Gì cũng ngoan, ngoại trừ nết ăn
Tôi cho con bú mẹ đến 18 tháng tuổi, nhưng qua đến tháng thứ 6 con vẫn phải tập ăn dặm như các bé khác, do đó là thời điểm tôi bắt đầu đi làm trở lại sau kỳ thai sản. Đều như vắt chanh, mỗi sáng tôi đi chợ mua đồ tươi về cho con: thịt heo, thịt bò, thịt gà, cá, tôm… Riêng cua, chỉ cuối tuần rảnh tôi mới có thể mua về lột và cất cho con ăn dần. Trộm vía, giai đoạn ăn dặm con hợp tác rất tốt, nhưng qua 1 tuổi trở đi, con bỗng dưng biếng ăn đột ngột.
Mặc dù tôi cố gắng đổi bữa cho con: sáng thì cháo cá, trưa cháo gà, chiều cháo thịt bò bằm; cháo luôn được nấu kèm rau củ, hầm với nước ninh xương… nhưng hiếm khi nào bé nhà tôi chén hết phần cháo.
Bé biếng ăn khiến mẹ stress, lo lắng (Ảnh: Internet)
Trong khi cháo mẹ nấu thì con phản đối, đút bao nhiêu nhè ra hết bấy nhiêu, nhưng cháo dinh dưỡng người ta bán thì con ăn thun thút. Có dạo, con lười ăn đến mức mỗi bữa ăn kéo dài cả tiếng vẫn chưa xong. Ở nhà với bà ngoại, con cũng nói không với cháo, con dùng cách ngậm chặt miệng không cho bà đút. Mỗi bữa ăn là một trận chiến của con với bà, với mẹ. Có lúc, stress quá vì con không ăn, tôi đã phải tránh đi ra ngoài, tránh trút cơn bực dọc vào người con trai bé bỏng.
Mỗi khi nhìn thấy các bé hàng xóm ăn thun thút là tôi thấy ham. Con mình thì mỗi ngày 2 chén cháo mà không hết, cả ngày cũng chỉ bú 500-600ml sữa, tối chỉ ngậm ti mẹ. Con hầu như không bao giờ biết đói bụng và hầu như không bao giờ muốn ăn trừ khi ba mẹ đút. Con có thể chạy giỡn suốt ngày không biết mệt, nhưng ăn thì rất ít, nên nhiều khi tôi cũng thắc mắc sao con lại có năng lượng như thế? Việc con ăn kém kéo theo con đi ngoài cũng xấu, cứ lỏng lỏng chứ không thành khuôn, may quá mỗi ngày con chỉ “đi” một lần.
Dù con rất ngoan, chịu chơi, tự ngủ, không quấy phá, không khóc nhè… nhưng cái khoản lười ăn này cũng đủ khiến tôi stress.
Vượt qua giai đoạn biếng ăn
Có lần, tôi cho con đi khám ở khoa dinh dưỡng, bác sĩ thẳng thắn trả lời: “Trẻ từ 1-5 tuổi hầu như đều trải qua giai đoạn biếng ăn. Ngay cả con anh còi do biếng ăn mà anh cũng… bó tay, không ép được!”.
Giai đoạn từ 1-5 tuổi, nhu cầu tăng cân của các con rất ít, trung bình chỉ khoảng 1-2kg/năm (bằng ¼ so với giai đoạn trước 1 tuổi). Có những bé sau 1 tuổi có thể đứng cân 3-4 tháng là chuyện bình thường. Nếu ba mẹ để cho các con tự ăn theo nhu cầu của chúng (chứ không phải nhu cầu của ba mẹ), thì cứ sau giai đoạn biếng ăn khoảng 2-4 tuần lễ, bé sẽ ăn lại ngon lành hơn. Cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý là chuỗi ngày này sẽ tiếp tục lặp lại.
Cha mẹ không nên can thiệp sâu vào chuyện ăn uống của con. Hãy để bé tự quyết định muốn ăn bao nhiêu thì ăn. Nhiệm vụ của mẹ là bày ra cho chúng những đồ ăn có đủ dưỡng chất và dĩ nhiên là phải ngon. Bé có thể thích món này và ăn nhiều, hoặc chúng không thích món kia nên ăn ít, mẹ đừng lo lắng hay ngạc nhiên vì chuyện đó hoàn toàn bình thường. Khi bé đói, con sẽ ăn thôi. Khi con không ăn nhưng vẫn chơi đùa thì có nghĩa là bé không đói, và thường là do bé không có cơ hội nào để đói hết (vì ba mẹ ép ăn liên tục).
Hãy cho trẻ khám phá bữa ăn của bé (Ảnh: Internet)
Mẹ cũng đừng cho bé ăn vặt nhiều lần trong ngày hay ăn vặt trước bữa ăn. Ăn vặt khiến bé không bao giờ có cảm giác đói để ăn. Ăn vặt cũng không làm cho bé no bụng là chỉ lưng lửng, làm giảm cảm giác thèm ăn và bé chỉ càng biếng ăn thêm. Nếu có, chỉ nên cho ăn vặt một lần mỗi ngày, sau khi bé đã ăn bữa chính.
Mẹ đừng phục vụ bé nếu bé tự xúc được. Dù bé nghịch trây trét đầy mâm, nhưng như vậy bé mới thích thú và muốn khám phá bữa ăn. Mẹ cũng đừng cho bé uống quá nhiều sữa mỗi ngày. Trẻ trên 1 tuổi nên ăn cơm/cháo và các loại rau củ quả để cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của bé. Mỗi ngày, bé chỉ cần uống 1-2 ly sữa tươi là đủ rồi (khoảng 200-300ml). Mỗi bữa ăn nên kéo cài 30 phút là tối đa. Cho bé ăn khẩu phần ít hơn bạn nghĩ bé ăn được, để bé có thể hoàn tất bữa ăn.
Khi tôi áp dụng những biện pháp trên với con, tôi thấy có sự chuyển biến rõ nét ở con. Con từ biếng ăn, chuyển sang tình trạng đã biết đòi ăn, ăn ngon miệng, đúng bữa và hết phần. Để đạt được điều này, tôi cũng đã phải kiên nhẫn chờ đợi con, có khi cả ngày con không ăn một hột cơm, chưa hết một chén cháo, nhưng con sẽ ăn bù lại ở ngày hôm sau. Tôi cũng không bao giờ quan tâm tới việc bé nhà mình không cao lớn như những đứa trẻ khác. Với tôi, quan trọng nhất là con khỏe mạnh, cả về thể chất và tinh thần.
+ Xem thêm:
9 VẤN ĐỀ CỦA MẸ - KHI CON: BIẾNG ĂN, LƯỜI BÚ, CHẬM TĂNG CÂN