Sự Thật Về Tác Hại Và Lợi Ích Của Việc Cho Trẻ Ăn Nho Khô

  7976

Có thể bạn sẽ rất sốc đấy, khi biết rằng trong 1 hộp nho khô nhỏ khoảng 43gr đã chứa già nửa, đến tận 25gr, là đường!

Nhiều người nghĩ nho khô là món ăn vặt nhiều dinh dưỡng nên dễ dàng chiều con, cho bé ăn thoải mái khi bé đòi, nhưng thực tế không hẳn là như vậy.

Trẻ con hảo ngọt là chuyện chẳng có gì lạ, cả người lớn chúng ta còn thích nữa là. Nhưng người lớn biết đồ ngọt không thật sự tốt cho các con nên cố gắng chọn cho con những món ngọt bổ dưỡng hơn bánh kẹo, chẳng hạn như nho khô… Tuy nhiên, kể cả nho khô, thứ được công nhận có giá trị dinh dưỡng, cũng bị các chuyên gia cảnh báo là có thể gây nên những vấn đề nghiêm trọng về sau. 

Nha sỹ Saara Sabir trả lời phỏng vấn của Mirror Online: "Nho khô và các loại trái cây khô là một vấn đề lớn. Nhiều bậc phụ huynh nghĩ chúng là lựa chọn tốt do có chứa nhiều vitamin.” Tuy nhiên, lượng đường có trong đó là cực hại với răng trẻ em. 

Theo NHS, tổng lượng đường mà mỗi đứa trẻ từ 4-6 tuổi nên tiếp nhận mỗi ngày từ tất cả các loại thức ăn và thức uống không được vượt quá 19gr (tương đương 5 muỗng cà phê); với trẻ 7-10 tuổi, lượng này không được vượt quá 24gr (tương đương 6 muỗng cà phê); và trẻ từ 11 tuổi trở lên là 30gr (tương đương 7 muỗng cà phê). Và có thể bạn sẽ rất sốc đấy, khi biết rằng trong 1 hộp nho khô nhỏ khoảng 43gr đã chứa già nửa, đến tận 25gr, là đường!



Tiếp nhận lượng đường lớn không chỉ ảnh hưởng đến hành vi, khiến bé bị “tăng đường” ngay tức thời mà lâu dài còn khiến bé dễ bị béo phì, mắc đủ loại bệnh tật, và cả sâu hết hàm răng. Nho khô và các loại trái cây khô khác còn đặc biệt hại ở chỗ dính răng, khiến cho vi khuẩn được cung cấp đường lâu hơn và có thể dẫn đến tình trạng sâu răng.

Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa phủ nhận những giá trị dinh dưỡng có trong nho khô, và rằng chúng ta phải ngưng tuyệt đối loại thức ăn này. Dù sao, nho khô vẫn còn hơn bánh kẹo. 

“Ăn nho khô và các loại trái cây khô khác cũng được thôi, nhưng phải ăn vào đúng lúc.” Chuyên gia Saara tiếp tục đưa ra lời khuyên, “Tốt hơn hết, bạn hãy chỉ cho con ăn như một món ngọt tráng miệng sau bữa ăn chính, hoặc là một phần của bữa ăn, thay vì làm món ăn vặt. Bởi khi là một phần của bữa ăn, đường không hại tới răng, giảm khả năng gây sâu răng đi đáng kể; còn khi là món ăn vặt thường xuyên, nó sẽ khiến khoang miệng của bé thường xuyên bị duy trì trong tình trạng tính axit cao và tạo điều kiện cho sâu răng phát triển.” Thay vì nho khô, bạn có thể chọn cho bữa xế của con các loại trái cây tươi, hoặc các loại bánh có thể trung hòa tính axit trong miệng như bánh mỳ cây. 

Một loại thực phẩm khác mà các bậc phụ huynh cũng nên thận trọng dè chừng, phòng bị hơn, theo các chuyên gia, là nước trái cây đóng hộp/đóng chai, vì một số loại có lượng đường thậm chí còn cao hơn cả trong nước ngọt.

Sâu răng là vấn đề đã và đang tác động đến rất nhiều đứa trẻ, không chỉ gây đau mà còn dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, lâu dài như: 

- Răng sâu, răng đen, mất răng… ảnh hưởng đến vấn đề thẩm mỹ, có thể khiến bé mất tự tin, không giao tiếp và học tập tốt;

- Tình trạng sâu răng nếu không được chữa trị có thể gây đau đớn, nhiễm trùng, sưng tấy… ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tâm lý, sinh hoạt, không chỉ thế cũng ảnh hưởng đến những chiếc răng trưởng thành sau này;

- Bé bị mất răng sữa quá sớm sẽ phải chịu hậu quả răng trưởng thành khó mọc do lợi bị cứng, xơ hóa, răng mọc lên có thể bị xô lệch, không đều...

Khi còn nhỏ, ta chưa thể biết được điều gì là quan trọng, chắc chắn cũng rất khó để có thể lo xa, giữ gìn cho tương lai, nên trách nhiệm này, không ai khác, được đặt cho những người làm cha mẹ. Vậy nên, các bậc phụ huynh hãy chăm sóc thật tốt cho sức khỏe răng miệng của con, giúp con không bị hại bởi chính những món ăn, thức uống cung cấp dinh dưỡng cho mình. Và hãy thật cẩn trọng nhé, vì nhiều nhà sản xuất đang áp dụng rất tốt chiêu “tốt khoe xấu che”, khiến chúng ta đi siêu thị, thấy thứ gì đó và nghĩ, “Ô tuyệt, vitamin C này!” nhưng thành phần chính của nó thực tế lại có thể toàn là đường đấy!

+ Xem thêm:

CHO CON ĂN NHIỀU ĐƯỜNG LÀ HẠI CON

BÉ ĂN NHIỀU ĐỒ NGỌT CÓ TỐT KHÔNG?

 


Nguồn bài viết: afamily
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: