Vào Mùa Thuỷ Đậu 4000 Ca Mắc Bệnh Trên Cả Nước Các Mẹ Nhớ Tiêm Ngừa Cho Con

  3478

Bệnh thuỷ đậu rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu.

Vào “mùa” thủy đậu, 4000 ca mắc trên cả nước

Theo TS Phu, đây là con số thống kê báo cáo, con số thực tế có thể cao hơn do thủy đậu là bệnh truyền nhiễm lành tính thường được cách ly, điều trị tại nhà. Đây là bệnh lành tính tuy nhiên, cần chăm sóc riêng nếu có bệnh để phòng lây lan và theo dõi để phát hiện biến chứng.

Về ca tử vong tại Nghệ An do biến chứng của thủy đậu, hiện Cục Y tế dự phòng chưa nhận được về báo cáo ca bệnh này. Cũng chưa ghi nhận ca tử vong nào về thủy đậu trong cả nước.

Số mắc này so với cùng kỳ 2015 (14.017 ca) là giảm 68%. Tuy nhiên có thể năm nay chưa thống kê được hết, nên số thống kê tiếp theo số lượng ca mắc sẽ tăng lên bởi thủy đậu thường xảy ra vào mùa đông xuân.

Tuy nhiên TS Phu cho rằng, với phụ nữ mang thai, bệnh thủy đậu rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Trẻ sơ sinh mắc thủy đậu lây truyền từ mẹ diễn biến cũng rất nặng nề do vi rút thủy đậu tấn công.

BS Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Nhi Trung ương) cho biết tại khoa tiếp nhận rải rác bệnh nhân đến khám, điều trị. Trong đó từng có bệnh nhân sơ sinh lây nhiễm thủy đậu từ mẹ. Những ca thủy đậu sơ sinh diễn biến rất nặng, nhiễm trùng do vi rút thủy đậu gây nên, dễ gây biến chứng.

Tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, khoa Truyền nhiễm, khoa Nhi (BV Bạch Mai) thời gian qua đều ghi nhận bệnh nhân thủy đậu tới khám. Tuy nhiên phần lớn bệnh nhân đều được hướng dẫn điều trị tại nhà. "Cơ bản nhất là chăm sóc vệ sinh sạch sẽ, tắm nước ấm nhẹ nhàng không làm vỡ nốt phỏng, bôi thuốc các vết phỏng sẽ dần se lại và khỏi bệnh sau vài ngày", BS Hải cho biết.

TS Phu cho biết, thủy đậu dễ lây truyền qua dịch của mụn nước trên da, cảm nhiễm cao. Khi nhiễm bệnh, người bệnh mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng, các nốt ban đỏ ở vùng da đầu, mắt rồi lan ra toàn thân.

Vi rút gây bệnh có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Khi bị bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh kéo dài từ 7 - 10 ngày.

Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan. Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý. Bên cạnh đó thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường. Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.

+ Xem thêm:

BỆNH THUỶ ĐẬU TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

CHÍCH NGỪA SỞI , THUỶ ĐẬU NHIỀU MẸ MẤT BÒ MỚI LO LÀM CHUỒNG


Nguồn bài viết: dantri
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: