Chọn Đồ Chơi Không Nhiễm Độc Chì Tránh Tổn Thương Não Cho Bé

  5427

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có khoảng 600.000 trẻ nhỏ bị thiểu năng trí tuệ do nhiễm độc chì

Mức độ hấp thụ chì ở trẻ nhanh và cao gấp 3-4 lần người lớn, hậu quả nhiễm độc chì cũng nghiêm trọng hơn nhiều, nên bố mẹ nào cũng cần lưu ý cho con:

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có khoảng 600.000 trẻ nhỏ bị thiểu năng trí tuệ do nhiễm độc chì, trong đó hầu hết xảy ra ở các nước có mức thu nhập trung bình hoặc thấp. Hậu quả này có thể đến từ môi trường ô nhiễm, vật dụng và thức ăn không đảm bảo, và đặc biệt từ việc các bé thường xuyên gặm, cắn đồ chơi có chứa sơn độc hại, xuất xứ không rõ ràng… trong khi cơ thể vẫn chưa đủ phát triển hoàn thiện và khả năng thải độc kém. 

Chì dù là kim loại tự nhiên nhưng khá độc hại cho sức khỏe, đặc biệt là với sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ. Theo Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai, chì khi tích tụ trong mô mềm và xương sẽ gây tổn thương hệ thần kinh, kiềm chế quá trình tạo năng lượng cho cơ thể, gây thiếu máu, giảm hồng cầu, tổn thương thận, rối loạn nội tiết, rối loạn hành vi... Khi thấy ở con mình những dấu hiệu này, phụ huynh cần lập tức đưa con đi khám chữa. 


Dù vậy, thường thì những biểu hiện sẽ chỉ rõ ràng để nhận biết khi bé đã bị nhiễm độc chì một thời gian dài nên lúc nào cũng vậy, phòng bệnh luôn hơn chữa bệnh, hãy bảo vệ môi trường sống của con và chú ý khi chọn mua đồ chơi cho bé - lưu ý thật kỹ đến xuất xứ và màu sắc của món đồ chơi này. Do có thể kết hợp với nhiều kim loại, hợp chất khác để tạo màu sắc nên chì thường được sử dụng để pha sơn, chất tạo màu. Đồ chơi có màu sắc càng bắt mắt, nguy cơ càng cao. 

Theo nhiều nghiên cứu, tỉ lệ nhiễm chì ở những món đồ chơi có xuất xứ không rõ ràng là rất lớn. Rất nhiều loại đồ chơi có xuất xứ Trung Quốc bị rơi vào số này, thậm chí cả những sản phẩm gia công sản xuất cho thương hiệu nổi tiếng. Chẳng hạn trước đây, Fisher-Price đã phải thu hồi 1,5 triệu sản phẩm sử dụng sơn chứa quá nhiều chì. Trước đó, tập đoàn đồ chơi RC2 cũng phải thu hồi sản phẩm vì cùng lý do. Kiểm nghiệm bằng tia X của Tổ chức Hoà bình Xanh với 500 mẫu đồ chơi bán ở Trung Quốc cũng cho thấy 1/3 số sản phẩm bị nhiễm chì, thậm chí có sản phẩm chứa vượt gấp 1.200 lần mức cho phép; với hàm lượng cao như vậy, trẻ em không chỉ bị nhiễm độc chì khi ngậm hay chạm vào đồ chơi mà còn có thể nhiễm qua đường không khí và bị tổn thương vĩnh viễn.
Đây là những con số vô cùng đáng sợ với các bậc phụ huynh, khi đồ chơi Trung Quốc thường có mẫu mã đa dạng, màu sắc cực kỳ bắt mắt, đã vậy còn phủ sóng rộng khắp ở rất nhiều nơi, dễ lọt vào tầm mắt của trẻ nhỏ và bé sẽ đòi mua. Và với mức giá phải chăng, rất nhiều bố mẹ sẽ dễ dàng đầu hàng yêu cầu ấy.

Tuy nhiên, để tránh nguy hại cho con mình, người lớn chúng ta cần cương quyết hơn:

- Dè chừng, không nên mua những món đồ chơi rẻ tiền có màu sắc sặc sỡ kể cả khi con có đòi;
- Luôn lựa chọn sản phẩm từ nhãn hiệu uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tất nhiên kể cả nhãn hiệu uy tín cũng không bảo đảm được 100% độ an toàn của sản phẩm, nhưng với tỷ lệ nhỏ hơn nhiều so với sản phẩm trôi nổi, ngoài ra còn có những động thái thu hồi và giải quyết nếu chẳng may có khủng hoảng;
- Không nên để con ngậm bóng bay hoặc những món đồ chơi sặc sỡ, nếu thấy tình trạng thôi màu chứng tỏ chất lượng không đảm bảo cần bỏ ngay;


- Không nên cho con chơi lại những món đồ chơi "truyền đời", xưa cũ, được tạo ra từ thời mà vấn đề an toàn vẫn chưa được xem trọng trong sản xuất đồ chơi, nhất là khi chúng đã bong tróc sơn;
- Và bên cạnh việc lựa chọn đồ chơi kỹ càng, bố mẹ nên dành nhiều thời gian hơn để chơi với con, tự làm những món đồ chơi an toàn, bày cho con trò chơi sáng tạo, cho bé được hoạt động ở ngoài trời thay vì cả ngày một mình phụ thuộc vào đồ chơi nhé!

+ Xem thêm:

MẸO LÀM SẠCH ĐỒ CHƠI CHO BÉ NHANH CHÓNG

CẢNH GIÁC: BÉ TRAI TỬ VONG VÌ ĐỒ CHƠI TRUNG QUỐC


Nguồn bài viết: afamily
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: