Tôi Đã Có Bài Học Xương Máu Vì Cho Con Uống 30ml Sữa Bột Ngay Sau Khi Sinh

  54277

Mình nghe lời mọi người nói là sinh con xong, sữa thường không về ngay nên mình cũng đi mua một hộp sữa bột về và sinh con ra, mình 'tống' cho con 30 ml ngay lập tức. Bây giờ nghĩ lại mới thấy thật là tội cho con.

Như nhiều người, Hương Ly không biết rằng kích thước dạ dày của trẻ mới sinh chỉ bằng một hạt đậu và việc cho bé ăn nhiều sẽ làm giãn dạ dày quá nhanh. 

Nuôi con không phải cuộc chiến, đó có lẽ là mong muốn của mọi bà mẹ, còn với mẹ Gấu Yumi (Hà Nội), đây là thành quả mà chị đã đạt được trong suốt gần hai năm cố gắng và trải qua nhiều "bài học xương máu". Nhớ lại những ngày đầu làm mẹ, Hương Ly (tên thật của mẹ Gấu Yumi) chia sẻ: “Mình 'gà' lắm, lóng ngóng và vụng về nữa, đến bế con, dỗ con thế nào mình cũng không biết. Bản thân mình cũng không tìm hiểu về việc nuôi con nhỏ từ trước nên khi sinh bé, mình hầu như chẳng biết gì cả. Vì vậy mà không thể tránh được những sai lầm. Đầu tiên là vụ nuôi con bằng sữa mẹ.


Quyết tâm nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn, Hương Ly từng rất buồn khi mọi người xung quanh chê ít sữa, sữa không tốt...

 Mình nghe lời mọi người nói là sinh con xong, sữa thường không về ngay nên mình cũng đi mua một hộp sữa bột về và sinh con ra, mình 'tống' cho con 30 ml ngay lập tức. Bây giờ nghĩ lại mới thấy thật là tội cho con. Sau đó, mình bắt đầu tìm hiểu kiến thức nuôi con từ các diễn đàn, các hội nhóm, tìm hiểu xem thứ gì tốt nhất cho con, cho bà mẹ sau sinh, làm cách nào để sữa mau về, ăn gì, kiêng gì sau sinh… Lúc này, mình mới biết đến mấy khái niệm sữa non, cách cho con bú để sữa về nhiều và sự quan trọng của sữa mẹ... Mình đọc nhiều đến mức bị đau mắt suốt. Nhưng trước khi hiểu hết mấy cái đó, mình còn trải qua một 'kinh nghiệm đau thương' khác.

Mình thuê một người về massage nặn sữa, đau điếng người nhưng vẫn cắn răng chịu đựng để có sữa cho con. Rồi mình ngồi gò lưng vắt sữa bằng cái xi lanh bé tí, đau gãy cả tay mà vẫn bị tắc sữa đến phát sốt. Khi có những giọt sữa đầu tiên thì mình lại bị nứt cựa gà. Sữa ra ít nên mỗi lần bú là con ngậm, có lần đến 2h đồng hồ, đau chảy nước mắt. Thời gian đó, mình cứ lặp đi lặp lại điệp khúc: con ti - bôi thuốc mỡ - lau sạch bằng nước ấm - con ti.

Vậy mà một tháng trôi qua, mình vẫn không đủ sữa cho con bú. Mọi người xung quanh thì nói: 'Mẹ nó không có sữa; Sữa mẹ nó không tốt… - buồn lắm nhưng mình bỏ ngoài tai hết và quyết tâm không bỏ cuộc vì con là quan trọng nhất. Mình lại 'tầm sư học đạo' rồi đọc được 'nguyên tắc vàng' là phải cho con ti hết một bên rồi mới đến bên kia và kiên trì áp dụng. Một tháng rưỡi sau sinh, mình tạm thời không còn khủng hoảng vì vấn đề sữa mẹ và đủ sữa cho con. Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu nên bé cũng ít khi ốm hoặc ốm thì nhanh khỏi, không phải điều trị kháng sinh".


Bé Gia Nhi trộm vía ít khi bị ốm và theo mẹ đi du lịch khắp mọi miền Tổ Quốc.

 Ấn tượng từ sai lầm đầu tiên vì cho con ăn quá nhiều sâu đậm nên giai đoạn sau này, mẹ Gấu Yumi thay đổi cách suy nghĩ và chăm con. "Mình tôn trọng con, ngay khi con còn bé xíu và bắt đầu từ việc tôn trọng thể tích dạ dày của con, không ép con ăn hay nhồi nhét. Khi con ốm, mình cũng kiên trì chăm con, không vội dùng thuốc kháng sinh. Mình cho con bú sữa mẹ hoàn toàn đến tháng thứ 6 thì cho con tập ăn dặm nhưng trong 9 tháng đầu đời, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính. Thời gian đầu chỉ là tập cho bé làm quen với ăn dặm thôi. Sau 9 tháng, bé mới cần ăn dặm đủ chất. Mình thấy nhiều mẹ than vãn về chuyện nuôi con nhỏ nhưng theo mình, hãy làm tất cả những gì có thể mà mình cho là tốt nhất với con nhưng bản thân mình cũng phải thấy thoải mái, chăm con nhưng không được bỏ qua cảm giác của mình".

Hương Ly cho biết, mặc dù may mắn có được một cô con gái rất ngoan nhưng vẫn phải có những nguyên tắc nhất định dành cho con và cố gắng thống nhất với các thành viên khác trong gia đình. Điều này có ý nghĩa quan trọng để rèn tính tự lập sớm cho con và nhờ đó, áp lực của mẹ cũng giảm đi. Ngoài ra, mẹ Gấu Yumi cũng duy trì chế độ ăn uống bình thường, không nhồi nhét quá nhiều thực phẩm béo, ngấy làm tăng cân không cần thiết, tranh thủ tối đa những lúc có người giúp đỡ để nghỉ ngơi hoặc làm điều mình thích. "Giai đoạn sau sinh không cần kiêng cữ quá mà thi thoảng cho con ra ngoài chơi, đi dạo vừa giúp hai mẹ con thư giãn vừa tăng sự gắn kết. Có những hành động tưởng chừng như rất nhỏ nhưng lại củng cố thêm tình yêu giữa mẹ và con", bà mẹ một con chia sẻ.


Giai đoạn ăn dặm, bé cũng hợp tác tốt vì được mẹ cho ăn theo nhu cầu, sở thích.

+ Xem thêm:

NHỮNG CÚ SỐC ĐẦU TIÊN CỦA MỘT ÔNG BỐ TRẺ

BỨC THƯ CON GÁI GỬI BỒ NHÍ CỦA BỐ


Nguồn bài viết: sưu tầm
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: