Hãy Cùng Tìm Hiểu Về Những Quan Điểm Kiêng Cữ Mà Mẹ Hay Mắc Phải

  4082

Đa phần những quan niệm ở cữ này đều không có cơ sở khoa học nên gây hoang mang cho một số sản phụ. Hãy cùng tìm hiểu về những quan điểm kiêng cữ này và phân tích những điều sai lầm để các sản phụ không còn hoang mang nữa nhé!

Hầu hết các mẹ sau ca sinh nở sẽ phải trải qua một giai đoạn mà dân gian gọi là “ở cữ”. Giai đoạn này có thể diễn ra trong một tháng hoặc kéo dài đến cả 3 tháng 10 ngày. Trong những ngày ở cữ, thông thường chị em sẽ phải kiêng khem rất nhiều thứ như kiêng gió, kiêng nước, kiêng đi lại… Đa phần những quan niệm này đều không có cơ sở khoa học nên gây hoang mang cho một số sản phụ. Một số người khác lại rất tín nhiệm, tin theo và hậu quả là ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của cả mẹ và trẻ sơ sinh.

Hãy cùng tìm hiểu về những quan điểm kiêng cữ này và phân tích những điều sai lầm để các sản phụ không còn hoang mang nữa nhé!

Kiêng tắm gội

Chị Kim Hoa (Từ Liêm, Hà Nội) vừa sinh em bé đầu lòng được hơn 1 tháng kể: “Vì mình sinh con đầu lòng nên chẳng có chút kiến thức gì về việc ở cữ. Cũng may là mình ở cùng mẹ chồng nên được bà chăm sóc cho từ A đến Z. Nghĩ mẹ có kinh nghiệm rồi nên tất tật mọi thứ mình đều nghe theo lời mẹ. Ấy thế mà cũng chỉ vì vậy hai mẹ con mình phải nhập viện. Từ ngày ở bệnh viện về mẹ bắt mình kiêng khem hoàn toàn với gió và nước. Cả một tháng trời, hai mẹ con cứ nằm liệt trong phòng mà phòng mình thì rất bí. Bà cũng không cho mình bật điều hòa hay dùng quạt điện. Mẹ chỉ đưa cho mình một chiếc quạt giấy bảo khi nào nóng quá thì phe phẩy thôi. Mình sinh vào đầu tháng 10 nhưng tiết trời vẫn còn nóng lắm, đã thế còn bị nực sữa nên lúc nào mồ hôi cũng chảy ướt đầm. Mỗi lần cho con bú như cực hình. Thế mà mẹ chồng vẫn quyết tâm bắt mình kiêng tắm gội 1 tháng. Chưa đầy 1 tháng thì da mình bắt đầu nổi mẩm rồi sau đó ngứa ngáy kinh khủng. Khi vào viện khám, mình được bác sĩ chẩn đoán bị viêm da do lâu ngày không tắm gội”.

Trường hợp như chị Hoa không phải là hiếm. Các mẹ cần biết rằng sau các sinh nở, sự trao đổi chất trong cơ thể tăng mạnh lại thêm bầu ngực tiết sữa và sản dịch tiết ra từ âm hộ nên nếu không tắm rửa thường xuyên sẽ rất dễ gây viêm nhiễm da đặc biệt là núi đôi và vùng kín. Vì vậy, ngay sau sinh, mẹ nên vệ sinh vùng kín và ngực bằng nước ấm. Mẹ cũng cần giữ vệ sinh sạch sẽ, chăm thay quần áo. Những ngày đầu sau sinh, chị em có thể dùng nước ấm rửa mặt lau người. Một tuần sau là có thể tắm rửa, gội đầu. Các mẹ chỉ cần lưu ý không tắm bồn vì có thể gây viêm nhiễm do sản dịch vẫn còn, khi tắm nên tắm nhanh, tắm nước ấm và tránh gió lùa là được.

Kiêng đi lại

Các mẹ xưa thường truyền tai nhau rằng, sau sinh nở không nên đi lại, vận động sớm vì sẽ khiến tử cung bị sa xuống. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Sau khi sinh nở, chị nên nên sớm xuống giường và đi lại nhẹ nhàng càng sớm càng tốt. Việc này sẽ rất tốt cho sự tuần hoàn máu, giúp sản dịch dễ dàng thải ra ngoài và không bị bế tắc sản dịch. Vận động nhẹ nhàng cũng giúp các cơ mau chóng lấy lại độ đàn hồi. Chính việc vận động này sẽ giúp chống sa dạ con, sa trực tràng hay bàng quang. Đối với chị em đẻ thường có thể vận động ngay 6 giờ sau sinh còn các mẹ đẻ mổ thì cần ngồi dậy tập đi trước 24 giờ.

Kiêng gió

Theo quan niệm kiêng cữ ngày xưa, sản phụ sau sinh phải kiêng gió để tránh bị lạnh chân tay. Chị em ở cữ thường được nằm trong phòng kín mít, mặc quần áo dài tay, đầu đội khăn, tai đút bông, chân đi tất… Tuy nhiên theo các chuyên gia khoa sản, điều này không thực sự cần thiết.

Chính việc kiêng gió, nước sẽ khiến chị em bị viêm nhiễm hệ sinh dục, nhiễm khuẩn ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của cả hai mẹ con. Sản phụ ở trong phòng kín mít không được vệ sinh để phòng thông thoáng cũng khiến không khí trong phòng bị ô nhiễm, dễ gây viêm đường hô hấp cho trẻ sơ sinh.

Kiêng ăn uống

Sau ca sinh nở, chị Đ.C (Ninh Bình) được một phen tá hỏa vì mẹ chồng chỉ cho ăn canh rau ngót và thịt kho suốt cả tháng trời. Mẹ chị còn không cho chị uống nhiều nước vì sợ sổ bụng. Chị than thở:“Tưởng về quê chồng để sẽ được chiều chuộng thế nào ai ngờ như đi đầy. Cả tháng trời, mẹ chồng chỉ làm món luộc hoặc nấu canh rau ngót và thịt kho nghệ cho mình ăn. Ăn được 2 tuần mình đã chán ngấy, có ngỏ lời với mẹ thì mẹ bảo ăn thế này để em bé không bị đau bụng. Mình đành ngậm ngùi vì con. Mẹ chồng còn không cho mình uống nhiều nước bởi theo bà uống nước sẽ khiến sản phụ bị sổ bụng. Một tháng ăn kiêng khem khiến nguồn sữa của mình ngày càng ít đi, chẳng đủ cho con bú mặc dù tuần đầu mới sinh mình khá nhiều sữa. Mình đã phải nhờ đến sự can thiệp của bác sĩ mẹ chồng mới chịu đổi món cho mình. Cũng may là mình “cứu” được nguồn sữa nuôi con”.

Ở rất nhiều nơi có quan niệm khá chặt chẽ trong việc ăn uống sau sinh. Sản phụ thường chỉ được ăn đồ ăn mặn và không được ăn bất cứ đồ tanh nào như tôm, cá và các loại hải sản khác. Tuy nhiên các mẹ cần biết rằng giai đoạn này sản phụ cần bổ sung những thức ăn giàu dinh dưỡng, bữa chính và bữa phụ đều phải đa dạng, nếu không sẽ không có lợi cho sự tiết sữa.

Một số người còn cho rằng thời gian ở cữ người mẹ dễ nhiễm lạnh, không thích hợp ăn hoa quả, dễ làm tổn thương dạ dày đường ruột. Một số bà mẹ sợ nhiễm lạnh vào cơ thể, liền dùng lò vi sóng sấy hoa quả cho nóng, phương pháp này không hoàn toàn khoa học. Hoa quả chứa nhiều vitamin và nguyên tố vi lượng tốt cho cơ thể. Ngoại trừ sau khi sinh 3 – 4 ngày không được ăn hoa quả mang tính lạnh như lê, dưa hấu; thời gian ở cữ mỗi ngày nên ăn từ 2 – 3 quả tươi, không cần phải thêm hơi nóng vì dễ oxy hóa vitamin và ảnh hưởng đến thành phần dinh dưỡng.

Chị em sau sinh bị mất lượng nước lớn trong cơ thể do quá trình vượt cạn vất vả. Vì vậy các mẹ cần uống nhiều nước. Việc uống đủ nước cũng rất cần thiết để nguồn sữa mẹ ra đều và nhiều.

Nằm than

Ngay cả ở thời hiện đại, nhiều người vẫn cho rằng, khi cả hai mẹ con từ bệnh viện về nhà, thì cần phải có một bếp than dưới giường để đảm bảo sức khỏe, đồng thời sẽ hạn chế được những không khí không tốt. Thực tế đây là một trong những thói quen sai lầm trầm trọng.

Các bác sĩ cho biết, trong khói than có chứa rất nhiều khí CO2, ảnh hưởng xấu đến đường hô hấp của cả mẹ và bé. Ngoài ra, da em bé còn non nớt, than nóng sẽ làm bé bị bỏng, hoặc nhẹ cũng sẽ bị nổi rôm sảy. Hơn thế nữa, đối với những bé sinh mổ, nằm than sẽ khiến chất đàm nhớt bên trong vốn chưa được tống ra trong quá trình chuyển dạ bị khô cứng lại, bé sẽ dễ bị bệnh đường hô hấp và hay mắc lại.

Gọi sữa về bằng… nước tiểu

Chị Thanh Hà (Nam Định) kể lại câu chuyện ở cữ của mình: “Mình làm ở Hà Nội nhưng đến lúc sinh nở thì về quê để tiện bà nội, bà ngoại chăm sóc. Những ngày ở cữ, ngày nào mẹ mình cũng nấu cho mình một ấm nước lá sản để uống. Hồi đó mình cũng không hiểu sau ngày nào mẹ cũng tích trữ nước tiểu của bé vào trong chai. Sau 2 tuần, mình hỏi mẹ thì mẹ bảo để nấu cũng nước lá sản cho mình uống. Mình được một phen hoảng hốt. Từ đó mình không bao giờ dám uống nước đó nữa. cũng may là mình chưa bị sao cả.”

Rất nhiều bà mẹ phải uống nước tiểu của con với quan niệm để gọi sữa về và không bị hậu sản. Đây là một trong những kinh nghiệm dân gian truyền miệng rất sai lầm. Nước tiểu là sản phẩm dư thừa được cơ thể đào thải ra ngoài. Tuyệt đối không nên uống nước tiểu.

Ở nhiều vùng miền, chị em còn uống nước chè, nước đường đỏ. Việc uống nước nhiều sau sinh là cần thiết nhưng trong nước chè có chứa tanin gây hạn chế hấp thu sắt, dễ gây thiếu máu sau sinh. Ngoài ra trong chè còn có caffein khiến mẹ khó ngủ, ảnh hưởng đến sự hồi phục của cơ thể. Caffein qua sữa mẹ khiến bé hay quấy khóc.

Một số mẹ lại cảm thấy sau khi sinh nguyên khí tổn thất, ăn nhiều đường đỏ có thể bổ dưỡng cơ thể. Đường đỏ bổ máu, kiện tỳ, trị phong hàn, hoạt huyết tiêu bầm… Tuy nhiên uống quá nhiều nước đường không chỉ ảnh hưởng đến răng mà còn dễ gây ra nhiều mồ hôi, làm thể trạng ngày càng yếu. Sản phụ sau khi sinh chỉ nên uống nước đường đỏ trong khoảng thời gian từ 5-7ngày là đủ và cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

+ Xem thêm:

BÀI CHỮA MẸO DÂN GIAN ĐỂ CÓ NHIỀU SỮA MẸ CỰC HIỆU QUẢ

SỰ THẬT ĐẮNG LÒNG VỀ CUỘC SỐNG CỦA BA MẸ SAU KHI CÓ CON


Nguồn bài viết: sưu tầm
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: