Sai Lầm Khi Cho Con Uống Thuốc Mẹ Nào Cũng Nên Biết

  4317

Sai Lầm Khi Cho Bé Uống Thuốc Mẹ Nên Tránh để đề phòng khả năng gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bé, thậm chí tử vong.

Rất nhiều trẻ bị bố mẹ cho uống thuốc sai cách, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, kể cả những phụ huynh tỉ mỉ nhất cũng có thể mắc một trong những sai lầm dưới đây.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng có rất nhiều trẻ bị bố mẹ cho uống thuốc sai cách, quá liều hay thậm chí nhầm thuốc, đặc biệt là ở trẻ dưới 1 tuổi. 94% những lỗi này là không nghiêm trọng, tức có khoảng 6% có khả năng gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, thậm chí tử vong.

Hầu hết những sai lầm khi dùng thuốc cho trẻ đều liên quan tới sử dụng thuốc nước giảm đau để hạ sốt (loại thuốc này được dùng phổ biến cho trẻ nhỏ nhưng sử dụng đúng liều lượng lại không phải ai cũng biết), ví dụ như acetaminophen và ibuprofen, sau đó là các loại thuốc chống dị ứng và kháng sinh. 

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, kể cả những phụ huynh tỉ mỉ nhất cũng có thể mắc sai lầm, tuy vậy vẫn luôn có cách tránh các rủi ro. Dưới đây là các lỗi thường gặp và hướng dẫn để giữ con bạn luôn được cho uống thuốc đúng cách:

1. Sai liều lượng

Luôn luôn làm theo chỉ định về liều lượng của bác sĩ, dược sĩ hoặc thông tin về liều dùng ghi trên bao bì. Hầu hết mức liều lượng sẽ được điều chỉnh theo cân nặng của trẻ. Nếu bạn đo bằng thìa, nhiều khả năng là bạn sẽ đo sai vì có rất nhiều kích cỡ thìa khác nhau trong bếp nhà bạn, có thể nó không đúng chuẩn “thìa cà phê” như được ghi trên bao bì vậy nên bạn nên chọn đo bằng đơn vị ml theo thang chia trên các loại cốc hay nắp hộp có sẵn trong hộp thuốc.



2. Uống dư liều

Vô tình uống dư liều là một lỗi phổ biến, đặc biệt là với trẻ dưới 1 tuổi, khi chúng không thể cho bạn biết rằng trước đó bạn đã cho trẻ dùng thuốc nhưng quên mất. Bạn có thể theo dõi lịch cho con uống thuốc bằng cách đánh dấu lên hộp. Hãy đảm bảo rằng tất cả những ai được trao chăm sóc trẻ thay bạn cũng cần nắm rõ cùng một lịch. 

Ngược lại, nếu bạn bỏ quên một lần dùng trong ngày, không được tăng gấp đôi liều lượng vào lần uống sau mà không hỏi ý kiến bác sĩ.



3. Các lần dùng quá gần nhau

Khoảng cách giữa các lần dùng thuốc cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn chuyên môn. Tuyệt đối không đẩy các lần dùng sát với nhau vì mong có hiệu quả nhanh. Đồng thời các bác sĩ cũng khuyến cáo phụ huynh không được tự ý thay đổi thứ tự sử dụng thuốc.

4. Không biết dùng đơn vị đo liều lượng nào

Có lúc bạn sẽ thấy đơn vị được khuyên dùng để do liều lượng trên đơn thuốc và trên bao bì không khớp nhau, bạn không nên hoang mang. Đơn thuốc là cách bác sĩ và dược sĩ trao đổi thông tin với nhau, và người dược sĩ sẽ có trách nhiệm thống nhất thông tin trên đơn thuốc và bao bì. Các loại thuốc có thể được đo bằng rất nhiều đơn vị khác nhau: mg, ml, mcg… Bạn không cần phải khăng khăng bám vào những gì được viết trên đơn, hãy nghe theo hướng dẫn của dược sĩ.



5. Uống sai thuốc

Luôn phải đọc thật kỹ hướng dẫn sử dụng và hạn sử dụng để đảm bảo rằng nó khớp với các triệu chứng của con và rằng nó chưa bị hết hạn. Đừng bóc nhãn ra khỏi vỏ hộp hay vứt tờ hướng dẫn trước khi sử dụng hết loại thuốc đó. Nếu không tìm thấy hạn sử dụng ghi trên lọ thuốc thì hãy hỏi ý kiến của dược sĩ trước khi sử dụng, vì nếu quá thời hạn, nó vừa ảnh hưởng tới tính hiệu quả của thuốc vừa không an toàn cho sức khỏe.

6. Nạp thuốc sai cách

Thuốc phổ biến thường được dùng ở dạng uống, nhưng đôi khi cũng có loại thuốc được truyền vào cơ thể qua mắt, tai, mũi hay trên da… bạn không bao giờ được phép nhầm lẫn hay tự ý thay đổi cách sử dụng.

QUY TẮC SỬ DỤNG THUỐC AN TOÀN

• Lên danh sách các loại thuốc trẻ đang và đã dùng. Khi con đang uống quen một loại trong một lần điều trị, muốn đổi sang loại khác bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ.

• Nói cho bác sĩ hay dược sĩ biết tiền sử dị ứng của trẻ, bất kể đó là dị ứng thuốc hay yếu tố nào khác.

• Hãy thành thật với trẻ khi muốn trẻ uống thuốc, đừng bao giờ nói dối đấy là kẹo hay nước ngọt.

• Nếu chẳng may trẻ nghịch mà uống quá nhiều thuốc, ngay lập tức đưa trẻ đi cấp cứu, bất kể đó là những loại thuốc gì. Tránh điều này bằng cách để thuốc xa tầm với của trẻ, và, một lần nữa, đừng gọi thuốc là kẹo hay nước ngọt.

+ Xem thêm: 

KHI NÀO NÊN CHO BÉ BỊ HO UỐNG KHÁNG SINH

CÁC LÝ DO MẸ KHÔNG NÊN CHO CON BÚ NẰM


Nguồn bài viết: sưu tầm
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: