Cẩn Trọng Với Bệnh Viêm Màng Não Ở Trẻ

  6843

Viêm màng não là bệnh nhiễm trùng màng não do vi trùng hay virus gây nên. Bệnh này thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ mắc các bệnh về tai mũi họng.

        Viêm màng não là bệnh nhiễm trùng màng não do vi trùng hay virus gây nên. Bệnh này thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ mắc các bệnh về tai mũi họng.

Triệu chứng của bệnh

Bệnh này có thể xuất hiện rất nhanh ngay trong những ngày đầu hoặc sau một vài ngày trẻ sốt, ho, sổ mũi với các triệu chứng:

- Trẻ lớn: sốt cao, bỏ ăn, đau đầu, đau gáy, ăn kém, nôn ói…

- Trẻ nhỏ: sốt cao, bỏ bú, ngủ nhiều, khóc thét, nôn ói, cổ cứng…

- Nếu nặng, trẻ sẽ bị động kinh, co giật li bì, hôn mê…

- Nếu phát hiện muộn, việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ tử vong cao và có thể để lại nhiều di chứng. Nhẹ thì bị điếc, nghễnh ngãng hoặc giảm năng lực học tập… Nặng hơn, có thể giảm vận động, chậm phát triển trí tuệ, não úng thủy, áp – xe não, bại não…

Dấu hiệu nhận biết

Thể bệnh viêm màng não đơn thuần và điển hình thường xuất hiện nhanh, sốt cao 39 – 40oC. Trẻ ở trạng thái kích thích, vật vã, co giật cùng các biểu hiện rối loạn tri giác, thị giác như quấy khóc, mắt nhìn vô cảm, nôn trớ… Bệnh nhi sợ ánh sang nên thường nằm co người, quay mặt vào tường kèm các dấu hiệu như cứng gáy, kernig, vạch màng não dương tính, xuất huyết, xuất huyết ban, đôi khi xuất hiện chấm đen hoại tử ngoài da.

Ngoài ra, còn có loại viêm màng não phù nề kịch phát (viêm màng não mủ) với những biểu hiện sốt cao, kích thích, vật vã, mạch chậm, huyết áp dao động, rối loạn hô hấp, hôn mê… Nếu không phát hiện sớm nhằm xử lý nhanh và đúng thì tính mạng của trẻ dễ bị đe doạ. Vì vậy, khi nghi bị viêm màng não mủ, cần cho trẻ đến ngay bệnh viện để được hội chẩn, xét nghiệm nước não tủy và chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Phòng tránh bệnh

Bệnh viêm màng não do bất kỳ nguyên nhân nào đều diễn biến khôn lường vì khởi đầu, dễ nhầm với các bệnh khác như cảm cúm, viêm đường hô hấp trên… Do đó, bạn nên có các biện pháp tích cực nhất để phòng tránh bệnh cho trẻ.

- Khi trẻ bị viêm đường hô hấp (viêm đường hô hấp trên hay dưới) cần cho đi khám bệnh càng sớm càng tốt. Bạn không nên chủ quan khi thấy trẻ chỉ có vài triệu chứng nhẹ về đường hô hấp mà bỏ qua, sẽ rất nguy hiểm. Hàng ngày, cần vệ sinh họng, miệng và nhỏ nước muối sinh lý cho bé. Đối với trẻ lớn, hãy tập thói quen cho con tự vệ sinh họng, miệng bằng cách đánh răng sau bữa ăn, trước và sau khi ngủ dậy.

Nếu phát hiện trẻ mắc bệnh về đường hô hấp, cần cho trẻ điều trị dứt điểm theo hướng dẫn của bác sĩ. Tại những nơi đang có dịch hoặc có trẻ nghi mắc bệnh viêm màng não, cần cách ly và cho con bạn nghỉ học để tránh tiếp xúc với các bạn trong lớp. Vi khuẩn gây bệnh có thể lây qua nước bọt, chất nhầy trong họng do trẻ ho, hắt hơi hoặc nói bắn ra rồi dính vào tay chân,vật dụng, đồ chơi…và trực tiếp truyền sang trẻ chưa mắc bệnh. Bên cạnh đó, cần có chế độ dinh dưỡng tốt và giữ ấm cho trẻ.

- Chủ động và hữu hiệu nhất vẫn là dùng vaccin phòng bệnh viêm màng não. Trẻ em dưới 36 tháng cần được tiêm loại vaccin này để gây miễn dịch. Tất cả trẻ nhỏ đều có thể bị nhiễm Hib và nguy cơ mắc bệnh cao nhất là ở nhóm trẻ tại các nhà trẻ hoặc trường mẫu giáo. Vì thế, ngoài các biện pháp tăng cường vệ sinh cá nhân và môi trường sống đặc biệt vào thời điểm giao mùa, bạn cần tiêm vaccin viêm màng não mủ do Hib gây ra cho trẻ lúc 2 tháng, 3 tháng và 4 tháng tuổi. Sau đó, tiêm mũi thứ tư lúc trẻ từ 18 – 24 tháng tuổi.

+ Xem thêm:

DẤU HIỆU VIÊM NÃO NHẬT BẢN MẸ CẦN BIẾT

BÉ SỐT CAO CÓ NGUY CƠ VIÊM MÀNG NÃO


Nguồn bài viết: Theo SKĐS
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: