Mắc xương, trong đó có mắc xương cá là một tai nạn rất nguy hiểm nhất là với các bé dưới 5 tuổi khi phản xạ và ý thức của bé chưa hoàn thiện, dễ làm tình trạng hóc nặng hơn. Vì thế, việc nhận biết biểu hiện khi bé bị mắc xương và có những giải pháp hỗ trợ phù hợp trước khi đưa bé đến bác sĩ là việc mà các mẹ cần chú ý.
1/ NHẬN BIẾT KHI BÉ BỊ MẮC XƯƠNG:
Bé đang ăn đột nhiên không chịu nuốt nữa, dù mẹ dỗ bằng mọi cách. Sau đó vài phút, bé bị nôn oẹ dữ dội, khóc không dứt.
Những bé từ 3 tuổi trở lên có thể chỉ tay vào cuốn họng, tự móc họng, kêu đau ngực khi nuốt.
Còn ở bé nhỏ, mẹ sẽ thấy dãi, nhớt chảy nhiều từ miệng, do con bị đau nên không thể nuốt được.
2/ MẸ NÊN LÀM GÌ KHI BÉ BỊ MẮC XƯƠNG:
Cần ngừng cho bé ăn ngay lập tức. Bình tĩnh nói với bé há miệng thật to để mẹ kiểm tra cổ họng của bé bằng mắt thường, hoặc soi đèn pin. Khi hành động cần cẩn thận, kẻo bé lại hoảng sợ. Nếu thấy có xương cắm vào phần cuối khoang miệng (có thể nhìn thấy rõ phần xương hóc) tức là hóc xương nhẹ thì mẹ có thể tự xử lý được bằng cách dùng kẹp y khoa để gắp ra. Khi thao tác, phải luôn miệng trấn an bé bằng những câu như: “Không đau đâu con yêu, chỉ một tý là xong ngay thôi mà”, “ngoan nào, con giỏi lắm”…Và thao tác cẩn thận, dứt khoát để tránh làm trầy phía trong khoang miệng hay cổ họng cua bé.
Tiếp tục theo dõi xem bé có thể nuốt nước bọt bình thường hay không, nếu bé nuốt bình thường thì không vấn đề gì. Nếu bé nuốt khó khăn và cảm thấy đau thì nên đưa bé đến bác sĩ ngay.
Nếu là bé lớn, thì mẹ cũng làm như trên sau đó hỏi bé còn bị đau và cảm thấy vương vướng trong cổ khi nuốt nước bọt nữa hay không.
Nếu khi soi mà không thấy xương thì rất có khả năng xương vẫn còn mắc kẹt trong họng hay trong thực quản, nên đưa ngay bé đến bệnh viện để bác sĩ kịp thời khám và có chỉ định điều trị cụ thể.
3/ NHỮNG ĐIỀU TUYỆT ĐỐI KHÔNG ĐƯỢC LÀM KHI BÉ BỊ HÓC XƯƠNG
Tuyệt đối không được dùng ngón tay mò mẫm trong họng bé, vì động tác này không những không lấy được xương ra mà có thể đẩy con vào sâu cuống họng, thậm chí dẫn đến khó thở cho bé.
Không ép bé uống nước hoặc cho nuốt trọn từng miếng thức ăn to để mong xương rớt ra. Làm như thế rất nguy hiểm vì có thể gây tai biến chết người, nếu xương đâm thủng mạch máu.
Không nên khuyến khích bé khạc mạnh nhiều lần. Động tác này cũng có khả năng gây tai biến, nguy hiểm đến tính mạng của bé.
4/ PHÒNG NGỪA HÓC XƯƠNG CHO BÉ:
Khi chuẩn bị thức ăn cho bé mẹ cần bỏ hẳn thói quen chặt thịt lẫn xương để chế biến thức ăn, mà nên lọc thịt riêng, xương riêng.
Không nên để bé vừa ăn, vừa nói chuyện nhiều, cười đùa khi ăn. Tránh cho bé vừa xem tivi hoặc vừa chơi vừa ăn vì bé sẽ không tập trung nhai, dễ bị hóc và nghẹn hơn.
Nên cho bé ăn chậm, nhai kỹ, tránh các trường hợp phải ăn vội vàng.
Nếu cho bé ăn cá, mẹ nên gỡ kỹ xương hoặc nếu dùng cá nhỏ thì nên xay nhuyễn và chọn cá ít xương dăm.
+ Xem thêm:
+ CÁCH TRỊ TẬT NGHIẾN RĂNG KEN KÉT KHI NGỦ CỦA TRẺ EM
+ TRẺ BỊ ĐAU DẠ DÀY VÌ BỐ MẸ ÉP ĂN ÉP HỌC