Thai Nhi Bị Dây Rốn Quấn Cổ Nguy Hiểm Thế Nào

  18211

Dây rốn càng dài thì khả năng bé bị dây rốn quấn cổ và nguy cơ nghẽn dây rốn càng cao, nhưng có lẽ bé sẽ thích vì được chơi trò bắt dây rốn trong bụng mẹ.

Dây rốn quấn cổ là điều khiến bất cứ ông bố, bà mẹ nào đều vô cùng lo lắng, sợ hãi trong thai kỳ, đặc biệt khi sinh nở. Mọi người đều sợ rằng đứa con quý giá của họ có thể sẽ bị "bóp nghẹt" bởi những vòng dây rốn kia.

Tuy nhiên, may mắn là thai nhi nhận dưỡng chất cũng như nguồn oxy qua dây rốn chứ không phải qua việc hít, thở qua mũi và miệng. Vì vậy cha mẹ có thể loại bỏ nỗi lo em bé không thể nạp dưỡng chất hay không thở được vì dây rốn quấn cổ. Thai nhi trong bụng mẹ không cần cổ để thở.

Đây cũng chính là một trong những lý do vì sao dây rốn cần phải được giữ trên cơ thể bé ít nhất là 2 phút sau khi sinh để duy trì sự sống cho bé, cho đến khi đầu bé lọt khỏi lòng mẹ. Điều này cũng giải thích vì sao trẻ sơ sinh không bị chết đuối khi sinh dưới nước, bởi họ đã có nguồn cung cấp oxy được đính kèm ở dây rốn. Trẻ sơ sinh chỉ bắt đầu thở khi được kích thích bởi không khí khi ra khỏi cơ thể mẹ. Đây cũng là lý do giải thích vì sao việc chậm cắt dây rốn lại rất quan trọng.

Với những giải thích trên, chắc chắn các mẹ sẽ yên tâm hơn nếu em bé của mình đang bị dây rốn quấn cổ. Bên cạnh đó, còn rất nhiều điều thú vị về hiện tượng này mà không phải mẹ bầu nào cũng biết.

1/3 trẻ được sinh ra với dây rốn quấn cổ

Bạn đã từng nghe rất nhiều câu chuyện về bé sinh ra với 1 vòng, thậm chí là 3-4 vòng dây rốn quấn cổ. Đây là hiện tượng rất bình thường, đến nỗi các bác sĩ và nữ hộ sinh cũng chẳng quan ngại nếu siêu âm thấy có dây rốn quấn cổ bé. Đơn giản vì chuyện này rất phổ biến, là “chuyện thường ngày ở bệnh viện” rồi. Có tới 1/3 số trẻ sinh ra với một sợi dây quanh cổ. Sợi dây định mệnh này có chiều dài dao động từ 19-133 cm. Trung bình là khoảng 50-60 cm. Dây rốn càng dài thì khả năng bé bị dây rốn quấn cổ và nguy cơ nghẽn dây rốn càng cao, nhưng có lẽ bé sẽ thích vì được chơi trò bắt dây rốn trong bụng mẹ.

Dây rốn khỏe mạnh được bảo vệ nghiêm ngặt

Cơ thể con người chưa bao giờ khiến chúng ta thôi ngạc nhiên với thiết kế thông minh của nó để đảm bảo sự sống còn của giống loài. Ngay cả dây rốn cũng vậy, đó là một cơ quan hoàn hảo và có chế độ hoạt động tinh vi.

Dây rốn được bao phủ bởi màng ối. Bên trong màng ối là khối trung mô với cấu tạo như một mô nhầy chứa chất đông Wharton. Một dây rốn khỏe mạnh, bình thường sẽ được bảo vệ bởi lớp Wharton này. Chất này có tính mềm mại, keo và trơn, với chức năng bảo vệ các mạch máu bên trong tủy và cũng làm cho dây rốn có độ trơn, bảo vệ dây rốn chống lại các dạng dồn nén gây ra bởi hoạt động của thai nhi. Nếu có bất cứ tác động y tế nào ảnh hưởng đến chất đông Wharton thì có thể sẽ gây ra biến chứng.

Dây rốn chứa 2 động mạch rốn và một tĩnh mạch rốn. Khi trẻ ra đời, dây rốn có đường kính trung bình khoảng 2 cm, dài khoảng 50cm. Thế nên đã có em bé ra đời với không chỉ dây rốn quấn quanh cổ mà còn bị dây rốn thắt quanh thắt lưng và cổ chân vì bé sở hữu dây rốn quá dài.

Dây rốn ảnh hưởng quá trình sinh

Ở những tuần thai cuối cùng, thai nhi cùng nhau thai và dây rốn đều di chuyển xuống đáy tử cung, chuẩn bị cho đầu bé di chuyển vào vị trí âm đạo của mẹ khi hành trình sinh được diễn ra. Tuy nhiên có những trường hợp bé bị dây rốn quấn cổ, hoặc dây rốn đã ngắn lại còn quấn quanh người bé làm cho bé không thể lọt vào khung xương chậu của mẹ, cứ treo lơ lửng giữa chừng. Cũng có trường hợp mẹ bị sa dây rốn do cuống rốn bị chèn ép giữa ngôi và thành chậu hoặc do bị sa ra ngoài âm đạo, làm cho các mạch máu bị co thắt, dây rốn không thể cung cấp máu cho thai, nếu không được cấp cứu kịp thời thì nguy hiểm cho cả mẹ và con. Tình huống này làm mẹ không thể sinh thường và nếu không được chuyển qua sinh mổ thì bé sẽ bị suy thai.

Thai nhi bị dây rốn quấn cổ không hẳn là có hại

Điều này có thể khó tin, nhất là khi bạn từng nghe về những em bé mất khi chào đời với dây rốn quanh cổ. Nhưng dù bạn có nghi ngờ đến đâu thì sự thật vẫn là: dây rốn quấn cổ không thể là nguyên nhân chính gây ra cái chết của bé.

Dây rốn có xu hướng quấn quanh cổ bé do quá trình bé chuyển động trong tử cung gây nên. Nhưng trong quá trình chuyển dạ còn tiềm ẩn rất nhiều nguyên nhân khác có thể gây ra sự cố, nhưng "tội đồ" vẫn luôn là dây rốn vì người ta có thể dễ dàng đổ lỗi cho các vòng dây xung quanh cổ khi không tìm được nguyên nhân.

 

Ngay cả khi dây rốn quấn chặt thì cũng không phải nguy cơ gây ra sự cố

Tình trạng dây rốn quấn chặt cũng không phải hiếm. Một nghiên cứu gần đây cho thấy 6,6% trong số hơn 200.000 trẻ sơ sinh ra đời và sống khỏe mạnh với một sợi dây rốn quấn chặt ở cổ. “Chặt” ở đây nghĩa là bé không thể tự gỡ mình ra khỏi đám dây rốn loằng ngoằng ấy.

Dây rốn quấn cổ không nhất thiết bị chỉ định sinh mổ

Chuyên gia của trường đại học Sản phụ khoa Anh cho rằng không có một lý do gì để thực hiện mổ lấy thai khi em bé bị dây rốn quấn cổ. "Không có nghiên cứu nào chỉ ra rằng sinh mổ sẽ an toàn và hiệu quả nhất khi thai nhi bị dây rốn quấn cổ. Trường hợp này không gây ra một vấn đề nguy hiểm. Tại sao phải đẻ mổ?", chuyên gia Rachel Reed nói.

Tai nạn từ dây rốn quấn cổ là rất thấp

Theo một báo cáo gần đây của Viện Y tế và Phúc lợi của Úc, cứ 1 trong số 135 trẻ sơ sinh ở Úc bị chết yểu (chiếm 0,74%). Ở Mỹ, tỉ lệ này là 1/160 ca sinh. Chết yểu ở đây được định nghĩa là “sự ra đời của một em bé không có bất kỳ dấu hiệu nào của sự sống, sau 20 tuần thai hoặc có trọng lượng 400g hoặc hơn”.

Một nghiên cứu trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ cho rằng các vấn đề của nhau thai (ví dụ nhau bong non) là nguyên nhân hàng đầu của thai chết lưu: chiếm 26%; có 14-19% số thai chết lưu là do nhiễm khuẩn. Chỉ 10% là do bất thường dây rốn (hoặc giả định là do dây rốn sau khi các bác sĩ không thể tìm ra nguyên nhân thai chết lưu).

Như vậy, các nghiên cứu đã chỉ ra khả năng xảy ra tai nạn do dây rốn quấn cổ là rất nhỏ - và trong thực tế có thể đó không phải là nguyên nhân gây ra cái chết ở trẻ sơ sinh.

Nhiều vòng dây rốn quấn cổ cũng không tăng nguy cơ

Số vòng dây rốn là bao nhiêu cũng không quan trọng, bởi vì khi quá trình chuyển dạ diễn ra, nhau thai, dây rốn và cả em bé cùng di chuyển xuống phía xương chậu của mẹ, chuẩn bị cho quá trình lọt qua âm đạo của mẹ để chào đời. Miễn là dây rốn đủ dài để đầu em bé có thể lọt ra ngoài khỏi âm đạo của mẹ, phần còn lại của các em bé có thể lọt ra ngay sau đó. Dây rốn quá ngắn là rất hiếm, và nếu dây rốn quá ngắn thì ngay cả việc xoay đầu cho thuận ngôi cũng khó xảy ra, nên không thể nào kết luận vì dây rốn ngắn, lại quấn nhiều vòng quanh cổ nên em bé không thể chào đời.

Một nghiên cứu cho thấy rằng số vòng dây rốn dao động từ 1-4 vòng, thường gặp nhất là 2 vòng dây rốn quấn cổ. Trẻ sơ sinh có 4 hoặc nhiều vòng dây rốn chiếm 0,1% và tối đa số dây rốn quấn cổ được ghi nhận là 9 vòng. Nghiên cứu đó cũng kết luận rằng hầu hết các bé trong số đó có chỉ số Apgar từ 7-10 (trong đó 10 là số điểm cao nhất) sau một phút. Chỉ có 8 em bé có chỉ số Apgar dưới 7 sau năm phút sau sinh (chiếm 5,20%). Điều đó cho thấy rằng tác động của dây rốn quấn cổ chỉ là thoáng qua".

Nếu có bất thường khác: Hãy làm theo chỉ định của bác sĩ

Ngày nay, rất nhiều bà mẹ áp dụng phương pháp gây tê ngoài màng cứng trong quá trình sinh thường. Lúc này mẹ sẽ được sử dụng thuốc gây co bóp tử cung oxytocin, có thể sẽ gây ra hiện tượng suy thai. Ngoài ra, trong quá trình sinh nở, có rất nhiều biến chứng có thể xảy ra, ảnh hưởng đến nguồn máu và oxy đến thai nhi, đi kèm với hiện tượng dây rốn quấn cổ. Lúc này, mẹ hãy làm theo chỉ định của bác sĩ, nếu phải sinh mổ để đảm bảo an toàn cho sản phụ và thai nhi, hãy đừng chần chừ.

+ Xem thêm:

MÁCH NHỎ MẸ BÍ QUYẾT SE KHÍT ÂM ĐẠO SAU SINH THƯỜNG

VÌ SAO BÉ SINH THƯỜNG CÓ HỆ MIỄN DỊCH TỐT HƠN SINH MỔ


Nguồn bài viết: eva
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: