Tinh hoàn ẩn là một bệnh lý khá phổ biến ở trẻ trai. Tuy không gây đau đớn nhưng bệnh gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng như vô sinh, ung thư nếu không được kịp thời phát hiện.
1. Bệnh tinh hoàn ẩn ở bé trai
Tinh hoàn ẩn (còn gọi là tinh hoàn chưa xuống hoặc vắng tinh hoàn) là hiện tượng không bình thường đối với bé trai.
Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân cho biết, tinh hoàn xuất phát từ nguyên thủy là trong ổ bụng.
Khi thai nhi được 8- 28 tuần tuổi, tinh hoàn di chuyển từ trong ổ bụng xuống bìu. Những bất thường khiến chúng ngừng di chuyển có thể gây ra bệnh lý tinh hoàn ẩn.
Đây là một bệnh lý gặp khá phổ biến ở trẻ trai. Bệnh mắc với tỷ lệ 3% ở trẻ sinh ra đủ tháng, 30% ở trẻ sinh thiếu tháng.
Bệnh lý tinh hoàn ẩn dẫn đến nguy cơ ung thư tinh hoàn.
2. Hậu quả khôn lường của bệnh tinh hoàn ẩn
Bệnh tinh hoàn ẩn không gây đau đớn và không có dấu hiệu nhận biết, trừ khi cha mẹ kiểm tra bộ phận sinh dục của con và phát hiện ra thiếu tinh hoàn. Tuy nhiên, căn bệnh này để lại rất nhiều hậu quả nghiêm trọng.
- Ảnh hưởng đến chức năng sinh sản:
Nhiệt độ trong bìu thấp hơn nhiệt độ bình thường của cơ thể 1.5 - 2 độ. Đây chính là điều kiện cần thiết để tinh hoàn sản sinh ra tinh trùng.
Tinh hoàn ẩn nằm quá cao trong cơ thể không thể đạt được điều kiện nhiệt độ lý tưởng trên, vì vậy khả năng sinh tinh bị giảm sút, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, bệnh nhân tinh hoàn ẩn nếu được điều trị khi quá 15 tuổi, tỷ lệ có con tự nhiên chỉ còn 15%. Điều trị từ 9 - 12 tuổi, tỷ lệ có con tự nhiên là 30%, giữa 5 - 8 tuổi là 40%, giữa 2 - 3 tuổi là 50% và giữa 1 - 2 tuổi là 90%.
- Phát sinh ác tính:
Do sự thay đổi về môi trường và rối loạn chức năng phát triển bình thường, làm khả năng ác tính các tế bào tinh hoàn gây ung thư tinh hoàn cao hơn nhiều lần so với tinh hoàn bình thường.
Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng cho biết, bệnh lý tinh hoàn ẩn nếu để lớn mới phát hiện thì khả năng sinh tinh không còn nhưng bệnh nhân vẫn phải phẫu thuật vì người tinh hoàn ẩn có nguy cơ hóa ác (ung thư) gấp 10 lần người bình thường.
Kể cả khi bị tinh hoàn ẩn một bên thì tinh hoàn còn lại cũng có nguy cơ hóa ác đến 25%. Ngoài ra, tinh hoàn ẩn cũng có thể gây ra hiện tượng xoắn tinh hoàn, phải cắt bỏ nếu hoại tử, hay gây bất thường về cấu trúc thẩm mỹ của cơ quan sinh dục.
3. Cách phát hiện tinh hoàn ẩn
Bác sĩ Mai Tiến Dũng cho biết, cha mẹ phải là người thầy thuốc đầu tiên phát hiện sớm nhất những trường hợp bất thường ở cơ quan sinh dục của trẻ.
Có thể dễ dàng phát hiện bệnh lý tinh hoàn ẩn khi nhìn thấy túi bìu không cân đối, một bên trông bình thường và một bên nhỏ hoặc xẹp lép (ẩn tinh hoàn một bên) hoặc cả hai túi bìu nhỏ, xẹp.
Khi sờ vào bìu không thấy đủ hai tinh hoàn. Nắn vào bìu sẽ không thấy tinh hoàn ở 1 hoặc cả 2 bên. Có thể nắn thấy tinh hoàn ở ống bẹn.
Có trường hợp tinh hoàn lúc ở bìu, lúc bị co lên trên ống bẹn. Khi khám dùng ngón tay đẩy tinh hoàn xuống bìu được nhưng khi bỏ tay ra thì tinh hoàn lại bị kéo lên trên cao, ngoài túi bìu.
+ Xem thêm:
NHỮNG BẤT THƯỜNG Ở BỘ PHẬN SINH DỤC BÉ TRAI MÀ MẸ CẦN CHÚ Ý.
BÍ QUYẾT ĐỂ SINH ĐƯỢC CON TRAI: KHÓ... NHƯNG MÀ CỰC DỄ!