Có nên nêm gia vị (mắm, muối, hạt nêm…) vào bột hay cháo ăn dặm của trẻ nhỏ hay không luôn là vấn đề gây tranh cãi đối với nhiều người. Không ít bà mẹ trẻ đã phàn nàn rằng, bị bà nội, bà ngoại “lên án” khi “gạch tên” muối ra khỏi thức ăn của trẻ. Điều này có thực sự đúng?
Các chuyên gia khuyến cáo, khi trẻ ăn dặm, không cần thiết cho gia vị vào thức ăn của trẻ. Ảnh minh họa
Mẹ chồng nói có, con dâu bảo không
Cu Tí bước sang tháng thứ sáu, chị Hòa (ở Cầu Giấy, Hà Nội) hí hửng lập một danh sách dài dằng dặc những món ăn dặm sẽ nấu cho bé, nào là cháo thịt gà rau ngót, cháo thịt bò cải thảo, cháo khoai tây sườn non, cháo thịt băm rau cải… kéo theo đó là một tập giấy dày cộp ghi tỉ mỉ công thức nấu của từng món một.
Tuy nhiên, khi đọc cách chế biến của đống đồ ăn ấy, mặt bà Lan – mẹ chồng chị, bỗng nhăn lại bởi trong tất thảy vài chục món ăn được nấu một cách công phu, tuyệt nhiên không hề được nêm nếm bằng bất cứ một thứ gia vị nào. Theo lời bà, gia vị “sinh ra” là để làm món ăn thêm đậm đà và ngon hơn.Việc con dâu “cắt phăng” chúng trong khi nấu đồ ăn cho cháu bà là không chấp nhận được.
Giải thích với mẹ chồng về việc làm của mình, chị Hòa cho biết, trước khi tiến hành cho con ăn dặm, chị đã tham khảo nhiều tài liệu, sách báo trên mạng và được biết, không nên cho trẻ nhỏ dưới một tuổi ăn mặn vì sẽ gây hại đến thận của trẻ, hơn nữa dễ khiến trẻ bị còi xương. Vì thế, tốt nhất nên để trẻ làm quen với vị tự nhiên của đồ ăn. Tuy nhiên, bà Lan vẫn một mực cho rằng, lý lẽ của con dâu chỉ là… vớ vẩn, phản khoa học và bà không thể để cháu bà ăn các món ăn “nhạt nhẽo” như thế. Bà Lan nói với con dâu: “Ngày xưa, tao nuôi thằng Lân (chồng chị Hòa - PV) quấy bột mặn cho ăn từ lúc hơn 4 tháng, giờ vẫn thấy nó béo tốt khỏe mạnh, có bệnh tật gì đâu. Không mắm muối gì thì nhạt toẹt, người lớn còn không ăn nổi huống chi là trẻ con”.
Anh Vinh (quê ở Phủ Lý, Hà Nam) cũng đang trong tình trạng “kẹt” giữa một bên là mẹ, một bên là vợ. Giải thích về điều này, anh Vinh cho biết, mọi mâu thuẫn đều phát sinh từ việc mẹ và vợ anh bất đồng quan điểm trong việc nấu đồ ăn dặm cho cô con gái đầu của vợ chồng anh. Mẹ anh thì cho rằng, người lớn ăn sao, trẻ con ăn vậy, cho gia vị vào đồ ăn là điều thiết yếu. Còn vợ anh thì một mực bảo vệ quan điểm không nêm nếm bất cứ thứ gì vào thức ăn của con. Anh không đưa ra chính kiến rõ ràng nhưng có phần nghiêng theo quan điểm của vợ mình. Cuối cùng, sau nhiều lần lời qua tiếng lại, mẹ anh cũng tỏ vẻ “nhún” khi tuyên bố “vợ chồng mày thích làm gì thì làm”. Tuy nhiên, sự việc không dừng lại ở đó.
Anh Vinh cho biết, thời gian đầu khi cho bé ăn dặm, buổi trưa vợ anh thường tranh thủ về nấu cho con ăn và bé rất hợp tác. Buổi tối cũng tương tự. Khoảng ba tuần trở lại đây, công việc quá bận khiến vợ anh không thể về được nữa và phải nhờ bà cho bé ăn. Tuy nhiên, gần đây, tối đến, bé nhà anh ăn rất chậm, cứ lắc đầu nguầy nguậy không chịu ăn khiến vợ chồng anh lo lắng. “Hôm ấy, vợ nói với tôi sắp xếp về buổi trưa xem con thế nào, nhưng sẽ về bất chợt và không báo trước cho bà. Vào nhà, vợ chồng tôi cũng bất ngờ khi thấy con đang ăn rất ngon miệng, khác hẳn buổi tối hôm trước. Thấy lạ, vợ tôi sinh nghi và muốn… nếm thử đồ ăn của con. Hóa ra, ở nhà, bà đã lén cho muối vào đồ ăn của con và tập cho bé ăn mặn từ khi nào không hay. Vợ tôi làm um lên. Thế là “chiến tranh” bắt đầu”, anh Vinh ngậm ngùi kể.
Cân nhắc khi cho muối vào thức ăn của trẻ nhỏ
Theo các chuyên gia, Natri và Clo (thành phần chủ yếu của muối) là hai nguyên tố có vai trò hết sức quan trọng trong cân bằng thể dịch trong cơ thể, sự tồn tại và hoạt động bình thường của tất cả các tế bào, hoạt động chức năng của tất cả các cơ quan và bộ phận trong cơ thể. Điều này có nghĩa, dù là bé mới sinh hay đã lớn đều cần muối. Tuy nhiên, tùy vào từng độ tuổi mà lượng muối khác nhau.
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, thực chất, nhu cầu natri của trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 1 tuổi không cao. Trong khi đó, trong thành phần sữa mẹ, sữa công thức bổ sung hay trong các loại thực phẩm tự nhiên như rau, củ, quả đã có sẵn lượng natri nhất định. Lượng natri này phù hợp với khả năng hấp thụ và tiêu hóa của trẻ ở giai đoạn ăn dặm. Do đó, không cần thiết phải cho thêm muối vào đồ ăn của trẻ.
Trước thực tế nhiều người cho rằng, việc nêm một chút gia vị sẽ giúp trẻ ăn ngon miệng hơn so với việc cho trẻ ăn nhạt, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết, quả thực, việc ăn nhạt quá có thể khiến trẻ biếng ăn. Do đó, nếu cha mẹ cảm thấy thực sự cần thiết, có thể nêm một chút muối vào đồ ăn của trẻ với độ mặn chỉ bằng 1/3 hay 1/4 so với thức ăn của người lớn. Trẻ dưới 1 tuổi, lượng muối thường dao động trong khoảng 1g/ngày. Đối với trẻ trên 1 tuổi, lượng muối có thể tăng lên 1,5g/ngày. Trẻ 4-8 tuổi là 1,9g/ngày và tăng lên 2,2g/ngày trong khoảng từ 9-13 tuổi. Với những trẻ từ 14-18 tuổi, lượng muối cần thiết mỗi ngày khoảng 2,3g là đủ.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khi trẻ dưới 1 tuổi, cơ thể có thể tự xử lý lượng natri thừa trong các thực phẩm tự nhiên. Tuy nhiên, nếu cho thêm các loại gia vị, nhất là muối ăn vào thức ăn của trẻ, lâu dần sẽ khiến cơ thể trẻ bị “quá tải”, gây áp lực lên thận. Mặt khác, việc bố mẹ nêm nhiều muối trong giai đoạn cho trẻ ăn dặm sẽ tập cho bé thói quen ăn mặn. Điều này thực sự không tốt khi lớn lên trẻ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp về sau.
Các chuyên gia khuyến cáo, bên cạnh việc hạn chế hàm lượng muối trong các đồ ăn tự nấu cho trẻ tại nhà, bố mẹ cũng nên lưu ý đọc kỹ thành phần trong các loại thực phẩm ăn dặm chế biến sẵn, được sản xuất công nghệp vì trong một số loại thực phẩm thường có hàm lượng muối rất cao. Chẳng hạn, trong sữa bò có hàm lượng muối cao hơn so với sữa mẹ và sữa công thức. Trong khi đó, hàm lượng vitamin và khoáng chất lại thấp hơn. Vì vậy, đối với trẻ dưới 1 tuổi, không nên uống sữa bò để tránh tình trạng dư thừa muối trong cơ thể. Ngoài ra, các loại hải sản có vỏ, đường, mật ong, thức ăn đóng hộp cũng là những loại thực phẩm cần hạn chế cho trẻ nhỏ ăn để đảm bảo không gây hại cho cơ thể.
Trẻ sơ sinh tử vong do ăn quá nhiều muối
Tin trên trang Mirror, năm 2016, một em bé 17 tháng tuổi sống tại Carolina, Mỹ đã tử vong do ngộ độc muối cấp tính. Theo đó, bé gái sơ sinh này được đưa đến bệnh viện trong tình trạng ngộ độc nghiêm trọng. Mặc dù đã được các bác sĩ cấp cứu nhưng cô bé vẫn không qua khỏi. Các nhân viên y tế cho biết, họ đã tìm thấy lượng muối cao vượt mức cho phép trong cơ thể cô bé. Kết quả điều tra của cảnh sát sau đó tiết lộ rằng, mẹ bé đã cho con gái mình ăn nguyên một thìa cà phê muối khiến bé bị ngộ độc, lên cơn co giật và tử vong.