THAI NHI ĐẠP CÀNG NHIỀU THÌ CÀNG KHOẺ MẠNH?

  19107

Những cú đạp của con là cách bé giao tiếp với bố mẹ, cho mẹ biết sự hiện diện và phát triển của bé, và cảm giác đó luôn thú vị với những người mẹ

Những cú đạp của con là cách bé giao tiếp với bố mẹ, cho mẹ biết sự hiện diện và phát triển của bé, và cảm giác đó luôn thú vị với những người mẹ (trừ những lúc bé đạp quá mạnh, đặc biệt vào giai đoạn cuối thai kỳ, khi mẹ bị con “vô tình” cho một cú trời giáng vào mạn sườn).

Thông thường phải sang đầu tam cá nguyệt thứ 2, khi bé đủ lớn, mẹ mới khe khẽ cảm thấy hình như có chuyển động gì đó rất tinh vi dưới lớp da bụng của mình, cảm giác có thể như có một gợn sóng nhẹ, một chú cá nhỏ đang bơi, hoặc một hạt bỏng ngô vừa nở bung ra... Đến khoảng cuối tam cá nguyệt thứ 2, cảm giác con đạp mới trở nên rõ ràng hơn. Gọi là “đạp” nhưng đó không hẳn chỉ là những cú đạp mà còn là cả những động tác vặn người, ủn mông, thúc tay... nói chung là rất nhiều hoạt động khác nhau mà bé thực hiện để phát triển cơ bắp cũng như khả năng vận động của mình - bụng mẹ bây giờ giống như một phòng gym cá nhân của bé đó.



Bé cũng có thể đạp như một cách phản ứng khi bên ngoài bụng mẹ có tiếng động bất ngờ. Thậm chí một số mẹ còn kể lại rằng bé con trong bụng sẽ tự động “nhảy múa” và cử động nhiều khi mẹ nghe một loại nhạc hay một bài hát đặc biệt nào đó, hoặc đạp như một cách phản ứng khi mẹ đói.

Về chuyện có phải bé đạp nhiều hơn có nghĩa là bé khỏe hơn? Các chuyên gia cho biết mức độ hoạt động của mỗi em bé đều khác nhau; bé đạp, ủn mông, thúc cùi chỏ mẹ nhiều có thể chỉ đơn giản là bé hiếu động hơn chứ không phải càng đạp nhiều, đạp mạnh thì bé càng khỏe. Thậm chí bé đạp nhanh và bất thường (nhiều hơn 40 lần/12 giờ, hoặc ít hơn 10 lần/12 giờ) lại có thể là dấu hiệu cho thấy bé đang bị nguy hiểm vì thiếu oxy.

Chỉ bác sỹ mới có thể cho bạn câu trả lời con bạn có khỏe hay không. Tuy nhiên không phải vì thế mà việc đếm những cú đạp của bé là không quan trọng, tất cả các chuyên gia đều khuyên bạn bắt đầu chú ý làm điều này kể từ khi bước sang tam cá nguyệt thứ 3, nhất là khi thai kỳ của bạn có nguy cơ cao, để tránh tình huống xấu nhất sảy ra: thai lưu.

Để ghi nhận mức độ hoạt động của con, nên chọn lúc bé hoạt động tích cực nhất (thường là vào buổi tối, khi mẹ nghỉ ngơi hoặc sau khi ăn nhẹ), không gian yên tĩnh sẽ giúp dễ cảm nhận chuyển động của bé hơn. Khoảng thời gian này cần cố định mỗi ngày vì mức độ cử động của bé trong ngày không giống nhau nhưng lại có chu kỳ nhất định. Và hãy có nhật ký ghi lại hoạt động này.

- Nếu bạn không đếm được đủ 10 cú đạp của con trong vòng 2 giờ, hãy gọi cho bác sỹ.
- Nếu thấy những cử động của con giảm đi, hãy gọi cho bác sỹ.
- Nếu không cảm nhận thấy cử động của con, đi kèm với đó là những triệu chứng nôn mửa, căng tức ngực cũng giảm đi, bị ra máu âm đạo, co thắt tử cung… hãy nhanh chóng đến bệnh viện.

+ Xem thêm:

MẸ BẦU KHÔNG NÊN "NGỦ NGỬA" CUỐI THAI KỲ

BÀ BẦU KHÔNG NÊN ĂN CUA ĐỒNG THƯỜNG XUYÊN


Nguồn bài viết: sưu tầm
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: