Hiện Tượng Bướu Máu Sơ Sinh

  5208

Bướu máu là hiện tượng rất hay gặp ở trẻ sơ sinh. Mặc dù bướu máu làm cho bố mẹ trẻ rất lo ngại nhưng nó hoàn toàn không gây nguy hiểm.

Bướu máu là hiện tượng rất hay gặp ở trẻ sơ sinh. Mặc dù bướu máu làm cho bố mẹ trẻ rất lo ngại nhưng nó hoàn toàn không gây nguy hiểm.

Tại sao bé lại bị bướu máu?

Hiện tượng trên xảy ra do khi sinh đầu của bé bị ép mạnh vào khung chậu mẹ làm cho những mạch máu nhỏ ở bề mặt của xương bị tổn thương dẫn đến chảy máu dưới màng xương. Máu tụ lại nhiều dần ở giữa màng xương và bản xương sọ tạo thành bướu máu.

Hình dạng của bướu máu như thế nào?

Bướu máu là khối có hình tròn nằm ở vùng đỉnh đầu và lệch về phía thái dương. Rất hiếm khi bướu máu vượt quá đường giữa. Tùy từng trường hợp mà kích thước của bướu máu có thể to hoặc nhỏ, có thể bị bướu máu một bên hoặc cả hai bên. Khi sờ khối bướu máu có cảm giác căng mềm như quả bóng nước.

Phân biệt bướu máu và bướu huyết thanh

Bướu huyết thanh (là hiện tượng phù nề tổ chức phần mềm vùng đỉnh đầu) có kích thước to hơn và có ngay sau đẻ. Bướu huyết thanh chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn từ 1-2 ngày rồi tự tiêu đi và đầu trẻ lại trở về hình dáng bình thường còn bướu máu thường xuất hiện sau đẻ 24h và to dần lên trong tuần đầu sau sinh.

Những trường hợp nào hay bị bướu máu?

- Trẻ có cân nặng cao hoặc những trường hợp mẹ có khung chậu hẹp.

- Bướu máu thường gặp ở trẻ đẻ foocxep.

Diễn biến của bướu máu như thế nào?

Hồng cầu trong bướu máu sẽ bị phân hủy, những thành phần sau khi bị phân hủy sẽ được tái hấp thu vào máu. Thành phần sắt trong hồng cầu sẽ được tái sử dụng để tạo hồng cầu mới. Billirubin được tạo ra sẽ làm cho bé bị vàng da.

Thường thì bướu sẽ mất đi sau vài tuần đến vài tháng mà không cần điều trị (thường là khoảng 3 tháng). Phần trung tâm của khối bướu máu sẽ tiêu đi trước còn phần ngoại vi sẽ trở nên rắn lại do canxi hóa khi sờ có cảm giác giống như miệng núi. Sau cùng thì vùng bị canxi hóa cũng sẽ tiêu dần và biến mất và đầu của bé sẽ trở lại bình thường.

Bướu máu có cần phải điều trị không?

Bướu máu không gây nguy hiểm cho bé ngoại trừ có thể gây vàng da trong những ngày đầu.

Không cần thiết phải hút hoặc dẫn lưu bướu máu do có nguy cơ đưa vi khuẩn từ ngoài vào gây nhiễm trùng.

Rất hiếm khi gặp trường hợp bướu máu quá to gây mất máu nhiều phải truyền máu.

+ Xem thêm:

MÁCH MẸ 7 BÍ QUYẾT GIÚP BÉ SƠ SINH NGỦ NGON

BÍ QUYẾT QUẤN KHĂN GIÚP BÉ SƠ SINH NGỦ NGON


Nguồn bài viết: bacsinhi
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: