Trong thời buổi công nghệ hiện đại như ngày nay, việc sử dụng máy tính bảng, điện thoại thông minh, tivi,... trong các gia đình là lẽ thường quá đương nhiên và phổ biến. Những thiết bị công nghệ hiện đại này không chỉ hỗ trợ cho người lớn mà còn đang được sử dụng như là trò chơi, cách dỗ dành cực hiệu quả đối với trẻ nhỏ. Một em bé đang khóc ngằn ngặt, chẳng cần dỗ dành gì nhiều, bố mẹ chỉ cần bật video trong điện thoại lên là bé có thể nín ngay và chăm chú xem hàng tiếng đồng hồ - quả là tiện lợi và đơn giản.
Thế nhưng, nếu biết được những tác hại ‘giật mình’ từ việc lạm dụng công nghệ cho trẻ nhỏ dưới đây, có thể các bậc phụ huynh sẽ phải xem xét lại về cách mình đang cho con chơi những thiết bị hiện đại đó:
Khiến trẻ chậm biết nói, nói kém
Đối với những em bé chưa biết nói hoặc đang trong độ tuổi học nói, tập nói, việc dùng điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc tivi quá nhiều sẽ khiến trẻ có vốn từ ngữ ít hơn và biết nói chậm hơn so với các bạn đồng trang lứa khác. Nguyên nhân là bởi trẻ đang ở trong giai đoạn cần có người để nói chuyện trực tiếp, tương tác qua lại với bé theo kiểu mặt-đối-mặt. Ngồi trước màn hình vô hồn, chỉ phát ra âm thanh mà không biểu lộ cảm xúc khuôn mặt, không đáp lại lời bé khi bé nói chuyện sẽ cản trở sự phát triển ngôn ngữ của bé.
Ngồi trước màn hình vô hồn, chỉ phát ra âm thanh mà không biểu lộ cảm xúc khuôn mặt, không đáp lại lời bé khi bé nói chuyện sẽ cản trở sự phát triển ngôn ngữ của bé. (Ảnh minh họa)
Gây hại cho não bộ
Gọi là máy tính bảng, điện thoại ‘thông minh’ nhưng nếu để trẻ sử dụng quá đà và quá sớm những thiết bị này sẽ khiến trẻ... kém thông minh. Khi con trẻ say đắm chìm trong thế giới của màn hình máy tính, điện thoại thông minh thì việc giao tiếp thực sự ngoài đời thực với bố mẹ và mọi người xung quanh sẽ bị giảm đi. Chính điều này sẽ giảm cơ hội trẻ được phát triển các kĩ năng cần thiết để phát triển não bộ. Một cơ quan não bộ muốn phát triển khỏe mạnh cần phải thường xuyên được tương tác thật với những con người thật chứ không phải với màn hình không cảm xúc.
Ngoài ra, theo một nghiên cứu khoa học, trong giai đoạn từ 1-3 tuổi, trẻ càng dành nhiều thời gian bên màn hình máy tính, điện thoại thì càng giảm khả năng tập trung, trí nhớ khi lên 7 tuổi.
Ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, ánh sáng phát ra từ bất kì loại màn hình nào (tivi, máy tính, điện thoại,...) đều có thể ngăn cản việc cơ thể người tiết ra hooc môn melatonin – một hợp chất không thể thiếu để điều hòa nhịp sinh học của cơ thể, giúp cơ thể có một giấc ngủ ngon và sâu. Ngoài ra, khi thời gian trẻ xem các trò giải trí trên máy tính, tivi, điện thoại,... ngay sát giờ đi ngủ, trẻ rất dễ trằn trọc khó ngủ hoặc gặp ác mộng do ám ảnh từ những hình ảnh mình đã xem.
Tăng nguy cơ béo phì cho trẻ
Đương nhiên, khi trẻ mê mải trong thế giới của những trò giải trí từ máy tính, điện thoại hay tivi thì mức độ tham gia các hoạt động thể chất sẽ giảm đi đáng kể. Việc ngồi lì một chỗ để sử dụng thiết bị công nghệ mà không hoạt động không những khiến trẻ thụ động, chậm chạp, dễ có khả năng mắc chứng béo phì mà còn dễ dẫn đến việc trẻ ngồi sai tư thế, ảnh hưởng tới mắt và cột sống.
+ Xem thêm:
SMARTPHONE ĐÃ HUỶ HOẠI CON BẠN NHƯ THẾ NÀO
NGƯỜI LỚN MỚI CẦN PHẢI CAI NGHIỆN SMARTPHONE KHÔNG PHẢI TRẺ CON