Thông Tin Từ A Đến Z Về Việc Tiêm Chủng Cho Trẻ Mẹ Nào Cũng Cần Biết

  13050

Bài viết dưới đây là những lý giải khoa học và dễ hiểu về những thắc mắc thường gặp nhất của các mẹ khi tiêm vaccine cho trẻ.

Chích ngừa (tiêm phòng, tiêm vaccine) đúng và đủ là một trong những cách khá hiệu quả để ngừa một số bệnh nhiễm trùng, ngoài một số biện pháp tương đối đơn giản và hiệu quả khác như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hay nước sát khuẩn nhanh và che miệng khi ho hay hắt hơi. 

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn thường hay thắc mắc nhiều vấn đề về chích ngừa (thậm chí lo lắng đến mức không muốn cho con đi chích ngừa), đặc biệt là về lịch chích ngừa và một số chống chỉ định chưa đúng về chích ngừa. 


BS Trí Đoàn cho biết, hệ miễn dịch của trẻ đủ sức đáp ứng để tạo kháng thể đối với sự xâm nhập của khoảng 10000 kháng nguyên cùng lúc ngay từ lúc mới ra đời. (Ảnh minh họa)

1. Chào bác sỹ, trẻ sơ sinh cần được tiêm vaccine vào thời điểm nào và nếu tiêm vaccine quá sớm liệu có an toàn không?
Ngay từ ngày đầu tiên sinh ra đời, trẻ đã có "cơ hội" tiếp xúc với rất nhiều kháng nguyên xâm nhập vào người. Kháng nguyên là những chất lạ xâm nhập vào cơ thể và có khả năng kích thích hệ miễn dịch của cơ thể tạo ra những kháng thể chống lại chúng. Ước lượng trung bình mỗi ngày trẻ sẽ tiếp xúc khoảng 20-40 kháng nguyên xâm nhập vào người qua các "cửa ngõ" của cơ thể như mũi, miệng, mắt, da. 
Những kháng nguyên xâm nhập vào cơ thể trẻ nhiều nhất là những siêu vi, vi khuẩn, ngoài ra, còn có các chất đạm trong sữa hay thức ăn. Tuy nhiên, trẻ thường ít khi bị những bệnh nhiễm trùng nặng bởi vì trẻ đã được bảo vệ bởi những kháng thể nhận từ mẹ trong giai đoạn bào thai. 
Thế nhưng có những bệnh nhiễm khuẩn mà mẹ có thể chưa có kháng thể chống lại (do chưa từng bị bệnh đó hay bị bệnh nhưng đã hết kháng thể), hay có kháng thể chống lại nhưng kháng thể đó không thể truyền sang cho trẻ trong giai đoạn bào thai và một số bệnh nhiễm khuẩn đó lại có thể gây bệnh rất nặng cho trẻ. Vì vậy trẻ cần được chủng ngừa sớm ngay sau sinh. 
Ví dụ: Nếu trẻ bị nhiễm siêu vi viêm gan B từ sơ sinh (nhiều nhất là từ mẹ lây trong lúc sanh) thì 90% trẻ bị nhiễm sẽ mang siêu vi viêm gan B suốt đời, chỉ có khoảng 10% tự khỏi và sau này, một số người mang siêu vi B sẽ có thể bị xơ gan hay ung thư gan. Vì vậy trẻ sơ sinh nên được chích ngừa viêm gan B từ rất sớm sau sanh.

2. Hiện nay, các mẹ vẫn còn rất băn khoăn về việc khoảng cách các mũi chích ngừa, có thông tin cho rằng sau 4 tuần có thể chích nhắc lại được rồi, có thông tin thì nên nhắc lại theo lịch chủng ngừa. Theo bác sỹ, vấn đề này nên được hiểu như thế nào?

Nhiều người lo sợ rằng, trẻ còn nhỏ quá và chích ngừa sớm quá thì trẻ không chịu nổi. Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, cho dù trẻ có chích ngừa hay không, trẻ vẫn tiếp xúc với vài chục kháng nguyên mỗi ngày. Hệ miễn dịch của trẻ đủ sức đáp ứng để tạo kháng thể đối với sự xâm nhập của khoảng 10000 kháng nguyên cùng lúc ngay từ lúc mới ra đời. 
Thông thường, nếu trẻ cân nặng từ 2000 gram trở lên thì có thể chích ngừa được (ít nhất là chích ngừa viêm gan B ngay lúc sanh). Nếu như trẻ sơ sinh nhẹ hơn 2000 gram nhưng cần phải chích ngừa viêm gan B ngay (trong trường hợp mẹ bị nhiễm viêm gan B) thì trẻ vẫn có thể chích ngừa được, chứ không nhất thiết phải chờ đủ 2000 gram mới chích.
Đa số các lịch chích ngừa đều tương tự nhau, chỉ có một số khác biệt nho nhỏ. Vấn đề là nắm được một số nguyên tắc cơ bản. Đối với 1 vaccine, quan trọng là biết thời điểm sớm nhất có thể chích (uống) vaccine đó và khoảng cách tối thiểu giữa 2 liều của cùng loại vaccine. 
Ví dụ: Vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván (các loại 5 hay 6 trong 1 chẳng hạn) thì chích liều đầu sớm nhất lúc 6 tuần tuổi, liều thứ 2 cách liều đầu tối thiểu 4 tuần. Do đó, nếu đưa trẻ đi khám, vì một lo lắng nào đó của ba mẹ mà lúc đó trẻ đã được 6 tuần tuổi thì có thể cho chích ngừa luôn, không nhất thiết phải đợi đến lúc đủ 2 tháng mới chích. 
Cũng vì khoảng cách tối thiểu giữa 2 liều bạch hầu - ho gà - uốn ván (các loại 5 hay 6 trong 1 chẳng hạn) là 4 tuần lễ nên có thể có lịch chích ngừa 3 tháng liên tiếp nhau hay có lịch chích ngừa lúc 2 – 4 - 6 tháng tuổi (đều bảo đảm 2 liều cách nhau tối thiểu 4 tuần lễ). 
Cũng dựa trên nguyên tắc khoảng cách tối thiểu giữa 2 liều vaccine của cùng một loại vaccine, nếu như trẻ đi chích ngừa mũi kế tiếp mà trễ so với hẹn thì cũng chỉ cần chích tiếp những liều còn lại thôi, không cần phải nhắc lại từ mũi đầu tiên nữa. 
Ví dụ: Nếu chích viêm gan B liều 1 và liều 2 xong, liều 3 thường hay bị quên (do thường cách liều đầu vài tháng) hay trẻ bị bệnh gì đó chưa chích được, thì khi nào nhớ ra hay đi khám vì một lý do nào đó, có thể chích nốt liều 3 cho dù cách liều đầu hay liều 2 cả năm trời (không cần nhắc lại từ đầu). 
Khoảng cách tối thiểu này chỉ áp dụng đối với cùng 1 loại vaccine (ví dụ cùng là vaccine bạch hầu) hay 2 loại vaccine sống dạng chích khác nhau (hiện chỉ có các loại vaccine sống dạng chích là sởi, quai bị, Rubella và trái rạ) mà được chích khác ngày. 
Hai hay nhiều loại vaccine sống dạng chích đều có thể chích cùng 1 lúc, nếu chích khác ngày thì phải cách nhau tối thiểu 4 tuần. Do đó, giữa 2 loại vaccine chết (bất hoạt) khác nhau (ví dụ viêm gan B, viêm gan A, bạch hầu, ho gà, Hib, não mô cầu), hay giữa 1 vaccine sống dạng chích và 1 vaccine chết (bất hoạt) thì không tính khoảng cách tối thiểu 4 tuần lễ.

3. Hiện nay, các bà mẹ thường truyền tai nhau về việc tiêm vaccine nhiều mũi trong một mũi có thể gây ra biến chứng cho sức khoẻ của trẻ hơn là tiêm từng mũi đơn cho mỗi lần. Theo bác sỹ, điều này có đúng?

Như đã nói ở phần trước, trong 1 lúc, hệ miễn dịch của trẻ có thể tiếp nhận đến 10000 kháng nguyên. Trên thực tế, tổng số vaccine hiện nay chưa bao giờ chiếm 1 phần nhỏ khả năng đáp ứng của hệ miễn dịch của trẻ (chiếm chừng vài phần ngàn là tối đa). Vì thế, chích bao nhiêu vaccine cùng một lúc đều được miễn thoả điều kiện tuổi tối thiểu được chích và khoảng cách tối thiểu nêu trên. 
Nhiều phụ huynh lo sợ trẻ chích nhiều vaccine cùng lúc hay chích nhiều mũi vaccine cùng lúc sẽ không chịu nổi. Thực ra, trẻ dư sức đáp ứng được miễn dịch và chịu được hết. Chích nhiều vaccine cùng lúc sẽ giúp cho trẻ được bảo vệ kịp thời đối với nhiều loại bệnh truyền nhiễm có thể ngừa được bằng vaccine, giúp tiết kiệm thời gian (và tiền bạc) đi chích ngừa nhiều lần, giúp tránh phải lỡ 1 loại vaccine nào đó và đỡ phải "hối tiếc" khi đến kỳ đi chích vaccine nào đó mà vaccine đó lại "hết hàng". 
Tôi đi thực tế ở Mỹ. Tại phòng khám, bác sỹ cho tiêm một lúc 5 – 7 mũi chích ngừa khác nhau. Tất cả các mũi vaccine được xếp lên khay để y tá tiêm lần lượt cho trẻ và các bà mẹ không bao giờ thắc mắc vì họ đã quen với việc đó.
Khi đi chích ngừa, chỉ có 1 số rất ít những chống chỉ định để không chích 1 loại vaccine nào đó. Nếu như trước đó, trẻ dị ứng nặng với vaccine (sốc phản vệ) thì không được chích vaccine đó lần sau. Nếu như trẻ bị co giật hay khóc thét liên tục trên 3 giờ sau khi chích vaccine ho gà thì cũng không nên chích tiếp ho gà. 
Nếu trẻ dị ứng nặng với trứng gà (sốc phản vệ) thì về mặt lý thuyết không nên chích vaccine cúm. Tuy nhiên, dị ứng nhẹ với trứng (nổi mề đay, mẩn ngứa sau khi ăn trứng gà) thì vẫn có thể chích ngừa cúm. Và cũng không cần phải ăn trứng gà 3 lần trước khi chích ngừa cúm (trên thế giới không thấy có khuyến cáo phải ăn trứng gà trước khi chích ngừa cúm).

4. Những thông tin về những biến chứng do chích ngừa trong thời gian gần gây khiến không ít mẹ hoang mang khi đưa con đi chích ngừa, thậm chí có mẹ còn quyết định ngưng chích ngừa cho con. Là một người thực hành nghề y, bác sỹ có nhận định gì về những "biến chứng do tiêm vaccine" này?

Thời gian gần đây, một số thông tin báo chí đăng tải các vụ biến chứng xảy ra sau khi chích ngừa mà đa số nguyên nhân tử vong không liên quan đến vaccine khiến phụ huynh không dám đưa con đi chích ngừa. Hiện nay, chưa có một kết luận thực sự nào cho thấy những trường hợp tử vong sau khi tiêm phòng là do vaccine. 

Cách đây 8 – 9 năm, có một vụ tai biến khi chích vaccine viêm gan B tại trạm y tế địa phương khiến vài trẻ tử vong. Hầu hết bố mẹ thường an táng con âm thầm, còn 1 trẻ được mổ tử thi để kiểm nghiệm và kết luận trẻ tử vong là do bị tắc mạch vành trong tim dẫn đến đột quỵ. Đó là tình trạng bệnh rất hiếm khi xảy ra ở sơ sinh, và nếu bé sơ sinh đó không chích ngừa ngày hôm đó, nó vẫn có thể tử vong do tắc mạch vành tim. 

Hai sự kiện xảy ra trước sau hay cùng lúc thì có mối liên hệ về thời gian, nhưng không chắc chúng có mối liên hệ nhân quả (có nghĩa là sự kiện này gây ra sự kiện kia). Do đó, muốn biết trường hợp tử vong sau khi chích ngừa có phải gây ra do chính vaccine hay không thì thường phải giải phẫu tử thi để khám nghiệm.


BS Trí Đoàn cho rằng, vấn đề về thông tin đôi khi không chính xác đã làm cho phụ huynh lo sợ, không cho con chích ngừa kịp thời và đầy đủ, khiến một số bệnh quay trở lại như sởi và thuỷ đậu. (Ảnh minh họa)

Vào năm 2006, có một vụ tai biến sau khi chích vaccine MMR tại một số trường ở quận 5, 1 trẻ tử vong và khoảng 5 - 6 trẻ khác bị nhiễm trùng huyết khiến cho các phụ huynh không ai dám cho con chích ngừa MMR. Thực chất, tai biến đó không liên quan đến bản thân vaccine MMR, mà là do vi khuẩn tụ cầu lây vào một số trẻ được chích và gây nhiễm trùng huyết. Nguồn gốc của vi khuẩn đó có lẽ từ hầu họng của 1 nhân viên chích ngừa, kết luận này được đưa ra sau khi đoàn thanh tra y tế kiểm tra sức khoẻ của các trẻ, các nhân viên y tá và cả của cha mẹ trẻ. 

Vấn đề về thông tin đôi khi không chính xác đã làm cho phụ huynh lo sợ, không cho con chích ngừa kịp thời và đầy đủ, khiến một số bệnh quay trở lại như sởi và thuỷ đậu. Không chỉ ở Việt Nam, mà cả trên thế giới. Năm 2012-2013 tại Anh và Wales xảy ra 1 dịch sởi gây bệnh cho khoảng 3000 bệnh nhân, hầu hết khoảng 10-18 tuổi. 

Nguyên nhân của vụ dịch sởi đó là do 1 nghiên cứu của BS Andrew Wakefield được công bố vào năm 1998 cho rằng: Vaccine MMR (sởi - quai bị - Rubella) có liên quan đến bệnh tự kỷ ở trẻ em (dù nghiên cứu này được xác định là làm giả số liệu và không được công nhận sau đó). 

Vì những thông tin đó, các phụ huynh từ chối chích ngừa cho trẻ. Kết quả là những trẻ không được chích ngừa sởi đầy đủ lúc đó đã không có đủ miễn dịch bảo vệ với sởi nên mới bị mắc bệnh sởi trong trận dịch đó. 

Tại Mỹ, từ năm 2012 đến 2013, tỷ lệ tiêm chủng có sự suy giảm nhẹ khoảng 1%. WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) cho rằng, một trong những lí do khiến cho sự tụt lùi trong việc tiêm chủng cho trẻ bao gồm sự tranh cãi về phong trào bài vaccine. Tờ Time (Mỹ) đưa tin, tỷ lệ tiêm phòng bệnh sởi ở trẻ khoảng 1 tuổi tại Mỹ là 91%, chỉ ngang bằng với đất nước Angola ở châu Phi. Điều này khiến cho bệnh sởi, vốn được coi là đã bị xoá sổ từ năm 2000 tại Mỹ đã bùng phát trở lại thành dịch sởi trên quy mô lớn vào tháng 12/2014 và lan rộng hơn mười mấy bang trên cả nước khiến người dân lo ngại. 

5. Có những thông tin cho thấy rằng thuỷ ngân được dùng trong việc bảo quản vaccine. Tuy nhiên, thuỷ ngân là chất gây hại cho cơ thể. Liệu điều này có gây nguy hại đến sức khoẻ của trẻ khi tiêm vaccine được bảo quản bởi thuỷ ngân, thưa bác sỹ?

Có một số người lo ngại về việc có chất bảo quản vaccine là thủy ngân, có thể gây hại cho não. Trong một số vaccine có chứa một lượng cực nhỏ hợp chất có thủy ngân (ethyl thủy ngân) để ngăn ngừa sự phát triển của một số loại nấm hay tác nhân nhiễm trùng (chất bảo quản vaccine). 

Trong khi đó, một số nghiên cứu cho thấy một hợp chất khác của thủy ngân (methyl thủy ngân) có thể độc đối với não. Hai loại hợp chất thủy ngân này khác nhau về bản chất, nên lo lắng về việc chất bảo quản thủy ngân trong vaccine gây độc cho não là chưa có căn cứ khoa học. Tuy nhiên, các nhà sản xuất đã loại bỏ thủy ngân ra khỏi nhiều loại vaccine (hay nếu còn thì chỉ với một lượng cực ít) hiện nay. 


Xác suất để xảy ra phản ứng sốc phản vệ khi tiêm phòng vaccine là rất hiếm (dự đoán là khoảng 1/1.000.000). Ảnh minh họa

Có lẽ điều mà phụ huynh sợ nhất khi đưa con đi chích ngừa là bé bị dị ứng vaccine nặng (tình trạng sốc phản vệ) có thể dẫn đến tử vong. Tình trạng dị ứng nặng hay sốc phản vệ do chích ngừa có lẽ không nhiều như bảo chí đăng tin. Bởi để đưa ra một vaccine trên thị trường, vaccine đó đã được kiểm tra và thử nghiệm rất nghiêm ngặt qua nhiều bước để loại trừ tất cả những rủi ro có thể xảy ra. 

Đầu tiên là chích ngừa trên động vật sống để thử nghiệm, kiểm tra phản ứng và kết quả. Sau đó chích ngừa cho một nhóm người tình nguyện nhỏ. Trong quá trình chích ngừa thử nghiệm, những người tình nguyện sẽ được theo dõi trong một thời gian đủ lâu để xem xét các phản ứng và hiệu quả từ vaccine. Tiếp đó, Vaccine mới mở rộng ra để sử dụng cho một nhóm đông hơn và cuối cùng, mới mang đến sử dụng cho số đông và cộng đồng. 

Xác suất để xảy ra phản ứng sốc phản vệ là rất hiếm (dự đoán là khoảng 1/1.000.000). So với xác suất cực thấp này, thì xác suất trẻ, khi không được chủng ngừa vaccine, có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đến tính mạng (như viêm màng não mủ, nhiễm trùng máu, ho gà, …) và lây nhiễm cho cộng đồng là một con số cao hơn rất nhiều. 

6. Đâu là biểu hiện của sốc phản vệ sau khi tiêm vaccine và trẻ sẽ có biểu hiện đó trong thời gian bao lâu sau khi được tiêm thưa bác sỹ?

Sốc phản vệ do chủng ngừa cũng sẽ có biểu hiện như bất kỳ sốc phản vệ do tác nhân nào khác như thực phẩm (đậu phộng) hay các loại thuốc chẳng hạn. Ở mức độ nặng nhất thì trẻ sẽ bị truỵ tim mạch và ngưng thở ngay lập tức. Tuy nhiên trường hợp đó hiếm khi xảy ra. Đa số sốc phản vệ sẽ có hiện tượng tụt huyết áp, khiến trẻ bị mệt nhiều, lừ đừ, tay chân lạnh. 

Ở một số người, sốc phản vệ có thể gây ra phù nề ở thanh quản (đường thở ở họng) gây khó thở cấp tính. Tình trang sốc phản vệ như vậy cần được cấp cứu kịp thời tại cơ sở y tế gần nhất. Ở bất cứ trạm y tế hay bệnh viện nào, các bác sỹ và y tá đều được đào tạo để xử lý sốc phản vệ ngay tại chỗ. Và người ta cũng tính được xác xuất là hầu hết các trường hợp sốc phản vệ đều diễn ra trong vòng 15 đến 30 phút đầu tiên sau khi tiêm. Còn hiếm hoi lắm mới có việc sốc phản vệ trong quãng thời gian lâu hơn sau đó.

Một số trẻ khi đi chích ngừa đã bị hoãn lại việc chích ngừa chỉ vì một số lý do không đáng. Việc hoãn chích ngừa này có thể làm trẻ không được bảo vệ kịp thời đối với bệnh truyền nhiễm có thể ngừa được bằng vaccine và tốn thời gian đi thêm lần khác. 

Theo BS Trí Đoàn, trẻ vẫn có thể chích ngừa được nếu như:

• Trẻ bị đau, đỏ, sưng sau khi chích bạch hầu - ho gà - uốn ván lần trước

• Trẻ bị sốt không quá 40,5 độ C sau khi chích bạch hầu - ho gà - uốn ván (loại ho gà vô bào) lần trước

• Trẻ bị những bệnh nhẹ như ho cảm, tiêu chảy mà không bị sốt

• Trẻ đang hồi phục từ những bệnh nhẹ như ho cảm hay tiêu chảy (tức là bé bớt sốt, mặc dù vẫn còn ho hay tiêu chảy)

• Trẻ mới tiếp xúc với một bệnh nhiễm trùng gần đây

• Trẻ đang uống kháng sinh

• Trẻ đang bú mẹ

• Trẻ sanh non

• Trẻ bị những bệnh dị ứng như chàm, mề đay, suyễn, viêm mũi dị ứng... (không phải dị ứng nặng với trứng gà)

Những lưu ý cần quan tâm

Việc đắp khoai tây lên vết tiêm không giúp làm giảm đau, ngược lại, có khả năng gây ra nguy cơ nhiễm trùng ở vết tiêm. Để giảm sự khó chịu quá mức cho trẻ, bố mẹ có thể dùng thuốc giảm sốt paracetamol, hoặc dùng một chiếc khăn mát để đắp lên vết tiêm nhằm giảm sưng (khăn cần được tiệt trùng kỹ càng).

Để chích ngừa kịp thời và đầy đủ, có một số biện pháp hiệu quả và đơn giản:

• Khi đưa trẻ đi khám định kỳ, lúc đó có thể chích được bao nhiêu mũi vaccine thì hãy cho trẻ chích cũng 1 lúc (tất cả các vaccine đều có thể chích cùng 1 lúc được).  

• Nên đem theo sổ chích ngừa để bác sỹ biết còn cần chích vaccine nào nữa. 

• Trẻ nên được chích ngừa cúm vì trẻ vẫn có thể bị lây cúm và bị biến chứng nặng do cúm (viêm phổi, thậm chí tử vong)

+ Xem thêm:

LỊCH TIÊM PHÒNG CHO TRẺ EM CÁC BỐ MẸ CẦN BIẾT

TIÊM PHÒNG CÚM CÓ CẦN THIẾT CHO TRẺ EM VÀ PHỤ NỮ MANG THAI


Nguồn bài viết: sưu tầm
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: