Bé Sẽ Biết Nói Những Gì Theo Từng Giai Đoạn Trong Những Năm Đầu Đời

  17202

Dưới đây là những mốc phát triển kỹ năng nói quan trọng của bé mà bạn có thể tham khảo trước, nhưng hãy luôn nhớ rằng con bạn có thể “cán mốc” sớm hoặc trễ hơn chút đỉnh, và điều đó hoàn toàn không có gì đáng lo cả.

Từ những tiếng ọ ẹ đến khi bé có thể nói năng lưu loát khi đi học là một chặng đường dài mà mỗi đứa trẻ sẽ phát triển theo cách riêng của mình. Dưới đây là những mốc phát triển kỹ năng nói quan trọng của bé mà bạn có thể tham khảo trước, nhưng hãy luôn nhớ rằng con bạn có thể “cán mốc” sớm hoặc trễ hơn chút đỉnh, và điều đó hoàn toàn không có gì đáng lo cả.

Năm đầu đời

Từ mới sinh đến 3 tháng tuổi: Bé có thể tạo ra những tiếng ọ ẹ nho nhỏ khi bạn khuyến khích bé. Đó thường là âm thanh của những nguyên âm đơn như “a” hay “ư”.



Từ 2 đến 3 tháng tuổi: Bé biết khóc theo những kiểu khác nhau trong những tình huống khác nhau. Nếu bạn là người chăm sóc gần gũi của con, bạn sẽ phân biệt được khi nào con khóc do đói và khi nào con đang mệt.

Từ 3 đến 4 tháng tuổi: Bé có thể phát âm hầu hết các nguyên âm, và tiếng ọ ẹ của bé giờ nghe đã phức tạp và đa dạng âm thanh hơn nhiều rồi.

Từ 5 đến 6 tháng tuổi: Bé đang thực hành tạo ra những ngữ điệu khác nhau bằng cách lên và xuống giọng. Bé cũng hứng thú đáp lại khi bạn nói chuyện hoặc tạo ra những biểu cảm mặt với bé.

Dấu hiệu báo động: Nếu con bạn vẫn không chịu “lên tiếng” khi đã được 6 tháng tuổi, bạn hãy nêu vấn đề với bác sỹ nhi của bé.

Từ 7 đến 12 tháng tuổi: Bé đã bắt đầu “hay chuyện” hơn nhiều, và đã biết cách phối hợp các âm thanh với ngữ điệu. Bé cũng thích bắt chước bạn nói chuyện, và biết kết hợp âm giữa phụ âm và nguyên âm, tạo thành những tiếng kêu nghe rất ngộ như “ba ba ba”, “đi đi đa”. Bé cũng thích thú với việc giả vờ trò chuyện với bạn, và bé cũng đã biết cách trò chuyện luân phiên qua lại.



Giai đoạn đầy năm và chập chững

12 tháng tuổi:Bé đã có thể nói được từ đầu tiên. Lúc này, bé có thể biết từ 1-5 từ và như vậy đã đủ dùng với bé rồi.

14 tháng tuổi: Bé biết dùng ngữ điệu và viện đến cả tay chân để bổ sung cho phần “diễn thuyết” của mình.

Dấu hiệu báo động: Nếu con bạn vẫn chưa nói được từ nào cho đến khi bé được 15 tháng tuổi, bạn hãy cho bé đi khám nhé.

16 tháng tuổi: Bé đã bi bô và “nhiều chuyện” hơn nhiều, và đã xác định đối tượng yêu thích để trò chuyện nhiều hơn. Bé cũng có thể biết gọi “mẹ” để được bạn chú ý, biết gật hay lắc đầu để trả lời “có” hoặc “không”. Bé đã có thể nói được các phụ âm phức tạp hơn như t, d-đ, n, qu, và h.

18 tháng tuổi: Bé đã có vốn từ vựng lên đến 20 từ, bao gồm tên gọi (như “mẹ”), động từ (“ăn”) và tính từ (“nóng”). Bé cũng đã biết dùng những cụm từ ngắn (như “chơi búp bê”) để đưa ra các yêu cầu.

Từ 18 đến 24 tháng tuổi: Bé biết đặt hai từ lại với nhau để tạo thành những cụm từ có nghĩa như “bố bế” hay “uống sữa”.

Giai đoạn mầm non

24 tháng tuổi: Vốn từ của bé giờ đây đã tăng lên 150 đến 300 từ. Bé biết dùng những câu ngắn 2-3 từ nhưng vẫn còn ngập ngừng khá nhiều, ví dụ như “con… bị té”, “Bi… đi học”.

Từ 2 đến 3 tuổi: Có thể nói chuyện đơn giản về những thứ vừa xảy ra tức thì. Bé đã bắt đầu hỏi những câu hỏi đơn giản. Khả năng ghép câu đã tốt hơn và bé có thể nói được những câu dài đến 6 từ và vốn từ vựng giờ đã có khoảng 450 từ, gồm rất nhiều động từ.

Dấu hiệu báo động: Nếu đến 2-3 tuổi mà bé chỉ có thể lập lại câu hỏi của bạn thay vì trả lời, hãy đưa bé đi khám. Đó có thể là dấu hiệu chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ.

Từ 3 đến 4 tuổi: Bé có thể vừa nói vừa chơi cùng lúc và vốn từ vựng của bé giờ đã lên đến 800-1000 từ. Và bạn chắc cũng biết rồi, bé đặc biệt yêu thích những từ “tại sao”, “cái gì” và “ai”. Bé có thể hiểu phần lớn những gì bạn nói và có thể kể cho bạn biết chuyện gì xảy ra khi bạn vắng mặt.

Dấu hiệu báo động: Bé có thể nói vấp hoặc nói lắp vào thời điểm này khi việc tìm từ thích hợp không bắt kịp với sự phấn khích được nói chuyện của bé, và điều này là bình thường. Dù vậy, nếu bé vẫn cà lăm sau hơn 6 tháng, hoặc bạn thấy bé phải rất cố gắng khi phát âm thì hãy cho bé đi khám vì có thể bé bị tật khó phát âm bệnh lý.

Giai đoạn tiểu học



Từ 4 đến 5 tuổi: Bé đã có thể nói chuyện dễ dàng với vốn từ hơn 2000 từ. Bé có thể kể lại một câu chuyện đơn giản với phần mở, thân và kết truyện khi nhìn vào tranh. Bé có thể dùng từ 4-5 câu để mô tả một bức hình với ngữ pháp khá chuẩn. Sử dụng đại từ nhân xưng tương đối chính xác, và việc xưng “con” với tất cả mọi người hầu như đã được giải quyết. Bé đã dùng được rất nhiều từ miêu tả, bao gồm cả các từ biểu thị thời gian như “hôm nay”, “ngày mai”.

Từ 6 đến 7 tuổi: Bé có thể giải thích hai vật giống hoặc khác nhau như thế nào, có thể kể lại câu chuyện mà không cần nhìn hình ảnh minh hoạ, và có thể nhắc lại những sự kiện và cuộc hội thoại đã xảy ra. Bé biết dùng thêm phụ từ chỉ số nhiều như “những, các, mấy…”

8 tuổi: Bé đã hoàn toàn làm chủ và thuần thục trong cách sử dụng ngôn ngữ với ngữ điệu, cường độ, tốc độ nói và khả năng ghép câu phức tạp một cách chính xác. Ở tuổi này, bé đã nói chuyện trôi chảy với người lớn và thậm chí có bé còn khiến người lớn ngạc nhiên về khả năng nói chuyện của mình.

+ Xem thêm:

LỊCH MỌC RĂNG VÀ THAY RĂNG CỦA BÉ TỪ 0-12 TUỔI 

LỊCH PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG ĂN UỐNG CỦA BÉ TỪ 0-3 TUỔI


Nguồn bài viết: sưu tầm
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: