Mỗi một tháng trôi qua lại đánh dấu bước phát triển mới của thai nhi. Trong mỗi tháng ấy mẹ có bao giờ tự hỏi bé sợ nhất điều gì để tránh hay chưa? Hãy cùng tìm hiểu xem nhé!
Tháng đầu tiên: Trứng thụ tinh sợ nóng
Trứng thụ tinh sau khi làm tổ sẽ bắt đầu hình thành các cơ quan quan trọng như phổi, tim, thận. Trong giai đoạn đầu này, trứng thụ tinh rất sợ nhiệt độ cao. Nếu mẹ thường xuyên ngâm mình trong bồn nước nóng hoặc xông hơi quá lâu có thể khiến thai nhi khó chịu, thậm chí sẩy thai.
Nguy hiểm hơn là khi mẹ bị sốt cao trong khoảng thời gian này. Nó có thể là nguyên nhân khiến trẻ mắc các dị tật thần kinh về sau.
Tháng thứ 2: Phôi thai sợ thuốc
Lúc này, mẹ sẽ luôn có cảm giác toàn thân lơ lửng vì mệt mỏi và nghén. Trong khi đó, thai nhi trong bụng mẹ lại tiếp tục phát triển nhanh với quá trình hình thành các tế bào cơ bản. Nếu thời điểm này mẹ sử dụng những loại thuốc giảm đau hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác cũng sẽ làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh về tim cho thai nhi sau khi chào đời.
Tháng thứ 3: Sợ thuốc lá, rượu
Đây là tháng bạn có thể nghe được những nhịp tim đầu tiên của bé trong mỗi lần khám thai. Bé đang phát triển rất nhanh. Vì thế, nếu mẹ có gặp phải triệu chứng ốm nghén nặng trong tháng thứ 3 này hãy thử thay đổi khẩu phần ăn để dễ dàng dung nạp dinh dưỡng cung cấp cho bé đầy đủ hơn. Bạn cần hạn chế những thực phẩm có chứa quá nhiều dầu mỡ hoặc quá nhiều chất tạo ngọt và luôn tuyệt đối tránh xa rượu bia và thuốc lá.
Đây chính là nỗi hãi hùng đối với thai nhi khi chúng có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng đến trí não và sức khỏe. Trẻ sinh ra không những nhẹ cân, thiếu tháng mà còn có nguy cơ dị dạng và chậm phát triển trí tuệ.
Tháng thứ 4: Sợ tiếng ồn quá lớn
Vào đến thời điểm này, thai nhi trong bụng mẹ đã bắt đầu nghe được những thanh âm đến từ bên ngoài. Bé sẽ giật mình, sợ hãi khi có những tiếng động to quá mức vang lên đột ngột như tiếng khoan đá ở công trường, tiếng nói lớn… Do đó, mẹ cần có không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi, thư giãn và nghe những bản nhạc du dương, êm tai nhằm giúp bé trấn tĩnh trở lại.
Việc cho bé nghe nhạc nên được tiếp tục duy trì trong suốt 9 tháng thai kỳ để giúp bé luôn thoải mái và tránh xa những sợ hãi.
Tháng thứ 5: Sợ thiếu hụt dinh dưỡng
Đến lúc này, bé đã bắt đầu có những cử động đầu tiên của mình và thậm chí đã mọc lông, tóc. Về phần mẹ, chứng thai nghén cũng đã qua đi và bạn có thể bắt đầu một chế độ ăn đặc biệt dành cho bà bầu với đủ thành phần dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của thai nhi.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa mẹ tha hồ ăn uống mà không cần biết những nguy cơ tiềm ẩn như tiểu đường thai kỳ. Ngược lại, cũng có những bà mẹ sợ tăng cân quá nhiều trong kỳ làm ảnh hưởng đến vóc dáng về sau nên đã cố kìm hãm việc ăn uống của mình mà không biết rằng điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí lực của thai nhi.
Tháng thứ 6: Sợ tia bức xạ
Đến tháng thứ 6, các nét mặt cơ bản của trẻ đã hình thành và trẻ cũng bắt đầu có những phản ứng ban sơ đối với những kích thích bên ngoài như âm thanh, giọng nói của bố mẹ. Cũng trong giai đoạn này, mẹ cần hạn chế chụp X-quang để tránh nguy cơ thai nhi dị tật bẩm sinh do phơi nhiễm.
Tháng thứ 7: Thai nhi sợ mẹ căng thẳng
Thai nhi vào tháng thứ 7 đã tăng cường nhiều hơn các vận động cơ thể, trong đó có việc bé tự mở mắt và nhìn ngắm xung quanh trong vài phút. Lúc này, điều khiến thai nhi sợ hãi nhất không gì khác hơn chính là sự xuống dốc về tinh thần của mẹ. Những nỗi hoang mang, bồn chồn, căng thẳng của người mẹ có thể sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của bé. Do đó, điều cần làm lúc này là tạo ra một môi trường thư giãn tốt nhất để mẹ lấy lại cân bằng.
Tháng thứ 8: Thai nhi sợ mẹ mệt mỏi
Phần lớn các cơ quan trong cơ thể thai nhi đến tháng thứ 8 đều đã hoàn chỉnh. Não bộ của trẻ cũng đạt đến tốc độ phát triển kinh ngạc. Bụng mẹ cũng đã cao vượt mặt, bước đi trở nên chậm rãi và khó khăn hơn, thậm chí đôi lúc mẹ sẽ bị tăng áp huyết và sưng phù mặt mũi, tay chân.
Chưa kể, sự mệt mỏi khi phải mang vác nặng nề như vậy sẽ khiến mẹ rơi vào trạng thái mất cân bằng. Điều này có thể khiến thai nhi chịu ảnh hưởng không nhỏ. Do đó, mẹ cần có chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý trong những tháng cuối để tránh mệt mỏi triền miên khi thai nhi đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ.
Tháng thứ 9: Thai nhi sợ mẹ lo lắng
Những mong ngóng khi đến giai đoạn nước rút cũng đi kèm với những lo lắng không tên về cơn đau đẻ, về chuyện tài chính… Điều cần làm trong lúc này là hãy tiếp tục kiên nhẫn. Bạn có thể đợi chờ trong suốt 9 tháng thì những ngày cuối cùng này không có lý do gì để bạn phải bỏ cuộc cho dù có phải đối diện với cơn đau được nhiều người ví như “chối chết”. Hãy tin rằng người khác vì con có thể làm được tất cả thì bạn cũng vậy.
Đọc tiếp:
BÀ BẦU ĂN GÌ TỐT NHẤT TRONG 9 THÁNG THAI KỲ?
SỰ PHÁT TRIỂN THAI NHI TRONG BỤNG MẸ TỪ TUẦN 1-41