Dạy Con Biết Nhai và Tự Xúc Ăn Siêu Như Mẹ Việt ở Pháp

  3092

Cái được gọi là bí quyết để con biết nhai sớm có lẽ chị ít cho ăn cháo trong khẩu phần của con hàng ngày và tăng độ thô kịp thời nên Áo Hồng biết nhai rất sớm. Dưới đây là những cách chị hay làm:

Áo Hồng được mẹ tập cho ăn bắp ngô từ khi chưa... mọc răng. Và quan điểm của mẹ Áo Hồng khi cho con ăn là: Muốn con biết tự xúc ăn, hãy... "mặc kệ"! 
 

 

Mặc dù chưa tròn 1 tuổi nhưng Áo Hồng đã biết tự xúc ăn và nhai rất siêu. Tất cả bí quyết của mẹ Áo Hồng là: đừng quan tâm đến con quá!

Chào chị, chị nổi tiếng trên cộng đồng mạng Facebook với những công thức nấu ăn dặm cho con được nhiều mẹ rất ngưỡng mộ. Chị học được những bí quyết nấu ăn cho bé này từ đâu?

- Chào em, cảm ơn em đã quan tâm đến các món ăn chị nấu cho con gái chị. Nhưng chị không nổi tiếng đâu em, chị cũng như những người mẹ khác. Thích chia sẻ các món ăn lên Facebook để cho các mẹ có thể trao đổi học hỏi, thay đổi món ăn cho con thôi. Nghe em nói có nhiều mẹ ngưỡng mộ làm chị ngại quá! (Cười)

Chị mới làm mẹ lần đầu nên cũng còn vụng về nhiều lắm. Những kiến thức cơ bản về nấu ăn dặm cho bé chị được các bác sĩ dinh dưỡng nhi bên này hướng dẫn cơ bản, còn lại tự mình gia giảm.

Là một mẹ Việt sống và nuôi con ở Pháp, chị có thể chia sẻ với các mẹ ở Việt Nam cách mà các bà mẹ Pháp cho con ăn dặm?

Ở thành phố chị sống rất ít người Việt, nên chị cũng không biết rõ sự khác biệt giữa cách chăm sóc con của người Việt mình với người Pháp.

Nhưng ở Pháp nói chung, và Cannes - nơi chị sống nói riêng nếu trẻ được sinh vào khoảng tuần thứ 38 thì được gọi là sinh đủ tháng. Với những trẻ này bác sĩ nhi khuyên vào giai đoạn tròn 4 tháng bé có thể làm quen với những thức ăn khác ngoài sữa, hay còn gọi là ăn dặm.

Ở Pháp ăn dặm bước đầu tiên là rau củ, trái cây rồi từ từ mới đến tinh bột (mì, gạo...) và đạm (thịt/cá...). Ban đầu khi tập ăn cũng không cần ăn quá loãng và tăng độ thô của thức ăn lên từ từ theo từng tháng. Và khi trẻ tròn 1 tuổi là các mẹ có thể cho ăn được những thức ăn gần như của người lớn như mì, nui, cơm…

Profile:

Nick name của mẹ: Ba Lúa

Tên con: Lan Phương, nick name: Áo Hồng

Hiện tại gia đình đang sống ở Cannes (Pháp)

Ở Pháp ăn dặm bước đầu tiên là rau củ, trái cây rồi từ từ mới đến tinh bột (mì, gạo...) và đạm (thịt/cá...). Ban đầu khi tập ăn cũng không cần ăn quá loãng và tăng độ thô của thức ăn lên từ từ theo từng tháng. Và khi trẻ tròn 1 tuổi là các mẹ có thể cho ăn được những thức ăn gần như của người lớn như mì, nui, cơm…


Áo Hồng rất hào hứng với mỗi bữa ăn.

Chị áp dụng phương pháp ăn dặm nào cho Áo Hồng? Có nguyên tắc nào trong việc chế biến và cho con ăn dặm chị muốn chia sẻ với các mẹ ở Việt Nam?

Chị cũng không áp dụng triệt để theo phương pháp nào cả, nhưng nếu so ra có lẽ chị hơi nghiêng về cách hướng dẫn của bác sĩ ở đây. Tức là trong thực đơn của con lượng rau củ, trái cây sẽ ưu tiên hơn là tinh bột và đạm…. Còn về cách cho con ăn thì có lúc chị cho Áo Hồng tự ăn (ăn bốc); có khi lại xay thức ăn ra thành soup; có khi để nguyên sợi mì, nui; có khi cho con tự cầm thìa và tự cầm bình, ly uống nước từ rất sớm. Nói chung tùy bữa ăn, hoàn cảnh mà áp dụng cách cho con ăn. Có những hôm ở nhà rảnh rỗi thì chị nấu, còn hôm nào bận thì cho ăn đồ hộp mua sẵn hoặc cho ăn qua loa, bánh mì hay nui cũng xong bữa.

Cá nhân chị nghĩ và thấy các mẹ bên này rất quan tâm đến chuyện ăn uống của con nhưng không quá quan trọng nó. Thỉnh thoảng để cho trẻ đói một chút, bỏ một bữa hay ăn qua loa một tí cũng tốt vì như thế bé mới biết cảm giác đói và đến lúc ăn mới ngon miệng.


Áo Hồng được mẹ tập cho ăn bắp ngô từ khi chưa... mọc răng. Và quan điểm của mẹ Áo Hồng khi cho con ăn là: Muốn con biết tự xúc ăn, hãy... mặc kệ

Áo Hồng biết nhai và tự xúc từ khi chưa tròn 1 tuổi. Chị có bí quyết gì để rèn cho bé ăn "siêu" như vậy?

(Cười). Nghe em nhắc vụ tự xúc ăn và biết nhai sớm chị mới ngồi lại và để ý. Không siêu đâu em, chị hay tạo điều kiện để cho con tự xúc ăn vì mình còn phải nấu nướng hay làm việc gì đó khác. Cứ đến giờ ăn là chị cho con ngồi ghế ăn, mẹ bỏ đi rửa chén bát hoặc dọn dẹp nhà cửa, con cứ ngồi đó và từ từ tự cầm thìa xúc ăn. Dần dần Áo Hồng tự biết xúc ăn lúc nào không biết. Hoặc cũng có thể do Áo Hồng tập cầm nắm thức ăn từ sớm nên dễ cầm thìa cũng nên.

Chị Ba Lúa chia sẻ: "Món cho con tự cầm ăn nhiều nhất đó là bánh mì, và tập ăn từ khi 4-5 tháng tuổi. Áo Hồng cầm bánh cho vào miệng gặm ướt và nuốt".

Thời gian đầu khi tập ăn một mình con cũng làm vơi rớt tứ tung. Khi Áo Hồng gần 6 tháng tuổi, chuẩn bị mọc răng nên muốn ăn đồ cứng, chị đã cho con cái cắp ngô ngồi tự gặm rồi. Con ăn rơi rớt lung tung, dính lên cả đầu tóc. Rồi những món khác như bông cải xanh, hay cơm hạt thì dính đầy người. Còn khi bắt đầu tự cầm thìa thì xúc được thức ăn vào thìa, kê chưa đến miệng thì đã rớt xuống nền nhà.

Cái được gọi là bí quyết để con biết nhai sớm có lẽ chị ít cho ăn cháo trong khẩu phần của con hàng ngày và tăng độ thô kịp thời nên Áo Hồng biết nhai rất sớm. Dưới đây là những cách chị hay làm:

- Khi con mới tập ăn dặm, những bữa ra ngoài chơi chị luôn mang theo bánh quy hay mẩu bánh mì. Khi đó Áo Hồng chưa có răng và hầu như các trẻ bắt đầu cứng nướu và muốn nhai vật gì đó cứng. Bánh mì, bánh quy hay quả táo là thực phẩm dễ ăn nhất. Bánh mì chị không xé nhỏ mà để cả miêng to, con khi đó tay còn vụng lắm, chỉ quơ quơ và đưa vào miệng chưa chuẩn nên bánh to sẽ dễ hơn cho bé. Cũng như không sợ con nuốt một lần hết một miếng to. Bánh quy cũng vậy, chị chọn bánh cứng vừa, khi ngậm vào nước bọt sẽ làm bánh tan từ từ và khi còn mẫu nhỏ, con sẽ dùng nướu cắn gãy phần đó rồi nhấm nháp và nuốt. Táo hay lê thì cho 1/4 quả cho nhẹ, con dễ cầm và không sợ bị hóc so với từng mẫu nhỏ như ngón tay.


Một bữa tự ăn của Áo Hồng. Cô bé cứ hì hụi xử lý khẩu phần ăn của mình dưới sự quan sát từ xa của mẹ.

- Ý kiến riêng của chị về vấn đề tập nhai thì đơn giản. Các mẹ đừng quá lo lắng con sẽ hóc mà không cho con thử các món mới. Các mẹ có thể cho con ăn táo, ổi, lê... cả miếng (chắc chỉ có mẹ mìn như mình mới làm điều này); bánh mì, bánh quy… là các món cứng thì con sẽ có phản xạ nhai. Có thể ban đầu sẽ nhả ra nhưng vài lần con sẽ tự xử lý được thức ăn thô một cách dễ dàng.

- Mẹ có thể nấu các món như: khoai tây cắt vuông cờ, ghim vào nĩa nhỏ cho con tự cầm. Con sẽ thích thú ăn. Nếu bé lớn, thì chọn chén dĩa đẹp, bắt mắt cho bé thích.

- Phần quan trọng hơn là nên tập cho trẻ thói quen ăn trên bàn ăn cùng cả nhà. Con sẽ nhìn và tự làm theo như người lớn.

Chị tự nhận mình là một bà mẹ không đảm đang, cũng không siêng năng. Có hôm chị bỏ rất nhiều công sức chế biến đồ ăn cho con, có hôm chị cho Áo Hồng ăn đồ hộp, thậm chí có bữa còn cho nhịn... nhưng trộm vía Áo Hồng phát triển vẫn khá tốt. Phải chăng đây là phương pháp chăm con mà vẫn nhàn của chị?

Nói ra thì ngại, chứ nhà chị luôn có vài hộp đồ ăn sẵn trong bếp, phòng khi nào bận quá hay hôm đó lười không muốn nấu thì chỉ cần lấy đồ hộp ra cho con ăn, mẹ rảnh tay làm việc khác. Trộm vía Áo Hồng dễ ăn nên đồ hộp vẫn ăn ngon lành.

Còn có hôm nào chăm thì nấu nhiều món ăn, chụp ảnh làm kỉ niệm cũng như ghi lại món hôm đó con ăn có ngon hay không để lần sau nấu lại món đó.


Khẩu phần ăn một bữa trưa của Áo Hồng được mẹ chuẩn bị khá đẹp mắt.

Áo Hồng từ bé đã bị “bỏ bê” vì chỉ có một mình chị chăm là chủ yếu còn ba phải đi làm, nên nhiều khi tự ăn, tự ngủ và tự chơi khi mẹ bận nấu ăn, tắm giặt hay dọn dẹp nhà cửa. Con cũng thích ra ngoài chơi nên chị thường tranh thủ thời gian sáng cho con ra công viên chơi một lát. Gặp bạn bè ở công viên dần con dạn lắm. Chiều mùa hè thì hay cho con ra biển chơi, con rất thích.

Chị không quá khắt khe chuyện ăn ngủ hay chơi của con. Nắng hay lạnh gì cũng tranh thủ cho con ra ngoài hít thở không khí ngoài trời. Có hôm con cũng không ngủ trưa hay ăn trưa vì mê chơi với bạn, chị cũng để con chơi. Bữa sau bù vào cũng được.


Gần 2 tuổi, Áo Hồng đã có thể ăn cơm như người lớn.

Chuyện ăn chị cũng không ép vì chị nghĩ trẻ con cũng như người lớn, có hôm chán ăn hay có thời kỳ chán ăn nên con ăn ít đi. Miễn sao con khỏe, không có dấu hiệu bệnh là được.

Cũng vì chuyện quá dễ dãi trong việc ăn, ngủ của con mà khi về thăm ông bà ở Việt Nam, chị luôn bị ông bà mắng vì sao không ép con ăn nhiều vào cho con béo lên, cứ cho con chơi ngày đêm đến khi nào con đói, đòi ăn mới cho ăn hay buồn ngủ thì tự chạy vào phòng leo lên giường mà ngủ. Chắc nhiều mẹ ở Việt Nam cũng hay gặp phải vấn đề này, nhưng chị nghĩ những người làm mẹ thì nên tôn trọng con, tôn trọng ngay cả trong việc ăn uống.

Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!

+ Xem thêm:

CHẾ NGỰ NỔI LOẠN CỦA TRẺ TUỔI 2-3

BÍ QUYẾT XÓA MỜ RẠN DA SAU SINH TRONG 2 TUẦN BẰNG CÀ PHÊ


Nguồn bài viết: sưu tầm
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: