Từ Duy Nhất ... Mẹ Cần Nhớ Khi Dạy Các Con

  6505

Ngày hôm nay, tôi đã làm được một việc tốt hơn ngày hôm qua. Và tôi sẽ cố dành không gian cho sự không hoàn hảo, cho chính tôi và cho cả con nữa.

Kristin Shaw là giám đốc tiếp thị, nhà văn, đồng thời là một người vợ, một người mẹ ở Austin (Mỹ). Cô là chủ của blog twocannoli.com – nơi cô chia sẻ về những mối quan hệ, tình mẹ và tình yêu.

Đó là một từ giúp tôi thư giãn khi dạy con và cảm nhận được nhiều hạnh phúc hơn khi làm mẹ. Nhưng phải mất một thời gian dài tôi mới hiểu hết và áp dụng từ này.

Máy bay đã kín chỗ và chúng tôi nhanh chóng ổn định chỗ ngồi. Chồng tôi ngồi ở hàng ghế trước, còn tôi và con ngồi cạnh nhau ở hàng ghế sau. Bất chợt, con tôi muốn biết tại sao con không thể ngồi cạnh bố. Tôi giải thích rằng chúng tôi không mua được các ghế ngồi cạnh nhau.

Bất chấp lời giải thích của tôi, con hét lên: “Con muốn ngồi cạnh bố” và bắt đầu gào khóc. Rồi con trừng mắt nhìn người phụ nữ ngồi cạnh: “Con không thích người phụ nữ này! Con không muốn ngồi cạnh cô ấy”. May mắn là người phụ nữ ấy đã là mẹ của 4 đứa trẻ. Do đó, trước thái độ của con tôi, cô ấy chỉ mỉm cười.

Thấy ngượng ngập và tuyệt vọng, tôi bắt đầu giở mọi thủ đoạn: lý luận, giảng giải, cầu xin, hối lộ, dỗ dành, đe dọa tịch thu đồ chơi, im lặng. Nhưng không có phương pháp nào hiệu quả. Nếu ở nhà, hẳn tôi đã luyện tập tính kiên nhẫn của mình và cố dạy con.

Nhưng trên chiếc máy bay đầy người lạ, đó quả là một điều thách thức. Cuối cùng, tôi cũng làm con cười. Mọi chuyện tạm ổn cho đến khi con lại kêu ca về việc không muốn cài dây an toàn. Cứ thế, tôi cảm thấy đầu mình quay mòng mòng. Tôi không hiểu sao con lại hành xử như vậy. Con đã từng đi máy bay rất nhiều lần, và con không hề có thái độ tệ như lần này. Không còn cách nào khác, tôi tự an ủi rằng đây chỉ là một giai đoạn nhất thời mà thôi.

Trước đó, khi chúng tôi đang đi nghỉ, việc cho con đi ngủ cũng là một thách thức với tôi. Sau nhiều nỗ lực, tôi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và thất vọng. Có rất nhiều thứ tôi muốn hoàn thành, nhưng tôi lại thấy như mình mãi mãi không thể hoàn thành những việc đó. Tôi bắt đầu mất kiên nhẫn và trở nên khắc nghiệt với con.

Sau khi con chìm vào giấc ngủ, tôi quay lại phòng ngắm nhìn con và bật khóc. Tôi đã quá khắc nghiệt với bản thân mình. Vào năm con 2 và 3 tuổi, chúng tôi dễ dàng nuôi dạy con mà không gặp phải bất cứ vấn đề gì. Con không cáu kỉnh, không lăn trên sàn nhà gào khóc và cũng không mè nheo đòi mua đồ. Lúc đó, chúng tôi cảm thấy thật may mắn vì đã nuôi dạy một đứa con tuyệt vời như vậy.

Nhưng đến năm 4 tuổi, mọi chuyện hoàn toàn đổi khác. Con không nghe lời, thường xuyên gào khóc và luôn thách thức sự kiên nhẫn của tôi. Tôi hỏi xin mẹ lời khuyên, nhưng bà chỉ cười và nói: “Rồi sẽ qua thôi con”.

Rồi tôi nhận ra bản thân mình cũng là người có vấn đề. Con tôi đang thể hiện sự không hoàn hảo, còn tôi thì lo ngại về kỹ năng nuôi dạy con cái của mình. Hành vi của con sẽ khiến mọi người nghĩ tôi nuôi dạy con cái như thế nào? Nếu mọi người cho rằng chính tôi đã làm hư con thì sao? Liệu có phải tôi đã dạy con sai cách không?

Nhưng tôi hiểu ra rằng, con mới chỉ là một đứa bé. Con không hoàn hảo và tôi cũng như vậy. Tôi có thể và sẽ làm tốt hơn vào ngày mai. Khi tôi tâm sự với những đồng nghiệp của mình, họ đã nói với tôi một từ mà tôi nhớ mãi. Đó là “chấp nhận”.

Con sẽ không ở tuổi này mãi. Chấp nhận.

Tìm cách để giữ bình tĩnh và duy trì điều đó. Chấp nhận.

Khi con nói điều gì khiến tôi tổn thương, tôi hiểu rằng con không cố ý làm như vậy. Chấp nhận.

Tôi không hoàn hảo và không nên quá khắc nghiệt với bản thân. Chấp nhận.

Chấp nhận sự không hoàn hảo.

Điều đó không có nghĩa là tôi từ bỏ niềm tin của mình, hoặc làm theo mọi chuyện con muốn. Tôi vẫn là một người mẹ và cần phải ở bên hướng dẫn con. Nhưng tôi có thể chỉ bảo con một cách nhẹ nhàng và thân thương hơn, đồng thời cũng khiến tôi ít bực bội, mệt mỏi hơn. Tôi có thể làm được điều đó nếu chấp nhận sự thật rằng tôi không thể kiểm soát con mình mọi lúc. Như vậy, tôi có thể kiểm soát cảm xúc của bản thân, kể cả khi con không làm được điều đó. Tôi có thể dạy con rằng ở dưới mái nhà này, con sẽ được an toàn. Con có thể nhẹ nhõm, không phải gồng mình căng thẳng ở đây.

Tôi luôn yêu thương con bằng cả trái tim mình. Tôi luôn trân trọng những gì mình đang có và cảm thấy biết ơn con mỗi ngày.

Ngày hôm nay, tôi đã làm được một việc tốt hơn ngày hôm qua. Và tôi sẽ cố dành không gian cho sự không hoàn hảo, cho chính tôi và cho cả con nữa.

Dù là niềm vui hay nỗi buồn, niềm hạnh phúc hay nỗi thất vọng.

Tôi đều chấp nhận.

+ Xem thêm:

4 CÂU HỎI BA MẸ NÊN HỎI CON MỖI NGÀY?

CHỒNG ĐÃ LÀM TRÒN VAI TRÒ MỘT NGƯỜI BỐ CHƯA?


Nguồn bài viết: Theo Afamily
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: