Trẻ Sơ Sinh Hở Ruột Vì Bị Tráng Sữa Công Thức

  3579

“Hở ruột” tình trạng thiếu vi lông ruột trong niêm mạc ruột ở trẻ sơ sinh, nguyên nhân là do không được bú sữa non trọn vẹn trong 72 giờ đầu.

Lầm tưởng sữa mẹ chỉ thực sự về sau 3-4 ngày sau khi sinh, nhiều bà mẹ thay vì cho con bú ngay sau khi sinh để tận hưởng những lợi ích tuyệt vời của sữa non (xuất hiện vào cuối thời kỳ mang thai và lưu thông qua tuyến vú của người mẹ chỉ trong vòng 72 giờ đầu sau sinh) lại để con mình phải “tráng ruột” bằng sữa công thức. Đây được cho là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng “hở ruột” ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

72 giờ vàng và sự kỳ diệu của sữa non

Sữa non còn được gọi là sữa đầu, tên khoa học gọi là Colostrum. Sữa non được xem là thức ăn đầu tiên của sự sống do cơ thể mẹ tạo ra trong giai đoạn cuối của thai kỳ và và lưu thông qua tuyến vú của người mẹ trong vòng 72 giờ đầu sau sinh.

Sữa non có hình thức khá đặc biệt và khác hẳn với hình thức của sữa mẹ mà chúng ta thường thấy (còn gọi là sữa già), sữa non có màu vàng, đặc dính và rất ít, chỉ vài giọt. Nhưng nó là một loại thực phẩm hoàn hảo và quý giá. Trẻ sơ sinh cần phải được bú trọn vẹn lượng sữa non mà cơ thể mẹ tạo ra trong 72 giờ vàng quý giá đó.

Cho con bú ngay từ khi vừa lọt lòng mẹ

Trong sữa non có chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cân đối, các kháng thể diệt vi khuẩn, vi rút độc hại và các chất điều hòa miễn dịch giúp cho một cơ thể trẻ sơ sinh chống lại bệnh tật, phát triển và khỏe mạnh.

Mặc dù khối lượng ít, nhưng sữa non chứa nồng độ dinh dưỡng cao, rất giàu chất đạm, kháng thể, vitamin A, vitamin K và bạch cầu. Lượng đạm trong sữa non nhiều gấp 10 lần trong sữa trưởng thành (sữa già) và nhiều thành phần quan trọng khác như immunoglobulin, các yếu tố tăng trưởng, kháng thể, vitamin, khoáng chất, enzyme, axit amin…

Sữa non cung cấp hàm lượng chất dinh dưỡng cao trong một thể tích dung dịch thấp và cực kỳ dễ hấp thu nên đặc biệt phù hợp với hệ thống tiêu hóa chưa hoàn thiện của trẻ sơ sinh. Bên cạnh việc cung cấp các dưỡng chất thiết yếu và nguồn kháng thể dồi dào, sữa non còn có tác dụng nhuận tràng nhẹ giúp hỗ trợ cho bé sơ sinh thải hết phân su, loại bỏ bilirubin dư thừa giúp giảm, ngừa chứng vàng da sinh lý ở trẻ.

Theo chuyên gia tư vấn sữa mẹ - Thạc sỹ Lê Nhất Phương Hồng (đã hoàn thành chứng chỉ Chuyên gia Tư vấn Nuôi con sữa mẹ của Viện Sữa mẹ Quốc tế, tại Canada), “cơ thể trẻ sơ sinh vừa sinh ra chưa sẵn sàng tiếp nhận bất cứ một dung dịch, thực phẩm nào khác ngoài sữa mẹ. Bởi lúc này niêm mạc của hệ tiêu hóa cũng như niêm mạc của các bộ phận khác chưa hoàn thiện. Sữa non của người mẹ lúc này không chỉ cung cấp kháng thể và các dưỡng chất quý giá mà còn có tác dụng tráng ruột cho bé. Các hormone có trong sữa non sẽ giúp phát triển các niêm mạc chưa hoàn chỉnh ở mắt, phổi, đường ruột, có tác dụng phòng bệnh về lâu dài, tránh các bệnh như hen suyễn, bệnh đường ruột, các bệnh về niêm mạc mắt, xoang và các bộ phận khác trong cơ thể”.

Nói về tác dụng hoàn thiện niêm mạc ruột, Thạc sỹ Lê Nhất Phương Hồng giải thích: “Trên niêm mạc ruột của chúng ta có rất nhiều lông ruột và trên lông ruột có nhiều vi lông ruột, những vi lông ruột này có tác dụng sẽ chọn lọc những gì tiếp nhận và những gì cần đào thải.

Nói một cách dễ hiểu, chúng ta có thể hình dung tương tự như chiếc lược chải chấy, các răng lược phải được cấu tạo sao cho tóc đi qua nhưng vẫn đủ khít để gạt con chấy ra thì mới bắt được chấy. Niêm mạc ruột cũng tương tự, phải đủ khít để ngăn cản các độc tố, mầm bệnh, các chất có hại nhưng các chất bổ dưỡng, tốt cho cơ thể thì vẫn hấp thu được (giống như tóc thì đi qua còn chấy ở lại).

Ở trẻ sơ sinh, niêm mạc ruột chưa hoàn, các lông ruột và vi lông ruột chưa được đầy đủ. Thì sữa non trong 72 giờ đầu chứa các hormone cần thiết sẽ giúp cho các vi lông ruột mọc đầy ra, hoàn chỉnh hệ niêm mạc ruột. Điều này rất có ý nghĩa với sức khỏe lâu dài, chống lại sự tích tụ độc tố gây ra các bệnh ung thư, đồng thời chống tiếp nhận dư thừa giúp chống bệnh béo phì, tiểu đường về sau”.

Hiện tượng “hở ruột”: Nhiều hệ lụy

Hiện tượng “hở ruột” là một cách nói của tình trạng thiếu vi lông ruột trong niêm mạc ruột ở trẻ sơ sinh, mà nguyên nhân là do không được bú sữa non trọn vẹn trong 72 giờ đầu. Đây đồng thời là nguyên nhân làm tăng nguy cơ tiêu chảy và nhiễm trùng ở trẻ nhỏ, vì các loại khuẩn có hại và mầm bệnh dễ dàng thẩm thấu qua niêm mạc ruột vào cơ thể.

Cũng theo Thạc sỹ Lê Nhất Phương Hồng: Rất nhiều người do ngộ nhận rằng sữa mẹ chỉ về sau 3-4 ngày sau sinh nên đã bỏ lỡ 72 giờ vàng sữa non và thay vào đó là cho bé bú sữa công thức trong những cữ bú đầu đời. Mà trong những ngày đầu đời này, chỉ một cữ sữa công thức cũng khiến cho niêm mạc ruột của bé bị tổn thương và phải sau nhiều tuần bú sữa mẹ hoàn toàn mới có thể phục hồi. Và do không được bú sữa non nên hệ niêm mạc không được hoàn thiện, vi lông ruột không được mọc đầy đủ.

Nếu vi lông ruột không có cơ hội phát triển, hoặc những tổn thương bởi sữa bột gây ra không được phục hồi sẽ dẫn đến hiện tượng “hở ruột” lâu dài, dẫn đến nguy cơ cơ thể sẽ tiếp nhận cả độc tố, mầm bệnh, các tế bào bất thường...

Nếu ở liều lượng thấp không có biểu hiện bệnh lý ngay thì cũng có thể tích tụ dần trong cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư, mất trí nhớ… Một số trường hợp tổn thương nặng, bé có thể đi ngoài ra máu. Nhưng cũng có trường hợp tổn thương bên trong, không biểu hiện ra ngoài khiến bố mẹ tưởng rằng sữa bột cho trẻ em không có tác hại gì và bé bú sữa gì thì niêm mạc ruột của bé cũng phản ứng, phát triển và hấp thụ chất như nhau.

Ngoài ra, để các bà mẹ có thể yên tâm cho con bú sữa non trọn vẹn trong 72 giờ đầu, Thạc sỹ Lê Nhất Phương Hồng khẳng định: “Trong 72 giờ đầu bé sơ sinh không hề bị đói, bé không cần năng lượng từ việc ăn uống. Nên ngoài sữa non của mẹ, bé không cần ăn thêm bất cứ loại dung dịch, thực phẩm nào khác, kể cả sữa công thức.

Cơ thể chúng ta có một cơ chế gọi là cơ chế điều tiết đối ứng, trong quý cuối của thay kỳ, cơ thể của thai nhi được tích lũy mỡ trắng, 10% mỡ trắng đó được tạo ra nhằm dự trữ năng lượng dùng cho 72 giờ đầu sau sinh. Mục đích là để không phụ thuộc vào chuyện ăn uống, cho dù bú được ít hay nhiều thì năng lượng dự trữ đó vẫn đủ để nuôi sống cơ thể một cách hoàn toàn khỏe mạnh chứ không phải là "chưa chết đói". Đây là cơ hội để cho bé bú trọn vẹn sữa non để nhận được những lợi ích tuyệt vời của sữa non.

Ngoài ra, do bé chưa từng ăn qua dạ dày, dạ dày trẻ sơ sinh trong ngày đầu sinh ra chỉ có dung tích 5mililit, bằng đầu ngón tay, và chưa có dịch tiêu hóa nên bé không có cảm giác đói. Nếu bé khóc thì có thể là do bé cảm thấy không an toàn do bị đột ngột thay đổi môi trường (từ môi trường trong bụng mẹ ra ngoài) và có nhu cầu được ôm ấp, vỗ về chứ không phải vì đói”.

Vì vậy, ngay sau khi sinh, càng sớm càng tốt, bé cần được da tiếp da với mẹ càng nhiều càng tốt. Da tiếp da được hiểu là ngực trần của bé (bé chỉ quấn tã) được ấp trên ngực trần của mẹ, nếu sợ lạnh có thể đắp chăn phủ lên trên (nếu mẹ sức khỏe yếu không thực hiện được thì bố, ông, bà… có thể thay thế). Việc da tiếp da với mẹ sẽ giúp bé có đủ thời gian để thích nghi với môi trường và cảm thấy yên tâm hơn khi bị chuyển đổi sang môi trường mới một cách đột ngột.

+ Xem thêm:

LÀM GÌ KHI TRẺ SƠ SINH BỊ BẸP ĐẦU

CÁC LÝ DO MẸ KHÔNG NÊN CHO CON BÚ NẰM

 

 


Nguồn bài viết: sưu tầm
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: