Khi nào bé chuyển từ chế độ ăn lỏng (bú) sang chế độ ăn thức ăn thô, khi nào bé có thể tự ăn, và khi nào bé sẽ ăn uống gọn gàng tươm tất? Chỉ dẫn dưới đây sẽ trả lời cho bạn những câu hỏi “khi nào” đó!
Giai đoạn 1 năm đầu đời:
Từ mới sinh đến 4 tháng tuổi: Bé được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ, hoặc sữa công thức, hoặc xen kẽ hai loại sữa. Bé có kỹ năng tự nhiên tìm vú mẹ, ngậm vú, bú và nuốt. Trong giai đoạn này, bé có phản xạ tự nhiên đẩy tất cả những thứ ở thế thô, rắn ra khỏi miệng nhờ phản xạ đẩy lưỡi, hay phản xạ phun. Ngoài ra, bé cũng có thể ợ sau khi bú để tống không khí thừa trong quá trình bú ra khỏi đường tiêu hoá.
Dấu hiệu báo động: Nếu bạn nhận thấy dấu hiệu bé gặp khó khăn khi bú, hoặc thấy bé không tăng cân theo chuẩn, hoặc bé vặn mình khi ăn, cáu gắt, ho và sặc, hãy cho bé đi khám ngay.
Từ 4 đến 6 tháng tuổi: Bé có thể đã sẵn sàng để bắt đầu ăn dặm, mặc dù thời điểm này sữa mẹ hay sữa công thức vẫn đủ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bé. Những dấu hiệu sau cho thấy bé đã muốn tập ăn dặm: há miệng khi thấy đưa muỗng lại gần, có thể ngậm muỗng và bắt đầu biết cách dùng lưỡi di chuyển thức ăn trong miệng, biết làm động tác nhai, nhưng thỉnh thoảng vẫn mút đồ ăn.
Bé cũng đã có thể bốc thức ăn bằng lòng bàn tay, co các ngón tay lại để giữ thức ăn trong tay và di chuyển chúng về phía miệng mình, nhưng động tác của bé còn rất vụng về. Bé có thể ngồi thẳng trên ghế ăn.
Từ 7 đến 9 tháng tuổi: Đây là lúc bé biết ăn bốc. Bé biết dùng ngón cái và ngón trỏ để bốc những miếng thức ăn nhỏ lên. Lúc này bé đã sẵn sàng để tập cầm muỗng xúc ăn.
Với sự giúp đỡ của bạn, bé đã có thể uống từ ly uống nước của người lớn dù là vẫn còn đổ tèm lem. Bé cũng đang tập kỹ năng uống và kỹ năng phối hợp tay và miệng mà không làm đổ nước với ly có nắp.
Từ 8 đến 10 tháng tuổi: Kỹ năng uống và nhai của bé đã tốt hơn nhiều. Bé biết cong môi ngậm vành ly đê nước không tràn khi uống. Bé bắt đầu biết nhai chéo hàm để chuyển thức ăn từ hai bên vào giữa khoang miệng. Bé cũng có thể ăn thức ăn thô và đặc dần.
Từ 10 đến 12 tháng tuổi: Bé biết cầm ly và muỗng, và bắt đầu biết tự ăn. Bé biết dùng môi để gạt thức ăn từ muỗng vào miệng và nuốt khi môi đang ngậm. Bé cũng biết chỉ trỏ và với thức ăn khi đang đói. Bé cũng sẽ tỏ thái độ hứng thú với những gì bạn ăn. Nếu con bạn đã có thể ngồi lâu, bé có thể ngồi vào cùng bàn ăn với gia đình khi được dặt trên ghế hỗ trợ cho trẻ nhỏ, dù hầu hết cha mẹ vẫn muốn cho con ngồi ghế ăn dặm.
Giai đoạn đầy năm và chập chững
Từ 12 đến 18 tháng tuổi: Bé đã có thể tự cầm muỗng xúc ăn, dù không phải lúc nào bé cũng muốn làm thế. Bé có thể nuốt nước trực tiếp từ ly mà không phải mút hay nhai với miệng ngậm. Bé cũng biết ngậm chặt miệng và lắc đầu để cho mẹ biết bé đã no và không muốn ăn nữa.
Từ 18 đến 24 tháng tuổi: Bé đã ăn uống gọn gàng hơn mặc dù có thể bé vẫn thích nghịch và ném thức ăn khi đã ăn xong. Kỹ năng cầm muỗng nĩa của bé đã tốt hơn hẳn. Bé cũng biết được rằng không phải lúc nào cũng cần há miệng thật to để ăn. Có thể bé còn biết thông báo với bạn rằng bé đã ăn no hoặc muốn ăn nữa bằng vài câu đơn giản như “nữa, nữa” hay “no, no” và nghịch đĩa ăn hoặc đẩy nó đi khi bé đã ăn đủ.
Giai đoạn mầm non
Từ 24 đến 36 tháng tuổi: Bé đã hoàn toàn có thể tự ăn và tiếp tục hoàn thiện các kỹ năng ăn uống và cư xử tại bàn ăn. Bé đã sẵn sàng để ăn mọi loại thức ăn và thích được lựa chọn món bé thích trong những món mà bạn đưa ra. Tuy nhiên, bé vẫn còn rất nhỏ và vẫn có thể bị hóc hoặc sặc thức ăn nên mẹ hãy cẩn thận khi cho con ăn nhé.
+ Xem thêm:
14 BÀI HỌC AN TOÀN CẦN THIẾT MẸ NÀO CŨNG NÊN DẠY CON
6 BÍ QUYẾT ĐỂ NUÔI CON LUÔN LUÔN KHỎE MẠNH?