ thương, gần gũi, dễ hát. Mỗi ngày dành một ít thời gian cho việc này sẽ giúp con thấm dần ngôn ngữ đồng thời tăng thêm vốn từ vựng giúp con nói tốt hơn.

7. Kiên nhẫn sửa sai cho con

8 tháng tuổi con đã nói được câu từ 3 – 5 từ như “Mẹ làm về!”, “Mẹ tắm”, “mẹ ăn chơm”… và con nói khá nhiều. Dù vậy tôi vẫn theo sát con, kiên nhẫn sửa cho con từ từ phát âm sai và yêu cầu con nói lại từ đó cho đúng đồng thời kết hợp dạy thêm những cụm từ, câu mới cho con.

8. Luôn động viên con

Mỗi khi con nói được câu gì đó hoặc từ gì đó tôi luôn động viên con giỏi và thưởng cho con những nụ hôn. Được khen con tỏ ra rất thích nói và cứ liên tục phát huy khả năng này của mình.

9. Trả lời tất cả các câu hỏi của con

Mặc dù rất bận rộn nhưng tôi luôn dành nhiều thời gian bên con, sẵn sàng trò chuyện cùng con cũng như trả lời tất cả các câu hỏi của con. Với mỗi câu hỏi tôi trả lời thật cặn kẽ, giải thích thật kỹ cho con hiểu và liên tục hỏi đi hỏi lại xem con có hiểu không.

10. Cho con tiếp xúc với những trẻ khác

Những khi rảnh, tôi lại đưa con ra ngoài gặp các bé cùng tuổi hoặc các anh chị lớn hơn, điều này cũng giúp cho việc giao tiếp của con tốt lên rất nhiều.

11. Tắt tivi khi có con trong phòng

Cuối cùng, để con nói tốt và không thụ động trong việc giao tiếp, tôi quán triệt tư tưởng cho tất cả mọi người trong gia đình từ chồng đến ông bà. Đó là không được “giao” con cho tivi cũng như không được mở tivi khi có con trong phòng. Có thể với nhiều người, tivi mang đến nhiều lợi ích cho họ trong việc chăm sóc bé như: “trông bé” giúp mỗi khi bận chuyện gì, hoặc đơn giản giúp bé ăn nhanh hơn… Nhưng với tôi tuyệt đối không là không. Bởi trẻ sẽ không thể nào phát triển được khả năng ngôn ngữ, giao tiếp nếu cứ dán mắt vào tivi.

Áp dụng 11 điều này trong việc dạy con học nói từ giai đoạn sơ sinh và tôi đã thành công. Bé nhà tôi nay đã nói được rất nhiều. Các mẹ có con chậm nói thử cách của tôi xem nhé, chúc các mẹ thành công!

+ Xem thêm:

BÍ QUYẾT DẠY CON BIẾT NÓI SỚM

25 TỪ BÉ PHẢI NÓI ĐƯỢC TRƯỚC 2 TUỔI


Nguồn bài viết: sưu tầm
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: