Mẹ Bầu Ăn Cua Đồng Có Tốt Không?

  2785

Từ trước đến nay phụ nữ mang thai vẫn thường ăn cua để bổ sung canxi, giúp thai nhi phát triển tốt nhưng ăn nhiều quá sẽ có hại.

Từ trước đến nay phụ nữ mang thai vẫn thường ăn cua để bổ sung canxi, giúp thai nhi phát triển tốt.

Nhưng gần đây có thông tin cho rằng, phụ nữ có thai tránh ăn cua đồng vì dễ gây sẩy thai. Vậy có đúng thế không? 

BS Hoàng Xuân Long, chuyên viên cao cấp Bộ Y tế cho biết, theo Đông y, phụ nữ có thai không nên ăn cua đồng vì trong cua đồng có chất có tác dụng phá khối u, tống xuất khối cục tồn đọng. Thai nhi có tính chất như một khối cục nên ăn nó có tác dụng đẩy thai, gây sẩy hoặc sinh non.

Lương y Nguyễn Văn Quảng, Hội Đông y Việt Nam cho hay, y học cổ truyền khuyên phụ nữ có thai hạn chế ăn cua bởi theo quan niệm của Đông y, cua đồng có vị mặn, tính hàn, hơi độc, hoạt huyết là thuốc để chữa chứng đau ngã, sưng, làm tan máu kết cục... nên người có thai yếu, hay sẩy thai không nên ăn vì sợ ảnh hưởng tới thai nhi.

GS.TS Bùi Minh Đức, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, chưa có nghiên cứu nào chứng minh ăn cua đồng gây sẩy thai. Thực tế, cua đồng là món ăn bổ dưỡng, giàu canxi, nên tốt cho phụ nữ mang thai. Y học hiện đại đã phân tích thành phần dinh dưỡng cho thấy, trong 100g thịt cua đồng chứa 12,3% protit; 3,3% lipit; 5.040mg% canxi; 430mg% phốt pho; 4,7mg% Fe; 0,01mg% vitamin B1; 0,51mg% vitamin B2; 2,1mg% vitamin PP; 0,12mg% vitamin B6; 125mg% cholesterol; 0,25mg% melatonin...



Tuy nhiên, cua tính lạnh, không nên ăn hằng ngày. Khi ăn cua cần lưu ý, chọn cua sạch, còn sống, tuyệt đối không ăn cua chết bởi chất đạm trong cua sinh ra độc tố histamin gây ngộ độc, nguy hiểm. Không được uống nước cua giã để trị bệnh hoặc ăn cua chưa nấu chín dễ nhiễm ấu trùng giun sán, đặc biệt là sán lá phổi.

Các chuyên gia cũng khuyên, người đau ốm mới khoẻ, hệ thống tiêu hoá còn yếu cũng không nên ăn. Người có biểu hiện tỳ vị hư hàn (cảm giác sợ lạnh) cũng cần hạn chế. Nếu bị tiêu chảy, không ăn cua đồng. Gạch cua có nhiều cholesterol, nên người huyết áp cao, bệnh tim mạch cần hạn chế dùng. Khi ăn cua, nên ăn cùng lá tía tô, gừng để làm giảm bớt tính hàn. Cua đồng cũng chứa nhiều sodium và purines nên không thích hợp cho người bị bệnh gút. Những người đang bị ho hen, cảm cúm không được ăn cua. Một số người dễ bị dị ứng với cua, sau khi ăn nổi mề đay khắp người thì tuyệt đối không ăn.

+ Xem thêm:

10 THỰC PHẨM GIÀU CANXI NHẤT CHO MẸ BẦU

MÁCH MẸ : DINH DƯỠNG THIẾT YẾU CHO CÁC BÉ CÒI


Nguồn bài viết: sưu tầm
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: