Sự Thật Kinh Hoàng Đằng Sau Những Hộp Sữa - Phần 6

  5087

Các hãng sữa cũng cố gắng dùng ảnh hưởng của mình thông qua việc liên hệ với những người trong ngành sức khỏe (để họ tặng mẫu miễn phí để nghiên cứu và cho “mục đích giáo dục”) với vai trò trung gian.

Chiêu bài Tài trợ cho Nghiên cứu của hãng sữa

Các hãng sữa cũng cố gắng dùng ảnh hưởng của mình thông qua việc liên hệ với những người trong ngành sức khỏe (để họ tặng mẫu miễn phí để nghiên cứu và cho “mục đích giáo dục”) với vai trò trung gian. Tặng quà miễn phí, những chuyến công tác giáo dục ở nước ngoài và tài trợ cho những nghiên cứu chỉ là vài chiêu mà những người làm trong ngành y “được đào tạo” về lợi ích của sữa công thức.

Không có gì là miễn phí cả! Hãng sữa tài trợ cho các nghiên cứu về sức khỏe là có dụng ý!

Theo Patti Rundall, giám đốc chính sách tại Tập đoàn Hành động vì Sữa Trẻ Em của Anh, người đã vận động hành lang cho việc tiếp thị có trách nhiệm về thực phẩm dành cho trẻ em hơn 20 năm, “Trong hai thập kỷ qua, những công ty thực phẩm trẻ em đã cố gắng thiết lập một vai trò quan trọng giữa mình và ngành y, biết rằng dịch vụ y tế và giáo dục đóng vai trò quan trọng trong cơ hội tiếp thị. Chẳng hạn như các hãng sữa rất thích tài trợ cho các nghiên cứu về dinh dưỡng trẻ em dựa trên các quy định về sức khỏe, và trả tiền cho y tá, giáo viên cũng như các tài liệu về giáo dục và các dự án cộng đồng.”

Họ cũng sẵn lòng tài trợ cho những tổ chức phi chính phủ “quan trọng” – đó là thành lập những nhóm có nhiệu vụ cung cấp thông tin và hỗ trợ cho phụ nữ. Nhưng loại tài trợ này lại không được Bộ Quy Tắc về Quảng cáo Sản phẩm Thay thế Sữa mẹ cho phép bởi vì nó bóp méo khả năng của những tổ chức này trong việc cung cấp cho các bà mẹ những thông tin độc lập về việc nuôi dưỡng trẻ nhỏ (xem bên dưới). Tuy nhiên, những hoạt động như vậy vẫn còn phổ biến – chỉ có điều là kín đáo hơn trước đây – và tiếp tục làm suy yếu khả năng vận động nuôi con bằng sữa mẹ của đội ngũ y tế.

Những chiến dịch phản đối

Rõ ràng là khi tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ thấp ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em và rằng việc quảng cáo sữa công thức có tác động trực tiếp đến quyết định không cho con bú của người mẹ, Bộ quy Tắc về Quảng cáo Sản phẩm thay thế Sữa mẹ đã được phát thảo và dần được chấp nhận tại Hội đồng Y tế Thế Giới (World Health Asembly – WHA) vào năm 1981. Cuộc bỏ phiếu gần như thống nhất với 118 quốc gia bỏ phiếu thuận, ba nước rút lại phiếu và  một phiếu chống từ Mỹ. (Năm 1994, sau nhiều năm chống đối, Mỹ dần dần tham gia với các nước phát triển khác trên thế giới với tư cách là một bên đứng ra ký kết Quy tắc.)

Quy tắc này là một công cụ độc nhất khuyến khích việc nuôi dưỡng trẻ em theo phạm vi toàn cầu bằng cách cố gắng khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ và bảo đảm việc tiếp thị phù hợp các sản phẩm thay thế sữa mẹ. Quy tắc áp dụng cho tất cả các sản phẩm được quảng cáo là thay thế một phần hoặc thay thế hoàn toàn sữa mẹ gồm có sữa công thức, sữa công thức đặc biệt, ngũ cốc, nước trái cây, rau củ trộn với trà dành cho trẻ em và cũng áp dụng cho bình sữa và núm ti. Ngoài ra, quy tắc này còn nêu rõ rằng những sản phẩm dành cho trẻ em không được tiếp thị/quảng cáo ở những hình thức làm giảm/coi thường việc nuôi con bằng sữa mẹ. Đặc biệt, Quy tắc:

Cấm tất cả quảng cáo hoặc khuyến mãi những sản phẩm này đối với công chúng.
Cấm tặng quà và mẫu thử cho các bà mẹ và nhân viên y tế
Yêu cầu tài liệu chứa thông tin ủng hộ việc nuôi con bằng sữa mẹ, để cảnh báo việc cho trẻ bú bình và không chứa hình ảnh trẻ em hay câu chữ lý tưởng việc sử dụng sản phẩm thay thế sữa mẹ.
Cấm việc sử dụng hệ thống chăm sóc y tế để khuyến khích việc sử dụng sản phẩm thay thế sữa mẹ.
Cấm việc cung cấp miễn phí hoặc với giá thấp các sản phẩm thay thế sữa mẹ.
Cho phép nhân viên y tế nhận mẫu, nhưng chỉ với mục đích nghiên cứu.
Đòi hỏi rằng thông tin sản phẩm phải chân thực và có khoa học.
Cấm việc buôn bán các sản phẩm khích lệ việc sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ và tiếp xúc trực tiếp với các bà mẹ.
Yêu cầu trên nhãn sản phẩm phải có thông tin đầy đủ của việc sử dụng sữa công thức hợp lý và nguy cơ nếu dùng không đúng cách.
Yêu cầu nhãn mác sản phẩm không được hạ thấp việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Tài liệu này có lẽ sẽ không được tạo ra ngày hôm nay. Từ khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được thành lập và đặc tính “tự do thương mại” từ năm 1995, sự tinh vi ngày càng gia tăng của những chiến lược quyền lực của các tập đoàn và chiến dịch vận động hành lang rầm rộ của các tổ chức sức khỏe đã gia tăng tới mức độ mà quy tắc này lẽ ra đã bị bãi bỏ trước khi đến được giai đoạn bỏ phiếu.

Tuy nhiên, năm 1981, những tiểu bang thành viên, các tập đoàn và các tổ chức phi chính phủ đã ở vị trí tương đối bình đẳng với nhau. Bằng cách ngăn chặn ngành công nghiệp sữa quảng cáo sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh, tặng các mẫu miễn phí, quảng cáo sản phẩm ở các cơ sở y tế hoặc bằng cách tặng những “túi quà tiện lợi” cho mẹ-và-bé, và nhấn mạnh việc dán nhãn mác tốt hơn, Quy tắc hoạt động để tiết chế một ngành công nghiệp mà lẽ ra đã trở thành bàn đạp tay trong cho việc sản xuất thực phẩm dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Nhưng không may mắn là…

Trở thành một thành viên ký hiệp ước/quy tắc không có nghĩa rằng các nước thành viên bị bắt buộc phải tuân thủ hoàn toàn các khuyến nghị của nó. Nhiều nước, trong đó có Anh, chỉ áp dụng một số nội dung – chẳng hạn, nguyên tắc cơ bản rằng nuôi con bằng sữa mẹ là một điều tốt – trong khi đó lại làm ngơ những chiến lược căn bản nhằm hạn chế quảng cáo và việc tiếp xúc của hãng sữa với những người mẹ. Vì vậy, ở Anh, sữa công thức dành cho “trẻ khỏe mạnh” có thể được quảng cáo cho các bà mẹ ngay tại các bệnh viện và phòng khám, mặc dù không thông qua truyền thông.

Thêm nữa, về phần các hãng sữa, họ tiếp tục tranh luận rằng bộ Quy Tắc quá nghiêm ngặt và ngăn cản họ khai thác thị trường mục tiêu một cách toàn diện. Thật vậy, Helmut Maucher, một nhà vận động hành lang có thế lực của tập đoàn và là chủ tịch danh dự của Nestle – công ty chiếm lĩnh 40% thị trường thức ăn dành cho trẻ em toàn cầu – đã trở thành người nổi tiếng khi nói rằng: “Những quyết định về đạo đức làm tổn thương khả năng cạnh tranh của một công ty thực ra là phi đạo đức.”

Và ông ta nói không sai, đây là những thị trường lớn. Thị trường sữa dành cho trẻ em tại Anh có trị giá 150 triệu bảng Anh mỗi năm và thị trường Mỹ vào khoảng 2 tỉ đô la. Thị trường sữa và thức ăn dành cho trẻ em toàn cầu dao động ở mức 17 tỉ đô la và tăng 12% mỗi năm.  Dưới quan điểm của các hãng sữa, càng có nhiều phụ nữ cho con bú thì lợi nhuận của họ càng giảm. Ước tính rằng, cứ mỗi trẻ em bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng thì 450 đô la thức ăn trẻ em sẽ bị thất thu. Ở phương diện toàn cầu, con số này trở thành hàng tỉ đô la thua lỗ.

Điều đặc biệt làm các hãng sữa lo ngại là, nếu họ chấp nhận bộ Quy tắc này mà không tranh đấu thì việc này sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho các ngành khác của thương mại quốc tế – chẳng hạn như dược phẩm, thuốc lá, thực phẩm, nông nghiệp và các công ty dầu. Đó là lý do tại sao mà trọng tâm của vấn đề nuôi dưỡng trẻ nhỏ đã bị đổi hướng khỏi sức khỏe trẻ em và thay vào đó trở t hành một cuộc chiến có tính biểu tượng cho tự do thương mại.

Trong khi hầu hết các hãng sữa đều công khai đồng ý tuân theo Bộ Quy Tắc, nhưng họ lại kín đáo triển khai các nguồn lực khổng lồ để diễn giải lại hoặc tìm cách luồn lách nó. Về nỗ lực này, Nestle đã thể hiện sự thách thức và lì lợm đến mức không thể tin nổi.

Ở Ấn Độ, chẳng hạn, Nestle vận động chống lại Bộ Quy tắc trở thành luật, và sau đó khi luật đã được thông qua, công ty này đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự do cách ghi nhãn hiệu của mình, nhưng họ lại đưa ra kêu gọi chống lại chính phủ Ấn Độ thay vì chấp nhận hình phạt.

Sau bao nhiêu năm với những hành động gây hấn như vậy, cộng với những hành vi quảng cáo và tiếp thị phi đạo đức, đã dẫn tới một chiến dịch liên tục để tẩy chay các sản phẩm của công ty kể từ năm 1977.

Logo của Nestle (trái) và Logo tẩy chay Nestle (phải). Nguồn ảnh: Babymilk Action

Kẽ hở Achilles của Bộ quy tắc nằm ở chỗ là nó không thiết lập một cơ quan quản lý nào cả. Ý tưởng này có trong bản soạn thảo gốc, nhưng lại bị dời đến các văn bản soạn thảo kế tiếp. Thay vào đó, việc giám sát Bộ quy tắc đã được giao cho chính phủ hoạt động riêng lẻ và  tập thể thông qua tổ chức Y tế Thế giới.

Nhưng, hơn 25 năm qua,  tính trách nhiệm tập thể đã trượt khỏi chương trình nghị sự của UN, sau cả tự do thương mại, tự điều chỉnh và hợp tác. Thiếu sự giám sát của chính phủ có nghĩa rằng những nhóm nhỏ và ít quỹ như Mạng lưới Hành động vì Thực phẩm trẻ em Quốc tế (International Baby Food Action Network – IBFAN), có 200 nhóm thành viên làm việc ở hơn 100 quốc gia, mặc nhiên trở thành cơ quan giám sát vi phạm của Bộ Quy tắc. Nhưng mặc dù những nhóm cảnh giới này có thể giám sát và báo cáo vi phạm Bộ quy tắc cho các cơ quan thẩm quyền về sức khỏe, nhưng họ không thể ngăn chặn các vi phạm này. Năm 2004, theo báo hai năm một lần của IBFAN về việc Vi phạm luật, Lợi dụng luật, đã phân tích hành vi tiếp thị của 16 công ty thức ăn trẻ em thế giới, và 14 công ty sản xuất bình và núm ti, giữa tháng 1 năm 2002 và tháng 4 năm 2004. Các nhà nghiên cứu đã tìm ra khoảng 2 000 vi phạm bộ Quy tắc ở 69 quốc gia.

Ở phương diện toàn cầu, việc xuyên tạc Bộ quy tắc để phù hợp với những chiến lược tiếp thị khá phổ biến, và Nestle tiếp tục dẫn đầu trong việc này. Theo IBFAN, Nestle tin rằng chỉ một trong những sản phẩm “sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh” của họ mới bị buộc nằm trong phạm vi của Bộ quy tắc. Họ cũng từ chối tính toàn cầu của Bộ quy tắc, nhấn mạnh rằng nó chỉ áp dụng cho những đất nước đang phát triển. Nơi nào mà Nestle và Hiệp hội Các hãng sản xuất Thức ăn Trẻ em mà nó (Nestle) chi phối, dẫn đầu thì các công ty khác theo chân, và khi những công ty như Nestle bị buộc tội vi phạm Bộ quy tắc thì chiến lược lại đơn giản nhưng hiệu quả – đó là khởi nguồn những cuộc thảo luận phức tạp và nhàm chán với những tổ chức ở tầm WHO hoặc WHA về việc làm sao để diễn giải Bộ Quy Tắc một cách tốt nhất với hi vọng rằng những cuộc họp  như thế này sẽ bù đắp cho bất kỳ tai tiếng nào và đánh lạc hướng dư luận qua khỏi thiệt hại do những vi phạm liên tục này gây ra.

Theo Patti Rundall, điều quan trọng là không để những chiêu bài đánh lạc hướng này có cửa hoạt động ngay từ ban đầu: ‘Có thể không có loại thức ăn nào mà có sẵn tại chỗ, có tính bền vững và thân thiện với môi trường hơn sữa mẹ. Đây chính là loại thức ăn duy nhất mà trẻ cần trong sáu tháng đầu đời. Sữa mẹ là nguồn thức ăn được làm mới một cách tự nhiên mà không cần đóng gói hay vận chuyển, vì thế không hề lãng phí và miễn phí. Nuôi con bằng sữa mẹ cũng có thể góp phần giảm tỉ lệ nghèo đói là nguyên nhân chính của tình trạng suy dinh dưỡng.”

Vì vậy có lẽ chúng ta nên tiếp tục đơn giản hóa cuộc tranh cãi bằng việc hỏi: Có phải những công ty khuyến khích việc nuôi con bằng sữa công thức như là một tiêu chuẩn đơn giản chỉ là những chủ hãng thông minh làm công việc của mình hay là những kẻ vi phạm nhân quyền tệ hại nhất?

+ Xem thêm:

+ SỰ THẬT KINH HOÀNG ĐẰNG SAU NHỮNG HỘP SỮA - PHẦN 1

SỰ THẬT KINH HOÀNG ĐẰNG SAU NHỮNG HỘP SỮA - PHẦN 2

SỰ THẬT KINH HOÀNG ĐẰNG SAU NHỮNG HỘP SỮA - PHẦN 3

SỰ THẬT KINH HOÀNG ĐẰNG SAU NHỮNG HỘP SỮA - PHẦN 4

SỰ THẬT KINH HOÀNG ĐẰNG SAU NHỮNG HỘP SỮA - PHẦN 5

SỰ THẬT KINH HOÀNG ĐẰNG SAU NHỮNG HỘP SỮA - PHẦN 6

SỰ THẬT KINH HOÀNG ĐẰNG SAU NHỮNG HỘP SỮA - PHẦN CUỐI


Nguồn bài viết: Webcuame
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: