Cần Biết Về Vacxin Phế Cầu Ngừa Viêm Phổi, Viêm Tai Giữa , Viêm Màng Não

  12321

Phế cầu khuẩn có thể gây những bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng như: - Viêm phổi, viêm tai giữa - Nhiễm trùng huyết - Viêm màng não

Viêm phổi là bệnh phổ biến ảnh hưởng khoảng 450 triệu người trên khắp toàn cầu. Đây là căn bệnh gây tử vong ở mọi nhóm tuổi với số ca lên đến 4 triệu người, chiếm 7% dân số thế giới mỗi năm. Tỉ lệ này lớn nhất ở trẻ dưới 5 tuổi, và người già hơn 75 tuổi. Viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong hành đầu trong trẻ em ở các nước có thu nhập thấp. Nhiều trong số các ca tử vong này xảy ra trong thời kỳ sơ sinh. WHO ước tính cứ một trong 3 trẻ sơ sinh chết vì viêm phổi. Khoảng nửa trong số các ca tử vong này có thể ngăn chặn được, vì chúng có thể gây ra bởi vi khuẩn, nếu tác nhân này thì ta có thể dùng vắc-xin để giảm thiểu. Mời các bạn theo dõi bài viết sau để hiểu thêm về phế cầu khuẩn và vacxin phòng ngừa phế cầu khuẩn gây bệnh viêm phổi, viêm tai giữa ở trẻ nhỏ.

Bệnh phế cầu khuẩn là gì?

Bệnh phế cầu khuẩn do các vi khuẩn (mầm bệnh) gây ra có thể gây nhiễm trùng cho phổi (viêm phổi), cho máu (nhiễm trùng máu), và màng bao bọc não (viêm màng não). Bệnh thường có khả năng khởi phát vào mùa đông và mùa xuân, nhưng có những trường hợp là quanh năm. Các triệu chứng thông thường nhất là ớn lạnh, sốt, đau ngực, thở hổn hển, và ho nhiều. Nhiều người còn bị nôn mửa hay lên cơn động kinh. Hàng năm, tại Mỹ, có hàng ngàn người lớn tuổi bị tử vong do bệnh phế cầu khuẩn gây ra.

Phế cầu khuẩn có thể gây những bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng như:

- Viêm phổi, viêm tai giữa

- Nhiễm trùng huyết

- Viêm màng não

Mức độ nguy hiểm của bệnh nhiễm trùng do phế cầu khuẩn xâm lấn ở trẻ nhỏ

Phế cầu khuẩn (S. pneumoniae) là nguyên nhân hàng đầu gây ra những bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ như viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm phổi hay viêm tai giữa cấp v.v. ước tính nửa triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong mỗi năm trên toàn thế giới do phế cầu.

Những người mắc bệnh phế cầu khuẩn có tỷ lệ tử vong do viêm phổi là 5%, nhiễm trùng huyết  20%, và viêm màng não là 30%.

1/ Viêm màng não do phế cầu là bệnh lý đáng lo ngại ở trẻ nhỏ với 83% trường hợp thường xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Hậu quả của viêm màng não do phế cầu có thể rất trầm trọng: tỉ lệ tử vong tại các nước đang phát triển thuộc châu Á, châu Phi là trên 50% trong tổng số trẻ mắc bệnh, ngoài ra trong số xấp xỉ 30-50% có thể qua khỏi cơn nguy hiểm nhưng phải chịu đựng những di chứng lâu dài có thể gây tàn tật như bị điếc, mù, liệt, động kinh, chậm phát triển trí tuệ, trí nhớ kém, và bị chứng đau đầu kéo dài. Các triệu chứng của viêm màng não có thể bao gồm sốt cao, đau đầu, cứng cổ, khóc khi thay đổi tư thế, thóp phồng ở trẻ nhũ nhi, khóc thét, giảm trương lực cơ10.

2/ Viêm tai giữa là một trong những bệnh thường gặp nhất ở trẻ nhỏ. Trước năm 3 tuổi, ước tính có 80% trẻ em sẽ bị ít nhất một lần mắc bệnh viêm tai giữa, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 1 tuổi và hơn 1/3 trong số đó sẽ bị nhiễm trùng lặp đi lặp lại (3 lần hoặc nhiều hơn trong 1 năm), đôi khi phải phẫu thuật. Tỷ lệ trẻ mắc viêm tai giữa cao nhất là ở trẻ từ 6-18 tháng tuổi do vi khuẩn phế cầu khuẩn và vi khuẩn Haemophilus influenzae không định týp (NTHi) gây nên. Viêm tai giữa có nhiều loại khác nhau tùy thuộc vào triệu chứng, mức độ nghiêm trọng và thời gian. Viêm tai giữa xảy ra do vi khuẩn lây từ trẻ này sang trẻ khác ở nơi đông người như trường học, nhà trẻ, khu vui chơi, v.v. Triệu chứng thường thấy như có chất dịch trong tai giữa, đau, sốt, chảy mủ tai hoặc mất thính giác làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển ngôn ngữ, chậm và gây khó khăn trong học tập.

3/ Nhiễm trùng huyết do phế cầu là bệnh cực kỳ nguy hiểm gây tử vong khoảng 20% số ca mắc. Đây là tình trạng thứ phát phổ biến sau viêm phổi phế cầu, xuất hiện trên xấp xỉ  25% tổng số bệnh nhân. Triệu chứng bao gồm sốt, nhức đầu và đau nhức cơ và ho.

4/ Viêm phổi (nhiễm trùng đường hô hấp) là mối đe dọa lớn trên toàn thế giới, với gần 1 triệu ca tử vong hàng năm ở trẻ dưới 5 tuổi, chiếm 1/6 trên tổng số trường hợp tử vong ở độ tuổi này. Viêm phổi do phế cầu là một bệnh cực kỳ nguy hiểm, ước tính tỷ lệ tử vong khoảng từ 10% đến 20%, trên 50% ở trẻ nhỏ hoặc người già. Triệu chứng bệnh bao gồm ho nhiều, ớn lạnh, sốt cao, vã mồ hôi, thở nhanh, đau ngực, đau cơ, mệt mỏi và một cơn ho ra đờm; là những triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với cảm cúm thông thường nên dễ bị các bậc phụ huynh xem nhẹ.

Bệnh phế cầu khuẩn lây lan như thế nào? 

Mầm bệnh lây lan qua tiếp xúc với những người mắc bệnh phế cầu khuẩn hay có mầm bệnh trong cổ họng. Mầm bệnh gây bệnh có thể sống trong mũi và cổ họng của nhiều trẻ khỏe mạnh và người lớn mà không gây bệnh.

Ngăn ngừa, phòng bệnh phế cầu khuẩn như thế nào?

Các bệnh do phế cầu có thể phòng tránh được và theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêm chủng được xem là biện pháp chủ động, tiết kiệm và có tầm ảnh hưởng quan trọng giúp giảm số ca bệnh mắc mới do bị nhiễm phế cầu khuẩn. Chủng ngừa cho trẻ từ sớm sẽ giúp giảm thiểu tác hại của các căn bệnh do phế cầu gây ra.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Việt Nam là một trong 15 quốc gia chiếm 75% gánh nặng về viêm phổi trên toàn thế giới và cũng là môi trường có nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Ở Việt Nam hiện tại chỉ có một loại vắc xin phòng ngừa phế cầu khuẩn nhưng chỉ có tác dụng cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên, tác dụng không kéo dài và phải tiêm nhắc định kỳ (3 năm/lần). Chủng ngừa cho trẻ từ sớm là biện pháp hiệu quả để bảo vệ trẻ khỏi các bệnh do phế cầu”.

Theo tiến sĩ William Hausdorff, Trưởng bộ phận Thông tin khoa học và Sức khỏe cộng đồng GSK toàn cầu, loại vắc xin này được tập đoàn dược phẩm GSK nghiên cứu trong 15 năm, thử nghiệm lâm sàng ở nhiều quốc gia và được cấp phép sử dụng ở 120 quốc gia trên toàn thế giới. Đây là vắc xin đầu tiên ngừa phế cầu khuẩn có thể dùng cho trẻ dưới 2 tuổi ở Việt Nam.

Hiện Việt Nam có 2 loại:

– Loại 10 chủng (PCV10 – Synflorix): ngoài công dụng chính còn có công dụng phụ là ngừa viêm phổi, viêm tai giữa. Chích cho trẻ em 2 tháng – 5 tuổi (2-4 mũi tuỳ tuổi).

– Loại 23 chủng (PPSV23 – Pneumo23): không có công dụng phụ như trên, nhưng ngừa thêm được 13 chủng nữa, và rất hữu ích cho trẻ 2 tuổi – 5 tuổi (và trẻ hơn 5 tuổi có bệnh mạn tính, người lớn tuổi). Chỉ chích có 1 mũi, hiếm khi cần nhắc lại (trẻ có bệnh giảm miễn dịch hoặc khi về già mới chích nhắc).

Vậy nếu có khả năng thì nên chích cả hai, nhưng dưới 2 tuổi thì chích trước PCV10, còn sau 5 tuổi thì chỉ có thể chích PPSV23 thôi. Trong mọi trường hợp, mũi PPSV23 nên chích sau mũi PCV10 cuối cùng 6 tháng.

Trong tình hình vacxin khan hiếm, đôi khi tới tuổi của con có 2 – 3 loại vacxin cần chích mà 1 loại trong đó hết thuốc, các mẹ buộc phải chích vacxin khác trong lúc chờ. Thông thường các mẹ đều nghĩ các vacxin phải chích cách nhau 1 tháng, vậy nếu trong 1 tháng đó, bệnh viện lại có thuốc quan trọng mình cần như: 6 trong 1 hay 5 trong 1, vậy các mẹ phải làm sao?

Mời các mẹ theo dõi thêm bài viết: Các loại Vacxin có thể chích chung và chích riêng để xác định xem vacxin mình mới chích có thể chích chung với loại vacxin khác hay không mà kịp thời đưa bé đi chích ngừa trước khi hết thuốc nhé.

Hiểu biết về Vắc-xin phòng ngừa phế cầu khuẩn PPSV 23 [Pneumo 23 vaccine phong benh phe cau khuan]

Đối tượng nào nên tiêm phòng vắcxin PPSV ?

 – Người >65 tuổi

 – Người từ 2 đến 64 tuổi có kèm những vấn đề  về sức khỏe như :

Bệnh tim mạch

Bệnh phổi

Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm

Bệnh tiểu đường

Nghiện rượu

Bệnh gan mãn tính

Rò dịch não tủy hay cấy ốc tai

Người từ 2 đến 64 tuổi có uống thuốc làm giảm sức đề kháng của cơ thể như :

Sử dụng dài steroid

Thuốc trị ung thư

Xạ trị

Người từ 19 đến 64 tuổi có :

Hút thuốc

Hen suyễn

PPSV sẽ kém hiệu quả  ở những người có sức đề kháng thấp. Nhưng  những trường hợp này vẫn nên được tiêm ngừa vì họ có thể bị bệnh nặng hơn nếu như mắc phải bệnh phế cầu khuẩn (Pneumococcus)

Trẻ em thường mắc bệnh viêm tai, viêm xoang hay bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên nhưng vẫn  khỏe mạnh thì không cần tiêm ngừa PPSV vì nó không có tác dụng chống lại những bệnh nêu trên.

Liều dùng và khi nào tiêm phòng PPSV?

Thông thường 1 liều PPSV là đủ, nhưng đối với nhiều tình huống có khi phải sử dụng 2 liều

Liều thứ 2 được khuyên dùng cho những người từ 65 tuổi trở lên đã được tiêm liều đầu trước 65 tuổi và cách lần tiêm liều 2 ít nhất 5 năm

Liều thứ 2 được khuyên dùng cho những người từ 2 đến 64 tuổi có kèm những bệnh sau đây :

Bệnh về lách hoặc không có lách

Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm

Bệnh HIV và AIDS

Bệnh ung thư, bệnh bạch cầu, lymphoma, myeloma

Hội chứng thận hư

Cấy ghép cơ quan nội tạng

Uống thuốc làm giảm sức đề kháng

Khi cho tiêm liều thứ hai phải chú ý cách liều đầu ít nhất 5 năm

Đối tượng không thể tiêm ngừa PPSV hoặc phải đợi

Những người đã từng có dị ứng với PPSV không nên tiêm liều 2

Những người có dị ứng với bất cứ thành phần nào của PPSV không nên tiêm ngừa và phải báo ngay cho bác sĩ điều trị khi bị dị ứng nặng

Những người đang mang bệnh nặng và tiêm ngừa theo lịch tiêm chủng thì có thể chờ cho đến khi khỏe.  Những người bệnh nhẹ vẫn có thể tiêm vắc xin

Chưa có chứng cứ cho thấy PPSV ảnh hưởng không tốt lên phụ nữ đang mang thai và thai nhi, để tiêm ngừa cho phụ nữ có nguy cơ nhiễm bệnh phế cầu khuẩn (Pneumococcus) nên tim ngưà trước khi mang thai nếu như có thể.

Tác dụng phụ của PPSV

Gần ½ số người tiêm ngừa vắc xin PPSV có vài tác dụng phụ như bị đỏ và đau tại chỗ tiêm.

Ít hơn 1% có sốt, đau cơ, và phản ứng phụ tại chỗ nghiêm trọng.

Vắc xin cũng như bất kỳ lọai thuốc nào cũng có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.  Tuy nhiên nguy cơ vắc xin làm tổn hại nghiêm trọng hay dẫn đến tử vong là rất thấp.

Phải làm gì nếu xảy ra tác dụng phụ nghiêm trọng?

Ta nên nhận biết thế nào ?

Bất kỳ tình huống bất thường nào như sốt cao hay thay đổi trạng thái.  Những dấu hiệu của tác dụng phụ nghiêm trọng có thể bao gồm chứng khó thở, khan giọng, khò khè, nổi mề đay, nhợt nhạt, mệt mỏi, tim đập nhanh, chóng mặt.

Ta nên làm thế nào ?

Gọi bác sĩ hoặc nhờ ai đó đưa ngay đến bác sĩ

Nói rõ tình trạng cho bác sĩ biết, ngày giờ xảy ra tình trạng đó và đã tiêm vắc xin khi nào

Yêu cầu bác sĩ ghi nhận tình trạng trên bằng việc lưu hồ sơ tiêm ngừa vắc xin.

Tiêu chuẩn xuất viện

Tiêu chuẩn xuất viện đối với bệnh viêm phổi thường dựa trên những tiêu chí cơ bản.  Bệnh nhân xuất viện phải đảm bảo không mắc hơn một trong những triệu chứng sau :

Sốt cao trên 37. 80 C

Nhịp tim nhanh hơn 100 lần/phút

Nhịp thở nhanh hơn 24 lần/phút

Huyết áp tâm thu dưới 90 mmHg

Oxy bão hòa thấp hơn 90%

Không còn duy trì việc uống thuốc

Vắc xin phòng bệnh phế cầu khuẩn Pnemococcus có an toàn không ?

Vắc xin phòng bệnh phế cầu khuẩn không thể gây ra bệnh viêm phổi.  Nó giúp ngăn ngừa vi khuẩn gây viêm phổi thông thường.

Vắc xin phòng bệnh phế cầu khuẩn hiệu quả như thế nào ?

Có thể sẽ bắt đầu được miễn dịch với bệnh viêm phổi từ 10 đến 15 ngày kể từ khi tiêm thuốc.  Hiệu quả của vắc xin tùy thuộc vào tuổi tác và sức khỏe của mỗi người và sẽ đạt từ 56 – 81% tác dụng chống lại nguy cơ lây nhiễm.

Có thể tiêm vắc xin phòng bệnh phế cầu khuẩn cùng lúc với các lọai vắc xin khác không?

Câu trả lời là được phép. Mặc dù có thể tiêm cùng thời điểm với các lọai vắc xin khác nhưng phải đảm bao tiêm ở 2 chỗ khác nhau trên cơ thể.

Những phản ứng cơ thể nào có thể xảy ra sau khi tiêm vắc xin kháng phế cầu khuẩn ?

Sau khi tiêm khoảng nửa giờ thì chỗ tiêm sẽ hơi sưng nhẹ và đau

Một vài trường hợp sẽ bị sốt nhẹ, đau đầu hoặc đau cơ

Một vài trường hợp khác sẽ có thể bị sưng và đau nhiều hơn.

Thông tin về Vắc-xin phòng ngừa phế cầu khuẩn mới cho trẻ dưới 2 tuổi: Synflorix

Thông tin sản phẩm: Chỉ định: Ngừa các bệnh gây bởi Streptococcus pneumoniae tuýp huyết thanh 1, 4, 5, 6B, 7F, 9V, 14, 18C, 19F và 23F (như h/c nhiễm trùng, viêm màng não, viêm phổi, NK huyết và viêm tai giữa cấp) và ngừa viêm tai giữa cấp gây bởi Haemophilus influenzae không định tuýp.

Thành phần: Mỗi 0.5 mL: 1 microgram polysaccharide (các tuýp huyết thanh 11,2, 51,2, 6B1,2, 7F1,2, 9V1,2, 141,2 và 23F1,2), 3 microgram (các tuýp huyết thanh 41,2, 18C1,3 và 19F1,4). Cộng hợp protein tải: protein D (chiết xuất từ Haemophilus influenza không định tuýp): ~13 microgram, giải độc tố uốn ván ~8 microgram, giải độc tố bạch hầu: ~5 microgram.

Liều dùng:

Liệu trình 3 liều cơ bản: 6 tuần tuổi-6 tháng tuổi: Để đảm bảo khả năng bảo vệ tối ưu hoặc ở trẻ sinh non sau ít nhất tuần 27 thai kỳ: 4 liều, 0.5 mL/liều.

 – Liều đầu tiên lúc 2 tháng tuổi (có thể lúc 6 tuần tuổi) và khoảng cách các mũi tiêm ít nhất 1 tháng.

 – Liều nhắc lại: ít nhất 6 tháng sau mũi tiêm cơ bản cuối cùng.

Liệu trình 2 liều cơ bản (sử dụng trong chương trình tiêm chủng thường xuyên): 2 liều, 0.5 mL/liều.

 – Liều đầu tiên lúc 2 tháng tuổi (có thể lúc 6 tuần tuổi) và liều thứ hai sau đó 2 tháng.

 – Liều nhắc lại: ít nhất 6 tháng sau mũi tiêm cơ bản cuối cùng.

Trẻ lớn chưa từng được tiêm phòng vắc-xin trước đó: 

 – Trẻ từ 7-11 tháng tuổi: 2 liều, 0.5 mL/liều với khoảng cách các mũi tiêm ít nhất 1 tháng, liều thứ ba vào năm tuổi thứ hai với khoảng cách ít nhất 2 tháng.

 – Trẻ từ 12-23 tháng tuổi: 2 liều, 0.5 mL/liều với khoảng cách các mũi tiêm ít nhất 2 tháng. Chưa cần thiết tiêm nhắc lại sau liệu trình này.

 – Trẻ từ 24 tháng-5tuổi: 2 liều, 0.5 mL/liều với khoảng cách các mũi tiêm ít nhất 2 tháng.

Cách dùng: Tiêm bắp, mặt trước bên của đùi (trẻ nhỏ) và cơ delta cánh tay (trẻ lớn).

Tổng hợp các giải đáp của Bs Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa nhiễm bệnh viện Nhi đồng 1 về 2 loại vacxin PHẾ CẦU:

Q: Xin Bs tư vấn giúp cháu: Đứa lớn nhà cháu 28 tháng, đứa bé gần 7 tháng. cả 2 đều chưa chích ngừa cúm và phế cầu. đặc biệt đứa lớn sức đề kháng yếu và hay mắc bệnh về hô hấp. vậy cháu có nên chích ngừa cả Cúm và Phế cầu không? nếu có thì nên ưu tiên loại nào trước và lịch trình tiêm cho mỗi đứa như thế nào? (cháu muốn đưa 2 con đi tiêm phòng cùng một lúc để tiết kiệm thời gian).

A: Nên chích cả cúm+phế cầu cùng lúc cho tiện

Q: Bác cho cháu hỏi bé nhà cháu được 5 tháng 11 ngày. Ngày 27/5 này cháu cho bé uống rotavirut và chít phế cầu luôn được ko bác bé chưa chít phế cầu lần nào vậy cháu nên chít cho bé loại nào và cho cháu hỏi chít cúm trước 6tháng máy ngày được ko bác hay để bé qua 6tháng mới được chít ạ bác chỉ cháu với cháu cám ơn ạ

A: Chích Phế cầu thì loại nhỏ (PCV10) tứ bây giờ. Rota thì không còn hiệu quả

Q: Bác cháu hỏi, 2 bé nhà cháu bị viêm tai giữa rồi, đã đặt ống OTK, hay bị viêm mũi họng, 1 bé 3 tuổi, 1 bé 8 tháng thì có nên chích mũi PCV 10 không ạ? Chích mũi này có giảm khả năng tái lại nhiều lần của bệnh VTG không ạ? Cháu cảm ơn bác ạ

A: Nên chích, chủ yếu là phòng các bệnh nặng do phế cầu. Tuỳ tuổi mà chọn vacxin

Q: Dạ Bác cho con hỏi bé con gần 3 tháng. 25tay tới con chích 5in1 cho bé là mũi đầu tiên. 27 tây cho bé uống rota liều 2 đc ko tại vì 27thang trước bé uống rota và ngta hẹn đúng 1 tháng quay lại uống típ.
Rồi cách khoảng 10 ngày sau con cho bé chích típ phế cầu 10 chủng đc ko. Chích trong khoảng thời gian gần vậy con sợ bé con đau và bị hành. Con đợi 5 6in1 dịch vụ ko được đành chích mở rộng luôn nên phải theo ngày của phường. Cãm ơn Bác kính yêu ạ

A: Chung được cho tiện, vì rota sớm 2 ngày cũng được

Q: Bác sĩ ơi con em 16 tháng mới chích viêm gan A hôm 09/05 thì giờ đi chích phế cầu được không hay phải đợi đúng 1 tháng nữa ạ?

A: Không cần đợi gì hết

Q: Bác sĩ cho cháu hỏi, theo lịch hẹn thì ngày 8 tháng 6 con cháu sẽ chích mũi ngừa viêm phế cầu mới lần thứ hai, và tới ngày 25 tháng 6, là sẽ chích ngừa ở trạm y tế phường mũi sởi đơn, vậy cho cháu hỏi 2 mũi đó chích cách nhau hai tuần vậy có chích được không, với lai hôm cháu cho bé chích mũi phế cầu đầu tiên cháu muốn cho bé chích cùng với mũi ngừa cúm nhưng TT tế dự phòng tỉnh cháu trả lời là không chích được,một tháng sau mới chích được.Cháu cảm ơn bác sĩ.

A: Cúm + phế cầu chích chung được. Sởi +phế cầu cũng vậy. Hoặc cách bao nhiêu cũng được

Q: 6 tuổi rồi có nên chích PPSV23 không bác? Trước đó chưa chích mũi nào liên quan đến phế cầu.

A: Nên

Q: Em có đứa cháu 4 tuổi rồi, cháu mổ tim nay đã ổn, không cần dùng thuốc, nhung hay bị viêm tai giữa, trường hợp của bé của chích được không bác?

A: Nên ngừa cúm và phế cầu lớn (ppsv23)

Q: Bác ơi từ lúc sinh đến giờ con cháu đã tiêm mũi lao, viêm gan B sơ sinh, 3 mũi 5in1 nhưng hiện nay bé vẫn còn thiếu 1 mũi viêm gan B do lần đó bé chích 5in1 dịch vụ thiếu thuốc đó. Bác cho cháu hỏi ngày 12/6 này (lúc đó bé đuợc 5 tháng rưỡi cháu cho bé tiêm viên gan B và mũi phế cầu này chung luôn đuợc kg bác?

A: Được. nếu chích 3 lần 5.1 dịch vụ thì thiếu tới 3 mũi gan. Xem lại nhé

Q: Bé 4 tháng uống rota và chích luôn phế cầu cùng lúc được k ạ? Sau 15 ngày nữa thì chích 5 trong 1. Trong 1 tháng tiêm 3 loạ như vậy có dược k bác?

A: Cùng lúc 3 loại cũng kg sao. Nhưng lỡ chích riêng thì cái nào theo lịch cái đó

Q: Dạ thưa bác sĩ cho con hỏi: bé ấm người 37° có chích ngừa dc ko ạ? Và sau tiêm 6 in 1 hai tuần có tiêm phế cầu dc ko ạ?? Con cảm ơn bác sĩ

A: Được, nhưng nhớ nói với chỗ tiêm. Chích cùng lúc cũng được

Tổng hợp các giải đáp của Bs phòng tiêm chủng dịch vụ Polyvac:

1/ Hà Lê: Bs ơi, con mình đã từng bị viêm phổi rồi, thì tiêm có còn tác dụng ko?

Phòng Tiêm chủng và Dịch vụ Polyac Khi tiêm con sẽ có kháng thể phòng các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra bạn nhé.

2/ Ngoc Nguyen: Bs ơi con mình tiêm vacxin viêm màng não A + C rồi thi tiêm cái này đc k? mà vacxin này phòng viêm màng nào gì đấy ạ.

Phòng Tiêm chủng và Dịch vụ Polyvac Được bạn ạ.Vắc xin này phòng thêm viêm màng não do Influenza không định type bạn ạ.

3/Thương Lê: Chào bạn con tôi đã bị viêm tai giữa đã đỡ, cháu đã 1 tuổi có thể tiêm vắc xin này k ạ. Tôi ở tp vinh nghệ an thì tiêm ở đâu được ạ.

Phòng Tiêm chủng và Dịch vụ Polyvac: Được bạn ạ. Bạn liên hệ TTYT tại địa phương nơi bạn sống bạn nhé.

4/ Thanh Hà: Thuốc này trong saigon thì có chỗ nào có ko ad? Bé lớn nhà mình 28 tháng, bé nhỏ nhà mình 6 tháng thì liệu trình chích ntn?

Phòng Tiêm chủng và Dịch vụ Polyvac: Được bạn ạ. Ở các điểm tiêm tại TpHCM đều có bạn ạ

5/ Nguyễn Thu Phương: Bác sĩ ơi bé bị viêm tai giữa tái phát 3 lần, bé được 3m thì tiêm vacxin này được k và có tác dụng phòng viêm tai giữa đc ko?

Phòng Tiêm chủng và Dịch vụ Polyvac: Được bạn ạ. Khi tiêm vắc xin này sẽ giúp bé giảm thiểu các bệnh nói trên bạn ạ.

6/Ngọc Oanh Bùi: Bs oi, vacxin này và vacxin phế cầu PVC13, pneumo 23 có giống hay khác nhau vậy?

Phòng Tiêm chủng và Dịch vụ Polyvac: Chào bạn. Bản chất của Synflorix và PCV13 là giống nhau.Trong đó PCV13 phòng được 13 type còn Synflorix chỉ có 10 type. Tuy nhiên 2 vắc xin này khi tiêm vào cơ thể sẽ tạo được trí nhớ miễn dịch cho trẻ. Còn Pneumo23 phòng được 23 type, tuy nhiên lại không tạo được trí nhớ miễn dịch cho bé nên 3 năm phải nhắc lại 1 lần bạn ạ. Nếu có điều kiện thì bạn nên cho bé chích cả 2.


Nguồn bài viết: tổng hợp
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: