Tự thú: 5 Sai Lầm Của Mẹ

  5941

Đây là bài viết tổng hợp những sai lầm của cá nhân mình trong suốt năm năm nuôi và dạy con. Có thể coi nó là một bản tự kiểm cũng được.

Quan trọng là mình đã rút kinh nghiệm và sửa sai được rồi, giờ post lên, không buồn xấu hổ, hy vọng các mẹ khác thấy bổ ích và đừng sai lầm như mình.

1. Sai lầm đầu tiên, rất căn bản, là không chuẩn bị tâm lý sẵn sàng trước khi sinh con

Chuẩn bị ở đây không phải là chích ngừa tiền thai sản, mua sắm quần áo, vật dụng, nghiên cứu tài liệu về chăm con mà là sự không sẵn sàng hy sinh toàn bộ thời gian và tự do của mình cho con trong những tháng đầu tiên sau sinh. Có con – và thế là bất khả phân ly. Ai đó từng nói hãy suy nghĩ kỹ trước khi quyết định sinh con vì khi đã có con rồi đến chuyện tự tử bạn cũng không được làm. Mình bị stress sau hai tháng chăm con đầu tiên mặc dù vẫn có bên nội, bên ngoại hỗ trợ. Vốn là người không bao giờ ngồi yên, muốn đi đâu là đi, giờ phải ôm con quanh quẩn trong bốn bức tường, đau đớn sau sinh, thiếu ngủ, không được ăn theo ý muốn, lo lắng… đã vắt kiệt sức lực và tinh thần của mình. Mình thấy mất cân bằng nghiêm trọng, thấy bất công, tức giận với người khác. May thay, rồi mình cũng quen và xác định lại tư tưởng rằng: chỉ có bấy nhiêu năm tháng này là quan trọng nhất với con, phải toàn tâm toàn ý, và nhất là phải tự cân bằng. Con càng lớn, sự mệt mỏi của mình càng được đền đáp.

“Trẻ con không phải là bản nháp. Hãy cẩn thận khi áp dụng bất cứ phương pháp nào cho con mình”.

2. Sính trào lưu “học mẹ Tây”, nhầm lẫn giữa “tự lập” và “không làm phiền”

Như các bà mẹ trẻ khác, mình muốn là một người mẹ hiện đại. Đọc báo, đọc sách, tham khảo các tài liệu, mình đương nhiên muốn dạy con thành người tự lập. Nhân đây cũng xin có lời khuyên với những người lần đầu làm mẹ, nếu bạn muốn tìm hiểu một vấn đề gì về nuôi dạy con, nên đọc sách và các trang web chuyên môn, đừng đọc báo vì báo chí hay giật tít và đưa vấn đề phiến diện. Trẻ con không phải là bản nháp, hãy thật cẩn thận khi áp dụng bất cứ phương pháp nào cho con mình. Đơn cử như dạy con tự ngủ, mọi người hay share các bài viết về phương pháp dạy con tự ngủ trong bảy ngày hay mẹ Pháp, mẹ Mỹ dạy con bla bla bla… như thể ở phương Tây đó là cách duy nhất để dạy trẻ về kỷ luật. Theo khảo sát từ babycenter.com, tỷ lệ người cho con ngủ riêng bằng với người cho con ngủ chung giường với bố mẹ, tỷ lệ người ủng hộ phương pháp ngủ Feber chỉ chiếm khoảng 20% số người khảo sát và câu trả lời được nhiều người chọn nhất là kết hợp nhiều phương pháp.


Đi nhà trẻ sớm giúp bé biết được nhiều thứ.

Quay lại với khái niệm “tự lập” và “không làm phiền”. Trẻ tự lập là đứa trẻ ý thức được việc mình đang làm là một hành vi thể hiện sự tự lập. Tất nhiên từ thói quen đến sự tự ý thức cần có sự giúp đỡ của ba mẹ. Nếu bạn không dạy con thói quen tự đánh răng thì sẽ trẻ sẽ nghĩ đó là việc ba mẹ phải làm cho mình (suốt đời). Tuy nhiên, khi bạn dạy trẻ thì trẻ vẫn chưa ý thức được đó là hành vi tự lập, nhưng khi lớn hơn một chút trẻ làm việc đó và những việc tự phục vụ khác với ý nghĩa là mình đang làm điều đó “by myself”. Trẻ “không làm phiền” thường là những đứa trẻ ngoan, biết vâng lời, ít đòi hỏi, chúng có thể ngủ riêng với bố mẹ khi được bố mẹ yêu cầu mà không chống cự, chúng tự chơi hoặc lặng lẽ xem tivi một mình, chúng không quấy rầy bố mẹ bằng những câu hỏi hoặc đòi hỏi họ phải chú ý đến chúng. Có điều chúng làm những điều đó vì bố mẹ muốn thế chứ không phải vì ý thức tự lập. Và nếu bố mẹ thấy con dễ mà cứ để mặc con lớn lên như thế, không hướng dẫn gì thêm thì đến một ngày từ nhóm “không làm phiền” chúng sẽ trở thành nỗi phiền muộn vì cứ loay hoay với cái nút áo mãi mà chưa gài xong.

Và mình, đã từng tập cho con tự chơi, tập cho con tự ngủ, tập cho con dễ để không đeo mẹ, để ai cũng có thể bế được… và khi không tập được thì coi đó là một thất bại. Nhưng con càng lớn, mình càng nhận ra rằng chỉ khi đêm đêm con nghe tiếng mẹ, ngày ngày con chơi với mẹ thì con mới có thể biết mẹ mong đợi con điều gì, biết chấp nhận các yêu cầu của mẹ và biến nó thành hành động. Ta không thể kiểm soát thứ mà ta không hiểu, muốn con hợp tác với ta, ta phải “giữ liên lạc” với con, và sự tự lập của con rất cần phát triển từ quan hệ hợp tác chứ không phải sự áp đặt hay cái “ngoan” vô thức của con.

Hãy dạy con biết tự phục vụ bản thân, biết chia sẻ công việc gia đình, biết đi làm những việc nhỏ kiếm thêm tiền như bọn trẻ phương Tây vẫn làm nhưng hãy cho con ngủ chung, hãy nói chuyện với con lúc ăn cơm như cha mẹ ông bà mình xưa nay vẫn thế. Phương Tây có những người tự lập và không làm phiền người khác nhưng cũng có những kẻ cô đơn đến độ giết người làm trò vui, có những tuổi già làm bạn với y tá và viện dưỡng lão. Kết hợp cái hay cái đẹp của hai nền văn hoá để cho cả ta và con một tương lai tốt hơn nhiều.

3. Cho con uống kháng sinh quá nhiều

Bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn trong bài viết Quay đầu là bờ có viết: “Nhiều người biết là kháng sinh không có tác dụng đối với siêu vi (virút) mà chỉ có tác dụng đối với vi trùng (bacteria)”. Thực ra tới lúc đọc câu đó mình mới (té ngửa) biết mình và số đông các bà mẹ không hề có kiến thức ấy. Và viêm họng, nhiễm khuẩn hô hấp trên, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, ói, tiêu chảy, hay sốt… là đè con ra đổ kháng sinh vào mồm, thuốc nước, thuốc nghiền, thuốc sủi, xirô… con ta lãnh đủ. Mình nhớ hồi nhỏ hở ra là uống tetracylin, giờ thời đại thông tin mình vẫn ngu dốt hại con bằng kháng sinh, xem ra có hơn người xưa chỗ nào đâu mà tự xưng là hiện đại.

4. Cho con học mẫu giáo quá lâu

Nghé đi mẫu giáo lúc 14 tháng. Đi mẫu giáo sớm rất tốt, tất nhiên là con bạn phải ăn cơm nát được thì mới gửi trẻ được. Nhờ đi trẻ sớm nên Nghé biết nhiều thứ, ngồi bô, múa, hát, đọc thơ ăn ngủ có giờ giấc, phát triển giao tiếp, có kỷ luật… Tuy nhiên, nếu tính từ 14 tháng đến sáu tuổi mà chỉ độc có mấy trò ăn, ngủ, dậy, chơi, hát múa, đọc thơ thì có lẽ quá nhàm chán đối với những đứa trẻ vốn ưa tìm tòi, sáng tạo, năng động. Giải pháp của mình bây giờ là đến mùa hè, bé được nghỉ tuyệt đối, thời gian học trong năm có thể cho học và nghỉ xen kẽ để bé tham gia các hoạt động khác.

5. Hại mình và con bằng câu “con là tất cả”

Đây là cái bẫy trách nhiệm, đôi khi là trò tự ca ngợi của các bà mẹ. Thiền sư Nhất Hạnh có nói đại ý là nếu ta đặt tâm ta ở người khác chứ không phải chính ta thì khi người khác làm ta thất vọng kể như ta cũng xong đời. Mẹ thường tự hào bảo con là tất cả của mẹ, nên khi mẹ buồn bực gì mẹ lại có cớ để khóc rằng “vì con”. Thật ra luôn phải tìm điểm cân bằng trong mọi mối quan hệ và nếu mẹ không yêu thương, chăm sóc và làm bản thân mẹ hạnh phúc thì chẳng bao giờ mẹ có thể đích thực “vì con” hay làm con hạnh phúc. Và con chim non lớn lên với suy nghĩ mẹ đã hy sinh cho nó quá nhiều cũng sẽ không thể nào yên tâm mà bay đi.

mẹ: Nguyễn Hồng Nga

+ Xem thêm:

'MỐI TÌNH' RẤT ĐẶC BIỆT CỦA BỐ VÀ CON GÁI

MÁCH MẸ BÍ QUYẾT ĐỂ BÉ NGỦ TRƯA NGON GIẤC


Nguồn bài viết: Thế giới Tiếp thị
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: