TP.HCM Dịch Bệnh Bủa Vây Trẻ Nhập Viện Hàng Loạt

  14762

​Những ngày đầu tháng 10, số lượng trẻ nhập viện do bệnh hô hấp, sốt xuất huyết tăng gấp 2-3 lần so với trước. Số ca mắc tay chân miệng cũng bắt đầu tăng.

Những ngày đầu tháng 10, số lượng trẻ nhập viện do bệnh hô hấp, sốt xuất huyết tăng gấp 2-3 lần so với trước. Số ca mắc tay chân miệng cũng bắt đầu tăng.

Tuyệt đối không làm những việc này trước khi đi ngủ nếu bạn không muốn tổn thọ sớm
Cảnh báo bùng phát bệnh cúm A/H1N1 lúc chuyển mùa
Hiểm họa “chết người”: Thịt lợn nái tẩm hóa chất độc hại thành thịt bò tràn lan thị trường Việt

Liệt cả người do sốt xuất huyết

Sáng 6/10, trước cửa Phòng cấp cứu khoa Hô hấp, BV Nhi Đồng 2 TP.HCM, nhiều người nhà bệnh nhi (BN) đứng nhốn nháo chờ tin từ bác sĩ (BS). Chị Lý (nhà ở Q.Phú Nhuận) kể: “Mấy hôm nay mưa liên tục, trời chuyển lạnh, con gái ba tuổi của tôi là N.T.Q.L. ho liên tục. Tôi cũng mua thuốc cho cháu uống nhưng đêm cháu cứ bứt rứt, ho khan, không ngủ được, sau đó thở khó. BS đang khám cho cháu trong Phòng cấp cứu”.

BS Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng khoa Hô hấp, cho biết: trẻ bị bệnh hô hấp bắt đầu tăng nhẹ vào tháng Tám, với 180 - 200 ca/ngày, đến cuối tháng 9 - 10 thì tăng mạnh. Hiện mỗi ngày khoa Hô hấp có đến 300 trẻ nhập viện. Tại khoa Hô hấp dịch vụ cũng có 130 trẻ đang điều trị.

Trẻ mắc bệnh chủ yếu dưới 12 tháng, chiếm 50%. Riêng ở Phòng cấp cứu đang có 26 BN cần theo dõi sát vì viêm phổi, viêm tiểu phế quản nặng, lên cơn suyễn cấp tính hoặc mắc bệnh hô hấp lâu ngày không khỏi được các BV tuyến tỉnh chuyển lên; đã có ca tử vong do suy hô hấp, ngưng thở. Trẻ bị hô hấp tử vong thường chỉ dưới 1%, chủ yếu do mắc thêm các bệnh lý nền như bệnh bẩm sinh ở não, bệnh Down, hệ miễn dịch yếu…

Có thời điểm, trẻ nhập viện ở Phòng cấp cứu tăng đột ngột, phải nằm ghép hai-ba trẻ/giường. Mới đây, khoa Hô hấp tiếp nhận bé trai 15 tháng tuổi bị viêm phổi nặng, nguy kịch. Sau nhiều ngày điều trị tích cực, bé đã hồi phục. Tương tự, khoa Hô hấp BV Nhi Đồng 1 cũng đang trong tình trạng quá tải với 370 BN nhập viện.

Riêng bệnh SXH, theo BS Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2, năm nay số trẻ mắc SXH không giảm, thậm chí nhiều ca nặng hơn, đặc biệt có những ca chỉ vài tháng tuổi. Cách đây mấy tháng, số trẻ bị SXH nhập viện chỉ 10-20 ca, nay mỗi ngày lên 60-70 ca, trong đó nhiều ca bị sốc nặng, nhiễm trùng máu, tổn thương gan, thận…

Ngồi cạnh con bên giường bệnh, cha của bé L.Q. (bốn tháng tuổi, nhà ở Q.Gò Vấp) ray rứt: “Không ai nghĩ cháu mới sinh được bốn tháng lại bị SXH. Lúc đầu thấy cháu sốt nhẹ, gia đình nghĩ cháu chỉ sốt thông thường, đến khi cháu lừ đừ mới đưa đi khám thì phát hiện bị bệnh này. Tôi vừa nghe điện thoại báo, anh trai cháu ở nhà cũng có biểu hiện mắc SXH. Tôi đã phải nghỉ việc hơn tuần nay để chăm con”.

BV Nhi Đồng 2 cũng vừa tiếp nhận bé trai T.K., 15 tháng tuổi, bị SXH thể nặng, liệt tay chân, tím tái toàn thân do rối loạn hệ thần kinh, mạch máu. Sau một tuần thở máy, lọc máu liên tục… BN đã có dấu hiệu hồi phục.

Bệnh tăng mạnh sau tựu trường 

Ngay sau thời điểm khai giảng năm học mới, tình hình trẻ mắc bệnh TCM có chiều hướng diễn biến phức tạp, cả về số lượng lẫn cấp độ. Tại BV Nhi Đồng 2, mỗi ngày có hơn 30 bé mắc TCM đến khám, tăng gần gấp đôi so với lúc nghỉ hè, nhiều trẻ bị độ 3,4 (độ nặng nhất và rất nguy hiểm).

Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, hai tuần qua lượng trẻ mắc TCM đến BV Nhi Đồng 1 cũng tăng đột biến so với tháng trước, mỗi ngày có 70-80 trẻ mắc TCM nhập viện; trong khi trước đó chỉ 30 ca/ngày. Đáng chú ý là nhiều trẻ mắc bệnh thể nặng, bệnh diễn tiến nhanh; nhiều trẻ suy hô hấp, phải thở máy.

Bé L.Q. mới bốn tháng tuổi đã bị sốt xuất huyết (ảnh chụp sáng 6/10 tại BV Nhi Đồng 2)

BS Trương Hữu Khanh cho biết, bệnh TCM thường gặp ở trẻ nhỏ dưới ba tuổi, trẻ càng nhỏ bệnh càng dễ diễn tiến nặng. Nếu được chăm sóc, điều trị tốt đa số sẽ khỏi bệnh trong 7-10 ngày.

Triệu chứng khi trẻ mắc TCM thường là trẻ tự nhiên bỏ ăn, chảy nước miệng, khóc, đau miệng. Trẻ sốt một-hai hôm thì hết, nổi mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối, lở trong miệng. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu trên, phụ huynh nên đưa đến BS. Nếu trẻ sốt hơn hai ngày, từ 39 độ trở lên, uống thuốc hạ sốt không hạ thân nhiệt, trẻ nôn ói hay nhợn ói thì phải lập tức đưa vào BV hoặc cơ sở y tế.

Trường hợp diễn tiến nặng trẻ sẽ có dấu hiệu giật mình chới với, lúc thiu thiu ngủ thì nẩy người lên, trẻ đi không vững, tay chân yếu, người run. Nếu không điều trị kịp trẻ sẽ hôn mê, thở mệt, da nổi bông, mạch sờ không thấy hoặc rất nhanh.

Để phòng ngừa, phụ huynh nên thường xuyên rửa tay cho trẻ và cả người lớn. Khi trẻ mắc bệnh nên cho trẻ ở nhà trong khoảng 10 ngày và báo với cô giáo để phòng cho những trẻ khác. Ra trạm y tế phường xin thuốc sát trùng sàn nhà, đồ chơi. Vệ sinh nơi bé sinh hoạt, đồ chơi...

Theo BS Trương Hữu Khanh, trẻ nổi mụn nước nhiều quá, mức độ ngày càng tăng khiến phụ huynh lo lắ ng nhưng thường nổi mụn nhiều bệnh lại nhẹ hơn. Phụ huynh không cần bôi thuốc xanh vì không hiệu quả, lại làm cho việc khám, chẩn đoán của BS khó khăn hơn. Chỉ cho trẻ tắm rửa bình thường, đến ngày mụn sẽ khô. Nếu mọng nước không loét miệng nhiều gây bội nhiễm thì không cần cho trẻ sử dụng kháng sinh.

Nhiều phụ huynh còn hỗ trợ vitamin cho trẻ nhưng việc này không cần thiết. Nếu trẻ bị đau họng do vết loét thì lấy gói Grangel hay phosphalugel (thuốc dạ dày) bỏ vào ngăn mát tủ lạnh ngậm hay chấm vào vết loét sẽ hết đau. Trẻ đau miệng, không chịu ăn, phụ huynh nên chờ thức ăn nguội hẳn hay làm mát cho dễ ăn.

Không cho trẻ ăn nóng, cay, chua. Thường thì sau ngày thứ tư trở lên, trẻ không giật mình không sốt cao là sẽ ổn dần. Phụ huynh nên lưu ý dấu hiệu giật mình, vì nếu không giật mình thì rất hiếm khi trẻ có biến chứng.

BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, theo thống kê sơ bộ tuần qua, SXH tăng 9% so với trung bình của bố n tuần trước (562 ca/511 ca), tăng 27% so với năm 2015 và 2016. Số ca mắc TCM tuy thấp hơn so với cùng kỳ những năm trước (giảm 30% so với năm 2014 và 2015), nhưng lại tăng so với trung bình số ca mắc bố n tuần trước đó (tăng 35%). Trung tâm Y tế dự phòng đã có văn bản gửi ngành giáo dục và các địa phương đề nghị phối hợp ngăn ngừa dịch bệnh.

+ Xem thêm:

BÉ TRAI NGUY KỊCH VÌ BỊ SỐT XUẤT HUYẾT

DỊCH SỐT XUẤT HUYẾT KHIẾN NHIỀU NGƯỜI TỬ VONG


Nguồn bài viết: phunu
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: