Làm Gì Khi Trẻ Bị Tay Chân Miệng?

  6356

Bệnh chân tay miệng có 2 thể nặng và nhẹ. Với thể nhẹ, bố mẹ có thể chăm sóc cho con tại nhà khi có tổn thương ở da đi kèm sốt nhẹ hoặc không kèm sốt.

Bệnh chân tay miệng có 2 thể nặng và nhẹ. Với thể nhẹ, bố mẹ có thể chăm sóc cho con tại nhà khi có tổn thương ở da đi kèm sốt nhẹ hoặc không kèm sốt.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh tay chân miệng ở trẻ em là bệnh do virus đường tiêu hóa gây ra. Do đó, bệnh lây trực tiếp qua đường tiêu hóa khi ăn uống chung hay tiếp xúc với dịch của trẻ mắc bệnh và lây gián tiếp qua bàn tay hoặc vật dụng nhiễm virus. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng phổ biến vào thời điểm giao mùa và thường ở những trẻ dưới 5 tuổi.

Ban đầu khi mới bị tay chân miệng, trẻ thường sốt nhẹ, đau họng, đau miệng, chảy nước miếng và biếng ăn. Sau sốt 1 - 2 ngày trẻ bắt đầu đau miệng, nổi ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, khoang miệng,...

“Trong thời điểm trẻ bị tay chân miệng nhẹ, nếu cha mẹ không phát hiện sớm, chăm sóc đúng cách, bệnh sẽ chuyển sang thể nặng với những biến chứng nguy hiểm như biến chứng viêm não, biến chứng vào tim, phổi…

Tuy nhiên, qua quá trình khám chữa, tôi gặp rất ít trẻ bị tay chân miệng thể nặng, những trường hợp nặng đã được thông tin rất ít, đa số trẻ bị tay chân miệng thể nhẹ có thể tự khỏi nên bố mẹ không cần quá lo lắng, hãy bình tĩnh xử trí khi con bị tay chân miệng, chăm sóc con cẩn thận tại nhà”, bác sĩ Dũng cho biết.

Dưới đây, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng sẽ chỉ ra 6 lưu ý dành cho bố mẹ khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng ở nhà:

1. BÌNH TĨNH KHI CON BỊ TAY CHÂN MIỆNG

Khi thấy con có dấu hiệu lạ như sốt quá cao, co giật, mệt mỏi, khó thở, bố mẹ cần đưa con đến bác sĩ ngay để khám. Tuy nhiên, nếu thấy con sốt nhưng vẫn vui chơi, ăn kém một chút vì đau miệng, bố mẹ không cần lo hay cuống cuồng mà xử lý sai cách.

Gần đây, nhiều bà mẹ lo quá, quan điểm của tôi là bố mẹ hết sức bình tĩnh. Bệnh tay chân miệng ở trẻ em thể nhẹ, bố mẹ chỉ cần chăm sóc thông thường, liên tục quan sát dấu hiệu bệnh nặng để đi khám sớm.

Bệnh tay chân miệng ở trẻ em có dấu hiệu bệnh giống như sởi, sốt phát ban, dị ứng, viêm da, thủy đậu… khó có thể phân biệt được. Vì thế, khi thấy con có dấu hiệu lạ, bố mẹ nên đưa con đến khám các bác sĩ, để các bác sĩ, bệnh viện lo cho.

2. BÔI THUỐC VÀO MIỆNG

Bệnh chân tay miệng ở trẻ là một bệnh do virut đường tiêu hóa gây ra và lây qua đường tiêu hóa nhưng bệnh có một điểm khác các bệnh khác cần chú ý, đó là bệnh gây ra loét ở miệng làm trẻ đau, ăn uống kém, quấy khóc, khó chịu.

Khi trẻ có những vết loét ở miệng, bố mẹ có thể mua thuốc bôi ở miệng và bôi trước bữa ăn cho trẻ để trẻ đỡ đau, đỡ quấy khóc, có thể ăn uống được.

Khi trẻ bị sốt, bố mẹ chỉ nên cho trẻ uống hạ sốt khi sốt trên 38,5 độ C. Đặc biệt, bố mẹ nên để con ở nơi thông thoáng, mặc đồ rộng rãi cho trẻ, thường xuyên lau nách, bẹn, cổ cho trẻ bằng nước ấm.

3. UỐNG NƯỚC HOA QUẢ

Bệnh tay chân miệng ở trẻ em không cần kiêng cữ, hạn chế đồ ăn cho trẻ. Trẻ bị bệnh sẽ khó chịu, lười ăn nên bố mẹ hãy để trẻ ăn những đồ mà trẻ thích.

Thêm nữa, bố mẹ nên cho trẻ uống thêm nhiều nước hoa quả để bổ sung vitamin, nâng cao sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch, làm lành nhanh các vết tổn thương hoặc một số chế phẩm vitamin đều được.

4. SÚC MIỆNG BẰNG NƯỚC MUỐI SINH LÝ

Khi bị tay chân miệng, các nốt phỏng mọc trong miệng khiến trẻ đau không ăn được, không cho cha mẹ vệ sinh răng miệng dẫn đến nguy cơ bị bội nhiễm viêm nha chu, nấm miệng... Đồng thời, nếu vệ sinh khoang miệng không đúng cách, bố mẹ có thể làm trợt vỡ các nốt phỏng, làm vết loét thêm nặng tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn.

Cách tốt nhất, bố mẹ nên sử dụng nước muối sinh lý xúc miệng cho trẻ sau mỗi lần ăn, trước khi đi ngủ, ngủ dậy. Bố mẹ chỉ cần cố gắng khuyến khích trẻ uống nhiều nước, súc miệng nước muối,... để làm sạch răng miệng mà không gây nguy hiểm.

5. KHÔNG NÊN CHO TRẺ ĐI HỌC

Virus gây bệnh tay chân miệng ở trẻ em có thể lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước, hoặc phân của người bị nhiễm bệnh. Khả năng lây nhiễm của bệnh rất lớn, đặc biệt là đối tượng trẻ nhỏ.

Bởi vậy, khi nghi ngờ trẻ bị tay chân miệng, bố mẹ không nên cho trẻ đi học. Trẻ bị bệnh tay chân miệng phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.

6. QUẢN LÝ ĐỒ DÙNG CỦA TRẺ

Người lớn có kháng thể nên rất ít bị bệnh tay chân miệng, trẻ lớn cũng sẽ tự khỏi nhanh, chỉ có đối tượng trẻ nhỏ sức đề kháng yếu nên rất dễ mắc phải. Chính vì vậy, để phòng tránh bệnh tay chân miệng ở trẻ em, bố mẹ và trẻ phải hình thành thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà phòng nhiều lần.

Khi trong nhà có trẻ bị bệnh tay chân miệng, bố mẹ cần quản lý đồ dùng, đồ chơi, đặc biệt quản lý phân, tã lót trong nhà vệ sinh cẩn thận. Sau khi trẻ đi vệ sinh, tốt nhất bố mẹ nên lau sàn nhà và nhà vệ sinh bằng chất khử trùng.

Bệnh cạnh đó, thường xuyên rửa sạch đồ chơi của trẻ, lau các dụng cụ, bề mặt trẻ hay tiếp xúc bằng xà phòng.

Ngoài ra, bố mẹ cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống như: ăn chín, uống sôi, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng… và không cho trẻ bị bệnh dùng chung các vật dụng gia đình để phòng tránh lây lan

Bệnh Tay Chân Miệng Rục Rịch Gia Tăng Báo Hiệu Mùa Dịch Mới

Phân Biệt Tay Chân Miệng Với Sốt Phát Ban Do Virut


Nguồn bài viết: eva
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: