Bạn đang thắc mắc về thủ tục làm giấy khai sinh, nhập hộ khẩu cho con theo quy định của pháp luật hiện hành? Bài viết sau sẽ là tất cả những gì bạn muốn biết.
Lợi ích của việc ba mẹ làm giấy khai sinh, nhập hộ khẩu sớm cho trẻ sẽ đảm bảo những quyền lợi chính đáng của trẻ về mặt pháp luật và nhà nước. Theo đó, trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con, cha, mẹ phải đi khai sinh cho con mà không bị tính phí, trường hợp bận có thể nhờ ông, bà hoặc người thân đi làm giúp. Nếu làm giấy khai sinh trễ, quá thời hạn quy định sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền.
Dưới đây là các thủ tục làm giấy khai sinh, hộ khẩu cho con ba mẹ nên biết:
Thủ tục đăng ký làm giấy khai sinh cho con
1. Thủ tục đăng ký làm giấy khai sinh đúng hạn
Bước 1: Chuẩn bị các giấy tờ cần thiết
Người đi đăng ký khai sinh (cha, mẹ, ông, bà hoặc người thân thích khác của trẻ) chuẩn bị những giấy tờ sau:
Giấy chứng sinh (do Bệnh viện, Cơ sở y tế nơi trẻ sinh ra cấp). Nếu trẻ sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Nếu không có người làm chứng, người đi khai sinh làm giấy cam đoan việc sinh là có thực;
Sổ Hộ khẩu (hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể, Giấy đăng ký tạm trú có thời hạn của cha, mẹ trẻ. Trường hợp đã ly hôn thì mang hộ khẩu của người đi khai sinh;
Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ (nếu cha, mẹ của trẻ có đăng ký kết hôn). Nếu cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ quan hệ hôn nhân của cha mẹ, không bắt buộc xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn;
CMND/Hộ chiếu Việt Nam (bản chính và bản photo) của cha mẹ hoặc người đi làm thay;
Điền mẫu tờ khai đăng ký khai sinh (Mẫu TP/HT-2012- TKKS.1 quy định tại Nghị định 06/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực).
Bước 2: Nộp giấy tờ ở đâu?
Nộp các giấy tờ trên tại UBND xã, phường, thị trấn (gọi tắt là UBND cấp xã) nơi người mẹ đăng ký thường trú (áp dụng trong trường hợp cả cha và mẹ của trẻ là công dân VN cư trú trong nước).
Nếu người mẹ có nơi đăng ký thường trú nhưng thực tế đang sinh sống, làm việc ổn định tại nơi đăng ký tạm trú, thì UBND cấp xã, nơi người mẹ đăng ký tạm trú cũng có quyền đăng ký khai sinh cho trẻ.
Trường hợp người mẹ không có nơi đăng ký thường trú thì UBND cấp xã nơi người mẹ đăng ký tạm trú thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ. Nếu không xác định được nơi thường trú, tạm trú của người mẹ thì UBND cấp xã nơi đăng ký thường trú của người cha thực hiện việc đăng ký khai sinh. Nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ và người cha, thì nộp tại UBND cấp xã, nơi trẻ đang sinh sống trên thực tế.
Một số trường hợp cụ thể khác:
+ Đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi được thực hiện tại UBND cấp xã, nơi cư trú của người đang tạm thời nuôi dưỡng hoặc nơi có trụ sở của tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ đó.
+ Trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh để trống. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì UBND cấp xã kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.
+ Trẻ sinh ra tại VN, có cha và mẹ là công dân VN định cư ở nước ngoài: nộp hồ sơ tại UBND cấp xã, nơi người mẹ hoặc người cha cư trú trong thời gian ở VN.
+ Trẻ sinh ra tại VN, có cha hoặc mẹ là công dân VN cư trú ở trong nước, còn người kia là công dân VN định cư ở nước ngoài: nộp hồ sơ tại UBND cấp xã, nơi cư trú của người là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ đăng ký khai sinh và cấp giấy khai sinh
Sau khi nhận và kiểm tra các giấy tờ trên, cán bộ Tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, trình Chủ tịch UBND cấp xã ký vào bản chính Giấy khai sinh.
Giấy khai sinh chỉ được cấp 1 bản chính. Bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi khai sinh.
Thời hạn giải quyết cấp giấy khai sinh: trong 1 ngày. Trường hợp cần xác minh, không quá 05 ngày làm việc. Thời gian nhận giấy khai sinh: từ Thứ 2 đến sáng Thứ 7 hàng tuần.
2. Thủ tục làm giấy khai sinh quá hạn cho con
Người đăng ký khai sinh quá hạn nộp các giấy tờ:
- Giấy chứng sinh (theo mẫu quy định): Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi sinh ra cấp; nếu sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.
- Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ đẻ (nếu cha, mẹ của người được khai sinh có đăng ký kết hôn).
Sau khi nộp đủ giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào sổ đăng ký bản chính Giấy khai sinh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp một bản chính Giấy khai sinh. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “Đăng ký quá hạn.”
Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn xác minh không quá 5 ngày.
Khi đi đăng ký khai sinh nếu có hồ sơ, giấy tờ cá nhân như: Sổ hộ khẩu, Giấy chứng minh nhân dân, học bạ, bằng tốt nghiệp, lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên, mà trong các hồ sơ, giấy tờ đó đã có sự thống nhất về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán, thì sẽ được đăng ký đúng theo nội dung đó.
Trường hợp họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán trong các hồ sơ, giấy tờ nói trên không thống nhất thì đăng ký theo hồ sơ, giấy tờ được lập đầu tiên. Trong trường hợp địa danh đã có thay đổi, thì phần khai về quê quán được ghi theo địa danh hiện tại.
Phần khai về cha mẹ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh được ghi theo thời điểm đăng ký khai sinh quá hạn. Riêng phần ghi về quốc tịch của cha, mẹ bạn trong trường hợp cha, mẹ bạn đã được thôi quốc tịch Việt Nam, đã nhập quốc tịch nước ngoài, thì quốc tịch của cha, mẹ bạn vẫn phải ghi quốc tịch Việt Nam; quốc tịch hiện tại của cha, mẹ sẽ được ghi chú vào Sổ đăng ký khai sinh và mặt sau của bản chính Giấy khai sinh.
Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ làm như các bước trên
3. Thủ tục làm giấy khai sinh cho con khi ba mẹ chưa đăng ký kết hôn
Theo luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng như sau:
Điều 15. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.
Theo quy định mục II, khoản 4, điểm b thông tư 01/2008/TT-BTP ngày 02/6/2008 hướng dẫn chi tiết Nghị định 58/NĐ-CP về đăng ký hộ tịch quy định: b) Trường hợp con sinh ra trước ngày cha, mẹ đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận, thì tên của người cha sẽ được ghi ngay trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh của người con mà người cha không phải làm thủ tục nhận con.
Cho nên, với trường hợp ba mẹ chưa kết hôn nhưng có căn cứ cho thấy đã sống chung như vợ chồng, người cha vẫn được nhận con và con sẽ mang họ bố.
Thủ tục nhập hộ khẩu cho con mới sinh
Trẻ được nhập khẩu theo bố hoặc mẹ. Việc nhập khẩu cho trẻ là hoàn toàn miễn phí. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày trẻ được đăng ký khai sinh, cha, mẹ hoặc đại diện hộ gia đình, người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú cho trẻ. Nếu quá thời hạn này mà chưa làm thủ tục nhập hộ khẩu thì bị phạt tiền.
Thủ tục nhập hộ khẩu cho con cụ thể như sau:
Bước 1: Chuẩn bị giấy tờ
Người đi đăng ký nhập hộ khẩu cho trẻ (cha, mẹ hoặc đại diện hộ gia đình, ông, bà, người nuôi dưỡng, chăm sóc, người thân thích của trẻ) chuẩn bị những giấy tờ sau:
1 tờ Bản sao giấy khai sinh của trẻ (có dấu đỏ do UBND phường, xã cấp) và 1 bản photo.
Giấy chứng nhận kết hôn của bố mẹ trẻ (nếu cha, mẹ của trẻ có đăng ký kết hôn) hoặc Quyết định ly hôn và 1 bản photo.
Sổ hộ khẩu gia đình (bản chính).
Điền đầy đủ thông tin vào mẫu Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (mẫu HK02) (mẫu này lấy tại Công an quận, huyện, thị xã, thành phố).
Bước 2: Nộp giấy tờ
Nộp các giấy tờ, mẫu khai nói trên tại Công an quận, huyện, thị xã, thành phố nơi cư trú của bố hoặc mẹ (nếu bố, mẹ không cùng hộ khẩu thường trú); nơi cư trú chung của bố, mẹ (nếu có cùng HKTT).
Cán bộ nhận hồ sơ kiểm tra thông tin ghi trong mẫu khai HK02, đối chiếu các giấy tờ, lấy Bản sao giấy khai sinh (có dấu đỏ), giấy chứng nhận kết hôn, quyết định ly hôn (bản photo). (để bỏ vào hồ sơ tàng thư hộ khẩu)
Cán bộ đưa giấy hẹn, trong đó ghi rõ thời gian (tối đa 10 ngày) sẽ nhận lại sổ hộ khẩu.
Thời gian làm thủ tục và lấy hộ khẩu: từ Thứ 2 đến sáng Thứ 7 hàng tuần.
Nhập hộ khẩu và khai sinh cho trẻ là hoàn toàn miễn phí và đem lại nhiều lợi ích cho cha mẹ và trẻ sau này. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ nên làm sớm để đảm bảo quyền lợi cho trẻ nhé!