Mãi cho đến bây giờ, cân nặng của 1 đứa trẻ vẫn là điều khiến người lớn trong nhà có trẻ nhỏ bận tâm, thậm chí làm nảy ra nhiều tranh cãi liên miên.
Dù là chỉ số dễ thấy và gây ấn tượng nhất, đặc biệt với những người thuộc thế hệ cũ, nhưng cân nặng thực tế chỉ là một trong nhiều chỉ số để qua đó đánh giá sự phát triển của một đứa trẻ chứ không đánh giá về sức khỏe. Mỗi đứa trẻ, tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như di truyền, giới tính, thể trạng, cân nặng và tình trạng sức khỏe của mẹ khi mang thai, khả năng hấp thu… mà có cân nặng bình thường và tốc độ phát triển khác nhau.
Hiểu điều này nhưng đôi khi những lời bàn ra tán vào, áp lực của người thân cũng khiến nhiều người làm bố mẹ, nhất là những bố mẹ trẻ mới có con lần đầu, không khỏi hoang mang, tự hỏi liệu mình có sai lầm, cố chấp khiến con phát triển không bình thường… Còn với những trường hợp bố mẹ đã cương quyết và tự tin với quyết định của mình, những lời nhận xét kia, tuy ít hơn, cũng gây ra sự khó chịu.
Người duy nhất có thể xác nhận và giải đáp những vướng mắc của người làm cha mẹ về cân nặng của con mình, không phải là bất kỳ ai mà chỉ là bác sỹ. Bác sỹ không đưa ra những nhận xét cảm quan, mơ hồ mà đưa ra bảng chiều cao cân nặng chuẩn cho trẻ nhỏ để chúng ta dựa vào đó, tham khảo và cảnh giác khi cân nặng của con ngấp nghé các đường cảnh báo thừa cân hoặc thiếu cân. Và kể cả như thế, câu trả lời cuối cùng về tình trạng của đứa trẻ cũng chỉ có thể đưa ra sau khi kết hợp với nhiều chỉ số khác có được từ việc thăm khám cụ thể trong những đợt khám định kỳ hoặc khi bố mẹ cảm thấy lo lắng về sự phát triển của con, khi:
- Con không tăng cân trong 3 tháng liên tục;
- Theo dõi thấy con tăng cân chậm;
- Con thường xuyên khó chịu, cáu kỉnh, khóc lóc;
- Con thờ ơ với môi trường xung quanh, gọi không chú ý, không nhìn thẳng vào người khác;
- Con không đạt được các mốc phát triển bình thường: ngồi, bò, đứng chựng, tập nói…
Đây có thể là những dấu hiệu cho thấy bé bị suy dinh dưỡng, cần được theo dõi và điều trị với sự kết hợp kiên nhẫn giữa gia đình và bác sỹ. Không bố mẹ nào nên cảm thấy gánh nặng “tăng cân cho con”, đặc biệt vì áp lực của những lời nhận xét, mà sốt sắng ép con ăn hoặc sử dụng những loại thuốc sẽ hại đến tương lai của bé.
Ngược lại với tình trạng suy dinh dưỡng nhẹ cân là tình trạng thừa cân, béo phì. Khi này, không chỉ người ngoài mà đôi khi chính người làm bố mẹ cũng vô tình gây áp lực cho con bằng nhận xét về cân nặng. Dù phần nhiều nhận xét xuất phát từ sự lo lắng và yêu thương nhưng cần hiểu đây không phải là lỗi của đứa trẻ - mà có thể do bệnh lý, do chế độ dinh dưỡng không phù hợp mà người lớn tạo ra, do thói quen vận động ít xuất phát từ việc thiếu không gian, thiếu thời gian và lo lắng của bố mẹ... Việc phải nghe thường xuyên những nhận xét này sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý và ý thức của đứa trẻ, nhất là trẻ em gái đang lớn, khiến bé có những suy nghĩ lệch lạc về bản thân.
Vậy nên, thay vì chỉ tập trung vào chiều cao và cân nặng như sai lầm phổ biến hiện nay, chúng ta nên hiểu thêm những yếu tố khác để có đánh giá toàn diện hơn về sự tăng trưởng và phát triển của một đứa trẻ:
- Phản xạ ngôn ngữ của bé;
- Khả năng vận động thô (lật, đẩy, ngồi, đứng…)
- Khả năng vận động tinh (cầm nắm đồ vật)
- Khả năng giải quyết vấn đề;
- Khả năng giao tiếp xã hội.
Và thay vì nhận xét liên tục về cân nặng của con, hãy biến lời nói thành hành động, giúp bé cải thiện tình hình, tăng hoặc giảm cân bằng những thay đổi cụ thể và kiên trì. Trong trường hợp không liên quan hoặc không thể thay đổi tình trạng này, có lẽ tốt hơn hết là đừng tạo thêm áp lực cho những đứa trẻ và cha mẹ của chúng, nhất là khi tiêu chuẩn về sự khỏe mạnh của bạn có thể đã lỗi thời!
Nuôi Con Không Phải Là Cuộc Đua Cân Nặng
Cân Nặng Chuẩn Và Vừa Phải Nhất Của Trẻ Sơ Sinh