Khi con đến tuổi ăn dặm, nhiều ông bố bà mẹ bị áp lực và mất ăn mất ngủ, vì trẻ cứ ngậm miệng hoặc đút vào cũng phun ra.
Để quá trình tiếp cận “cái mới” của trẻ diễn ra nhẹ nhàng và không quá vất vả cho cả bạn lẫn con, các bậc phụ huynh cần xây dựng những thói quen tốt ngay từ thời điểm bắt đầu cho trẻ tập ăn.
Ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng để cơ thể trẻ phát triển khỏe mạnh, chế độ ăn dặm là giai đoạn mà trẻ được khám phá nhiều loại thực phẩm khác nhau, kết cấu, màu sắc cũng như mùi vị đặc trưng của từng loại.
1. Lên thực đơn cố định phù hợp nhu cầu của trẻ
Khi trẻ đã quen với thức ăn tương đối đặc, bạn nên bổ sung thêm trái cây, các món ăn vặt phù hợp và những bữa phụ vào các giờ cố định trong ngày, đồng thời duy trì các mùi vị giống nhau trong ít nhất là 15 ngày. Bằng cách này, trẻ sẽ bắt đầu nhận biết được mùi và kết cấu của những món ăn mới một cách nhẹ nhàng, biết được thời điểm nào chúng sẽ được ăn món gì và trở nên thoải mái hơn trong việc tiếp nhận thức ăn so với việc uống sữa công thức hay bú mẹ.
2. Giúp trẻ trải nghiệm mùi vị và kết cấu của món ăn
Mọi thứ mà bạn cho trẻ ăn khi bắt đầu ăn dặm luôn phải được tán nhuyễn. Hãy cố gắng chỉ cho con nếm từng món một trong mỗi cữ ăn và thay đổi thực phẩm thường xuyên. Thí dụ, bé đã ăn món cháo với các loại rau, củ thì nên cho bé thử món súp khoai tây sữa vào ngày hôm sau. Điều này giúp trẻ hiểu được rằng, thức ăn không phải lúc nào cũng nhạt nhẽo và đơn điệu với vị giác của chúng.
3. Đừng tìm cách để mua chuộc trẻ ăn
Nếu bạn nghĩ rằng sử dụng các loại đồ ngọt như kẹo, bánh hay sô-cô-la sẽ dụ được trẻ ăn hết phần- chắc chắn, bạn đã sai lầm. Mặc dù giải pháp tình thế này có thể giúp trẻ ăn nhiều hơn ở những lần đầu, nhưng càng về sau, trẻ càng lệ thuộc vào các món ăn vặt không tốt cho sức khỏe. Thậm chí, chúng sẽ cố ăn nhiều đồ ngọt hơn và bỏ lại thức ăn chính (mà lẽ ra chúng phải ăn hết). Nếu trẻ có biểu hiện không thích ăn khi tới bữa, bạn có thể ngưng bữa ăn lại, đợi khoảng 30 phút đến 1 tiếng sau lại cho ăn tiếp khi trẻ đã bắt đầu cảm thấy đói.
4. Khuyến khích trẻ tự ăn
Tạo cho trẻ có thói quen tự ăn sẽ giúp ích rất nhiều trong việc rèn luyện kỹ năng ăn uống của chúng. Bạn nên cho trẻ ăn những thực phẩm có thể bốc tay và để trẻ tự “kiểm soát” bữa ăn của chính mình. Từ chín tháng tuổi trở đi, hãy thử cho trẻ ăn các loại rau, củ hầm mềm, nui đã luộc chín hoặc trái cây chín. Bạn chỉ cần ở bên cạnh con và hỗ trợ chúng kịp thời vì đây cũng là giai đoạn mà trẻ đang học về phản xạ nhai và nuốt.
5. Tự làm thức ăn cho con
Những món ăn tự làm không chỉ giàu dinh dưỡng, tươi ngon, mang đến cho trẻ những bữa ăn lành mạnh hơn so với thức ăn được chế biến sẵn hay đồ hộp. Bạn cần nhớ rằng, vị giác của trẻ vẫn đang phát triển và những thực phẩm bạn cho con mình ăn sẽ tác động đến sự lựa chọn thức ăn của chúng trong tươi lai.
6. Những trò chơi từ thức ăn
Thay vì buộc trẻ phải miễn cưỡng “há miệng chờ sung”, bạn có thể biến mỗi bữa ăn của con thành những giờ vui bằng cách cho trẻ khám phá những hình dạng, màu sắc của thực phẩm thông qua những bài hát thiếu nhi quen thuộc. Từ 2 tuổi trở lên, bạn đã có thể cho bé tham gia vào quá trình chế biến, tạo hình cho món ăn, hoặc cho trẻ lựa chọn thực phẩm khi đi mua sắm cùng bạn… Những hành động tuy nhỏ, nhưng lại có tác dụng khơi gợi “tâm hồn ăn uống” của trẻ, giúp chúng có cảm giác thích thú với món ăn và sẽ ăn được nhiều hơn.
7. Tạo hình hấp dẫn cho các món ăn
Những mẩu bánh mì hình các con thú, cà rốt hình ngôi sao, cơm được nhồi trong quả ớt chuông… đều khiến các bé thích thú khám phá bữa ăn của chính mình. Do đó, bạn nên phát huy khả năng sáng tạo của mình trong các bữa ăn của con nhằm kích thích trẻ yêu thích thức ăn và ăn ngon miệng hơn.
8. Tập cho trẻ ăn rau xanh
Trẻ em không thích ăn rau, vì vậy, để chúng ăn được nhiều rau hơn, bạn có thể băm nhỏ và trộn lẫn vào thức ăn, hoặc chế biến thành những món hấp dẫn như rau, củ ngũ sắc hay chiên giòn chấm cùng nước sốt…
9. Cho trẻ đến nơi trồng rau, nuôi gia súc
Đây là một trong những cách để bạn giúp con mình có thêm kiến thức về những thực phẩm mà chúng đã nạp vào cơ thể. Hãy cho trẻ về quê hoặc nơi trồng rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm và chỉ cho chúng biết các loại thực phẩm đã được trồng, chăm sóc và thu hoạch như thế nào. Điều này sẽ giúp trẻ thích thú hơn với những thứ mà chúng sẽ ăn.
10. Chia nhỏ bữa ăn của trẻ
Những đứa trẻ kén ăn thường từ chối mọi thứ có trong chén của chúng. Trong trường hợp này, bạn không thể ép trẻ ăn trọn vẹn khẩu phần theo qui định. Vì vậy, hãy chia nhỏ bữa ăn và cho chúng ăn khoảng hai tiếng một lần. Bằng cách này, bạn sẽ đảm bảo được sự cân bằng trong khẩu phần ăn của con, giúp con không bị suy dinh dưỡng.
Đồng thời cho trẻ ăn thêm hững thực phẩm ăn vặt lành mạnh khác như nước ép trái cây, trái cây, các loại quả hạch, sữa chua… theo nhu cầu.
+ Xem thêm:
TOP 7 LOẠI RAU QUẢ CỰC TỐT CHO BÉ ĂN DẶM
NHỮNG LOẠI RAU GIÚP TRẺ THÔNG MINH