Chế Ngự Nổi Loạn Của Trẻ tuổi 2-3

  7061

Trẻ 2- 3 tuổi chưa có nhiều vốn từ nên không thể hiểu ngôn ngữ mắng mỏ. Trong khi đó, chúng lại rất hay ăn vạ cũng như tò mò tìm hiểu những thứ nguy hiểm.

Nuôi dạy con tuổi 2-3 không dễ vì trẻ còn quá bé để có thể hiểu ngôn ngữ mắng mỏ của cha mẹ. Thậm chí, khi bị cha mẹ mắng, trẻ còn có thể nghĩ rằng đang được cha mẹ chơi cùng hay khen. Hơn nữa, ở tuổi này, trẻ đặc biệt thích ăn vạ, hơi một tí đã lăn ra khóc. Ban đầu chỉ khóc nhỏ thôi, sau to dần, rồi gào lên, nôn ọe và đủ thứ. Nhiều cha mẹ cũng phát rồ theo, bao nhiêu công lao nhồi nhét thức ăn đã đi tong. Đã thế, gặp những thứ cực kì nguy hiểm như ổ điện, quạt bàn, trẻ lại hào hứng khám phá. Cha mẹ phải đối xử với trẻ thế nào đây?

Không giáo huấn

Trước hết, cha mẹ cần nhớ, với trẻ 2-3 tuổi, mọi lời giáo huấn đều vô giá trị. Bởi vốn từ vựng và ngữ pháp của trẻ quá ít ỏi nên việc hiểu cả một đoạn hội thoại dài với từ ngữ phức tạp quả là vô cùng khó khăn. Thậm chí, với trẻ lớn hơn cũng thế, một đoạn giáo huấn đầy tính chính trị xã hội thực sự rất khó nghe và khó tiếp nhận. Chính vì vậy, cha mẹ hãy dừng lời giáo huấn lại ngay lập tức và hành động.

Bình tĩnh và kiên nhẫn

Trẻ bắt đầu khóc rồi, trẻ sắp gào và sắp nôn ói. Sau khi xác định rõ ràng rằng trẻ không đau, không đói, không gì cả, chỉ ăn vạ thôi, cha mẹ chỉ cần bình tĩnh và kiên nhẫn. Lời mắng mỏ sắp trào ra ngoài cần phải nuốt vào trong. Thay vì đó, có thể lấy cho trẻ một món đồ gì đó. Có thể lấy khăn, chậu, nước.... đặt xung quanh trẻ và bỏ ra một góc. Cha mẹ có thể ngồi gần chỗ trẻ để ứng cứu nếu có gì nghiêm trọng hơn xảy ra (nhiều bé bị hen chẳng hạn). 


Trẻ 2- 3 tuổi khóc chủ yếu để "nắn gân" cha mẹ.

Cha mẹ có thể làm việc riêng của mình. Ngồi nghe nhạc là hợp lý và thú vị nhất. Tai nghe cắm một bên vào tai, một bên thì không vì vẫn cần lắng nghe động tĩnh từ con trẻ. Thái độ cha mẹ cần có là phải cực kỳ bình thản và vui vẻ. Điều đó cũng có nghĩa là lờ tịt trẻ đi.

Khi trẻ ăn vạ, nó không nghĩ gì nhiều cả, nó chỉ nắn gân cha mẹ bằng màn kịch vô cùng hoàn hảo. Với cha mẹ kém bản lĩnh, sợ con ốm, sợ con nôn, sợ xấu hổ với xóm làng thì rõ ràng màn kịch này của trẻ cực kỳ hiệu quả. 

Vì thế, cha mẹ phải bản lĩnh hơn nhiều. "Ốm à - không sợ nhá, nôn à - nôn đi... xấu hổ à - xấu mãi rồi nhé... Cứ gào đi, gào thật to vào, tôi chả quan tâm đâu". Cha mẹ càng bình thản bao nhiêu, cơn giận hờn càng nhanh chóng tắt ngấm bấy nhiêu.

Bởi vì trẻ thực sự không cần khóc. Trẻ đâu có đau mà khóc, nó chỉ ăn vạ thôi. Trẻ ăn vạ để nắn gân cha mẹ nên nếu nó thấy khán giả không hào hứng với màn kịch hoàn hảo, rằng kẻ đáng bị đánh lừa đã hoàn toàn không có vẻ gì là bị lừa cả, nó sẽ thôi ngay. Cơn hờn dỗi sẽ tịt dần và tắt ngấm.

Bình thường hóa mọi chuyện

Sau khi trẻ đã hết cơn ăn vạ, cha mẹ cần nhớ là tuyệt đối không rao giảng đạo đức. Bởi cha mẹ nói thì trẻ sẽ hiểu ngay ra là cha mẹ cũng sợ cơn ăn vạ của mình lắm đây. Lần sau, trẻ sẽ gào to hơn để cha mẹ sợ. Vì thế, cha mẹ phải tuyệt đối không nói năng gì cả mà phải bình thường hóa quan hệ.

Nếu cha mẹ tỏ ra như không có gì vừa xảy ra, mọi thứ bình thường thì con sẽ hiểu ngay là cha mẹ tuyệt đối không sợ màn kịch của mình. Sau độ 2, 3 lần nắn gân thử lại mà kết quả vẫn thế thì con sẽ chấm dứt màn kịch đó để đi tìm chiêu trò khác.

Nếu con ăn vạ ở ngoài đường, siêu thị... để đòi mua cái gì đó thì việc cần làm là lờ đi và bỏ đi. Đảm bảo con sẽ chạy theo vì sợ. Nó sẽ không ăn vạ nữa vì biết sự thể không thay đổi gì và món hàng nó muốn cũng không thể về tay vì thái độ dứt khoát của cha mẹ.

Hãy làm cho con sợ khi nghịch đồ nguy hiểm

Nếu con đút tay vào ổ điện, mọi lời trách mắng cũng chỉ khiến trẻ hiểu rằng: cha mẹ cũng thích ổ điện như nó. Vì thế, việc cần làm là khiến cho con sợ cái ổ điện giống như mình đang sợ đây. Cha mẹ cần ngay lập tức cầm tay con lên, giật nhẹ rồi nhét thẳng vào.... cái ổ điện đó (dĩ nhiên là phải cách xa cả mét rồi). Theo phản xạ, trẻ sẽ giật tay lại và khóc. Nếu cha mẹ cũng gào to hơn nữa thì tiếng động đó còn làm trẻ sợ và khóc to hơn.

Sau vài phút, hãy ôm con vào lòng và dỗ dành. Nó sẽ ngưng khóc nhưng cũng đủ sợ cái ổ điện đó để không khám phá nữa. Công thức này đúng với mọi đồ vật nguy hiểm các bố mẹ nhé.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương

Giảng viên khoa Tiểu học - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

+ Xem thêm:

TRẺ SƠ SINH DỄ BỊ "HỞ RUỘT" VÌ SỮA CÔNG THỨC

DẤU HIỆU BÉ BỊ RÔM SẢY NẶNG CẦN GẶP BÁC SĨ


Nguồn bài viết: doisong.vnexpress.net
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: