Lên ba tuổi, bé đã khôn ngoan hơn nhiều so với những ngày còn chập chững biết đi hay đang bập bẹ tập nói. Khi trẻ cáu giận, nhõng nhẽo hay ăn vạ, người lớn cần bình tĩnh chứ không được lao theo giận dữ cùng với trẻ.
Lên ba tuổi, bé đã khôn ngoan hơn nhiều so với những ngày còn chập chững biết đi hay đang bập bẹ tập nói. Ở độ tuổi này, trẻ thừa khả năng để đạt được mọi thứ mà chúng mong muốn. Chúng thông minh tới nỗi có thể hiểu thấu tâm lý người lớn. Sau đó, trẻ dùng những biện pháp nhõng nhẽo, hờn giận, cáu gắt, ăn vạ… để “đo” phản ứng của người nhà.
Ngày trước, bố mẹ cháu cũng sợ rúm người mỗi khi nghe thấy tiếng cháu “thét” ra lửa. Nhưng bây giờ, chuyện đó với mẹ cháu thì “xưa rồi Diễm ơi”. Mẹ cháu đã dùng cách gì mà hay vậy?
Hãy “bơ” khi con lăn lộn ở ngoài phố để gây sự chú ý của người đi đường
Lần ấy, cháu được bố mẹ cho đi chơi ở trung tâm thương mại. Cháu chơi thú nhún, vào nhà bóng, câu cá… Trò nào cháu cũng thích mê. Thế rồi đến giờ về, cháu gào khóc không chịu đi vì muốn ở lại chơi tiếp. Bố mẹ cháu dỗ dành mãi nhưng cháu nằng nặc không chịu về. Bố phải bế cháu trong tư thế cháu vừa giãy giụa, vừa gào khóc để rồi mãi mới xuống được tầng một. Bố mệt đứt hơi, cằn nhằn rồi xuống hầm lấy xe, để cho mẹ cháu tiếp tục khổ sở một mình đối phó với cháu.
Nào con, đứng dậy đi về đi không bố đang chờ ngoài kia kìa, mẹ cháu dỗ dành.
Không về đâu, cháu gào lên ầm ĩ rồi nước mắt nước mũi tuôn ra như suối.
Đứng ở sảnh trung tâm thương mại, mẹ cháu xấu hổ muốn độn thổ. Bao nhiêu người đang dừng lại, chỉ trỏ, hết nhìn cháu rồi lại nhìn mẹ cháu.
Cơn giận quẹt ngang người: Chí Phèo với mẹ à. Đừng hòng. Thử xem lần này mẹ thắng hay con thắng.
Mấy người lớn dừng lại góp ý: Bế cháu lên đi kìa, ai lại để nó nằm dài ra sàn thế kia, bẩn hết cả quần áo. Nó khóc nhiều quá rồi lại ho ra đấy.
Mặc kệ những tiếng xì xào bên ngoài, mẹ cháu bắt đầu chiến thuật mới: Thế mẹ về vậy nhé, con ở đây chơi mà không có tiền thì người ta cũng không cho vào đâu. Ngoan thì đứng dậy về cùng mẹ, không thì cứ nằm ra sàn ngủ trưa cho mát. Cùng lắm là đến tối mẹ sẽ quay lại đón con.
Mẹ bước đi chậm rãi (thực ra là cố tình bước chậm để xem phản ứng của con). Con đang khóc to, vậy mà ngưng luôn lại khi thấy mẹ rời bước. Tất nhiên rồi, tuổi lên ba vẫn non gan thỏ đế, vẫn không thể ở một mình ngoài đường, vẫn luôn muốn dính chặt bố mẹ. Và nếu các phụ huynh vì sợ những chiêu trò của bé mà nhượng bộ, những chiêu trò ấy sẽ mãi không thể chấm dứt.
Cho bé hiểu bé sẽ “mất” nhiều hơn “được” nếu cứ làm theo ý mình
Tới lúc con chịu ngồi lên xe máy, mẹ cháu mới vỗ về: Con của mẹ như thế mới ngoan, lần sau mẹ mới cho đi chơi tiếp. Con xem, con khóc như thế thì mệt con chứ bố mẹ có mệt gì đâu, con lăn ra sàn thì quần áo con bẩn chứ quần áo bố mẹ vẫn sạch chán. Nếu con nghe lần bố mẹ còn cho con đi chơi tiếp. Bằng không thì cứ ở nhà thôi. Bố mẹ vừa được ở nhà xem TV, vừa tiết kiệm được bao nhiêu thời gian, tiền bạc vì không phải đưa con đi chơi. Con thấy không, người thiệt thòi bao giờ cũng là con, chứ không phải bố mẹ.
Con mếu máo thì thào trên xe: Lần sau con sẽ không thế nữa ạ.
Dứt khoát, kiên quyết…
Vì giỏi đoán phản ứng của người lớn nên bé sẽ biết được làm cách nào để người lớn chiều theo ý mình. Nếu thấy người lớn sợ, bé càng được thể càng lấn lướt, nhưng nếu nhìn thấy người lớn kiên quyết, giữ vững lập trường dù bé giở chiêu trò gì, trẻ sẽ nhanh chóng “phục tùng” và buộc phải nghe lời bố mẹ. Nên nhớ rằng, ở độ tuổi lên ba, trẻ chưa thể độc lập một mình, vẫn phải phụ thuộc vào bố mẹ. Tâm lý trẻ ở độ tuổi này vẫn sợ khi bố mẹ bỏ đi. Vì thế nếu bạn kiên quyết, trẻ sẽ không thể tiếp tục phản ứng mạnh mẽ vì sợ bị bỏ rơi.
… nhưng đừng quên sự mềm mỏng
Mọi em bé đều ưa sự dịu dàng, con gái của tôi cũng không ngoại lệ. Trước giờ đi chơi, cháu tự chọn cho mình một chiếc váy dài có đăng ten. Tôi bảo với con: Trời nóng thế này, con mặc váy khác vải cotton hoặc lanh cho mát. Váy này tuy điệu đà nhưng là vải pha, con lại chạy nhảy nhiều, mặc một lúc là mồ hôi tứa ra không thoát đi đâu được. Con tôi phụng phịu: Nhưng con thích…
Chồng tôi chờ lâu sốt ruột bèn chạy vào thúc giục: Con nghe mẹ thay váy nhanh lên. Nhõng nhẽo lắm là ở nhà. Con bé nghe thấy thế, bỗng nhiên tủi thân chảy nước mắt rồi phụng phịu tỏ ý thà ở nhà chứ không thèm đi với bố mẹ nữa. Trong lúc thời gian cấp bách, tất nhiên là tôi phải đóng vai một bà tiên rồi vỗ về bé: Bố buồn cười thật đấy, ai lại nhanh nhảu vào đây rồi nặng lời với con gái. Chẳng qua là con không biết chiếc váy này nóng nên mới mặc thôi, chứ bây giờ biết rồi, bố mẹ bảo con thay thì con phải thay chứ, mặc tiếp làm gì để ốm người ra cho nó khổ, con nhỉ?
Con vừa sụt sịt vừa gật gật đầu. Mẹ nhân cơ hội này giúp con cởi chiếc váy đang mặc và thay chiếc váy mới. Đấy, thay váy này ra có phải mát mẻ, dễ chịu hơn rồi không, còn chiếc váy ren, mình để dành đến hôm nào mát mới mặc nhé. Con gái ôm cổ tôi vì tìm thấy sự đồng cảm. Vậy là xong phần thay áo cho con mà không làm phật ý bé.
Ở tuổi lên ba, trẻ đang phát triển về tâm lý, thể chất lẫn cảm xúc. Lúc này trẻ đã có những hiểu biết nhất định nên luôn muốn làm mọi việc theo ý mình. Trong những trường hợp trẻ cáu giận, nhõng nhẽo hay ăn vạ, người lớn trước hết cần phải bình tĩnh xử lý chứ không được lao theo vòng quay giận dữ cùng với trẻ. Sau đó, hãy đưa ra những quyết định và đừng có nhượng bộ. Song song với điều này, hãy chơi trò vừa “đấm”, vừa “xoa” để bé không cảm thấy bị tủi thân hoặc bị bỏ rơi. Giận dữ, quát nạt hoặc luôn thuận theo ý trẻ không bao giờ là cách lý tưởng để “điều trị” những em bé tuổi lên ba bướng bỉnh và lắm chiêu.
+ Xem thêm:
30 KỸ NĂNG BẤT CỨ NGƯỜI MẸ NÀO CŨNG MUỐN DẠY CHO CON